Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát: Hiệu quả bước đầu của giải pháp tài chính - tiền tệ

08:06, 27/06/2011

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đều tích cực thực hiện các giải pháp về tài chính, tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và  chỉ đạo của UBND tỉnh. Đến nay, các chỉ số của ngành Ngân hàng đều đạt tiến độ, yêu cầu, nhiều mục tiêu như kiềm chế cho vay phi sản xuất, khống chế nợ xấu… đã về đích trước thời hạn.

Nhiều chỉ tiêu về đích sớm!

Trong bộ giải pháp của Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, các giải pháp về tiền tệ, ngân hàng được xác định vai trò trọng tâm. Công cụ tiền tệ có tác động và chi phối trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, chỉ số giá tiêu dùng cũng như các hoạt động khác của toàn bộ nền kinh tế. Chính vì vậy, bên cạnh sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, thường xuyên các hoạt động của ngành Ngân hàng. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07 và tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn; chủ trì đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Từ tháng 4-2011 đến nay, tiến độ thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ ở từng ngân hàng, tổ chức tín dụng đều được cập nhật hàng tuần để UBND tỉnh giám sát, chỉ đạo kịp thời. Chính vì vậy, kết quả hoạt động chung về tài chính, tiền tệ cũng như các hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đi đúng hướng và đạt được các yêu cầu đề ra. 

Nhờ tiếp cận vốn vay kịp thời, Cty CP May Nam Hà đã ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho công nhân.
Nhờ tiếp cận vốn vay kịp thời, Cty CP May Nam Hà đã ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho công nhân.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến ngày 17-6-2011 tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức và dân cư trên địa bàn tỉnh đạt 12.964 tỷ đồng, tăng 1.625 tỷ đồng (14,33%) so với đầu năm. Tỉnh ta được đánh giá là đơn vị huy động hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, chiếm 83% tổng nguồn vốn huy động để phục vụ sản xuất, kinh doanh và các hoạt động của nền kinh tế. Ngân hàng NN-PTNT tỉnh có tổng nguồn vốn huy động 3.500 tỷ đồng thì 2.300 tỷ đồng được huy động từ khu vực dân cư. Từ đầu năm đến nay, riêng nguồn vốn huy động khu vực dân cư tăng 200 tỷ đồng. Hiện tại, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 17.355 tỷ đồng, tăng 1.019 tỷ đồng (6,24%) so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 8.102 tỷ đồng, tăng 641 tỷ đồng (8,59%) so với đầu năm và đạt tỷ trọng 46,68% trong tổng dư nợ. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất là 1.686 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội đạt 1.881 tỷ đồng, tăng 150 tỷ đồng (8,67%) so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ là 1,35%. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ước đạt 6,01%.

Nhằm thắt chặt tín dụng, tài khoá trong năm để kiềm chế lạm phát, Chính phủ chỉ đạo tốc độ tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 20%. Đến nay, chưa có ngân hàng nào trong số 13 ngân hàng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng đến 13%. Với mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay thì mức tăng trưởng cao nhất năm 2011 sẽ ở mức dưới 20%. Về cho vay lĩnh vực phi sản xuất, Chính phủ yêu cầu đến hết tháng 6 phải có tỷ trọng dưới 22% và đạt dưới 16% vào 31-12-2011. Đến nay, lĩnh vực này tại tỉnh ta chỉ còn 12,13% và sẽ tiếp tục giảm do các ngân hàng, tổ chức tín dụng đồng loạt thực hiện dừng cho vay và tiến hành thu hồi vốn. Ngân hàng cổ phần Kỹ - Thương (Techcombank) nằm trong nhóm có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất cao nhất hiện nay là 20,6% cho biết đã hạn chế tối đa đầu ra, đồng thời tăng khả năng huy động vốn, tăng dư nợ để đưa tỷ trọng này đạt yêu cầu đề ra… Ngược lại, chỉ số cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã không ngừng tăng trưởng. Nếu tỷ trọng dư nợ nông nghiệp, nông thôn đạt con số ấn tượng là 46,68% thì trong tổng số 48.540 bộ hồ sơ vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đã có 48.478 hồ sơ được giải quyết cho vay, 62 bộ còn lại được xác định có phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, không hợp lý, chưa hoàn thiện thủ tục. Tỷ lệ nợ xấu từ đầu năm đến nay đã ở mức cho phép. Tác động của việc tạo điều kiện vốn cho nông nghiệp, nông thôn và sản xuất kinh doanh đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh: Trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng sản phẩm GDP đạt 5.363 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2010. Việc thực hiện đúng các chỉ tiêu, giải pháp tài chính, tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ tại tỉnh ta đã góp phần tích cực kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Sau khi liên tục tăng, từ tháng 5-2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có xu thế giảm. Đến giữa tháng 6-2011, đã có đủ căn cứ để khẳng định CPI tiếp tục giảm so với tháng 5-2011.

Mục tiêu cao hơn cho 6 tháng cuối năm

Bên cạnh các chỉ số, mục tiêu nêu trên, thị trường tài chính, tiền tệ tỉnh từng bước ổn định, hoạt động đúng quỹ đạo. Thị trường ngoại tệ sau khi thực hiện quy định áp dụng trần lãi suất 3%/năm, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thêm 2% đã khiến tỷ giá ngoại tệ ổn định, lưu lượng chuyển đổi từ ngoại tệ sang VND gia tăng. Lộ trình chấm dứt huy động vốn bằng vàng đã được khởi động tích cực. Hai đơn vị huy động vốn bằng vàng trên địa bàn là Ngân hàng ACB và Ngân hàng Đông Á đã hưởng ứng thiết thực, trong đó riêng Ngân hàng Đông Á từ tháng 3 đến nay đã giảm vốn huy động từ 190 tỷ đồng xuống còn 171 tỷ đồng khi dừng huy động vốn bằng vàng… Tuy nhiên, lộ trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đến nay được xem là ở giai đoạn bắt đầu. Báo cáo tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4, 5-2011 cho thấy diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp. Sau hiệu quả bước đầu của các giải pháp tài chính, tiền tệ, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khoá, tiền tệ trong 6 tháng cuối năm 2011. Ngày 16-6-2011, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có công văn chỉ đạo 13 tổ chức tín dụng với trên 200 điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp về tài chính, tiền tệ trong 6 tháng cuối năm 2011 theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Tuy nhiên để tiếp tục thực hiện các giải pháp tài chính, tiền tệ và đạt kết quả cao hơn, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn. Toàn tỉnh có gần 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu về vốn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, chưa kể tới việc cần vốn để lưu thông. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều cho biết, trong các tháng qua dù rất cố gắng nhưng cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của khách hàng. 6 tháng cuối năm, vốn sẽ càng trở nên khan hiếm vì ngoài nhu cầu cao, các ngân hàng còn phải đảm bảo tỷ lệ dự trữ vốn bắt buộc. Để khắc phục khó khăn này, cách duy nhất là gia tăng nguồn vốn huy động. Hiện nay, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh là 12.964 tỷ đồng, dù tăng trưởng so với đầu năm là 14,33% nhưng mục tiêu cả năm 2011 là tăng 38,1%. Vì vậy, các ngân hàng phải có kế hoạch, giải pháp để có thể đạt mức huy động vốn bảo đảm kế hoạch đề ra nhưng phải thực hiện đúng quy định là không được vượt trần lãi suất huy động 14%/năm. Bởi nếu để đạt lượng vốn huy động bằng việc “xé rào” lãi suất sẽ dẫn đến hiệu ứng đẩy lãi suất cho vay lên cao. Doanh nghiệp, khách hàng dù tiếp cận được vốn nhưng sản xuất, kinh doanh không hiệu quả sẽ không có giá trị thúc đẩy sản xuất, thậm chí còn rơi vào nguy cơ rủi ro. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh không lành mạnh còn tạo tiền đề cho sự “hỗn loạn” về hoạt động tài chính, ngân hàng, ảnh hưởng đến nền kinh tế của tỉnh… Cùng với vấn đề huy động vốn, cần có các định hướng, chỉ đạo thích hợp về thực hiện từng giải pháp, mục tiêu đúng quy định đề ra của Nghị quyết 11, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Chỉ số đầu tiên cần quan tâm là chỉ số tăng trưởng tín dụng cả năm 2011. Đến hết tháng 6-2011, chỉ số này ở mức 6,01%, so với mục tiêu đề ra của cả năm 2011 là 20% thì hoàn toàn khả thi. Nhưng với thực trạng của tỉnh ta thì việc đẩy mạnh kiềm chế tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung cũng như tốc độ gia tăng giá trị sản xuất các khối kinh tế. Vì vậy, cần có biện pháp chỉ đạo cụ thể đến từng tổ chức tín dụng để đảm bảo không vượt trần 20% nhưng tốc dộ tăng cũng không quá thấp, đồng thời, cơ cấu tín dụng cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với thực tế của tỉnh. Việc về đích sớm về tỷ trọng dư nợ lĩnh vực phi sản xuất là rất đáng phấn khởi nhưng không vì thế mà buông lỏng tiêu chí này. Thực tế hiện nay thị trường chứng khoán, bất động sản đang ngưng trệ, giá đất có xu hướng đi xuống. Để gia tăng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì không chỉ xiết chặt cho vay mà thậm chí còn phải tính đến việc triển khai các biện pháp thu hồi vốn trong lĩnh vực này. Ngược lại, trong cơ cấu dư nợ, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ đầu năm đã tăng trưởng và đạt tới 46,68% nhưng vẫn cần tiếp tục thúc đẩy vì thực tế gần 80% dân số và địa bàn tỉnh ta là nông nghiệp, nông thôn. Thời điểm hiện nay, việc hỗ trợ vốn cho nông nghiệp, nông thôn còn tạo sức cho công tác xây dựng nông thôn mới đang được triển khai giai đoạn 1 tại 96 xã, thị trấn trong tỉnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giải pháp tài chính, tiền tệ được xem là yếu tố chủ đạo trong kết quả hạ chỉ số giá tiêu dùng và kiềm chế lạm phát trong thời gian qua. Căn cứ vào diễn biến của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo mục tiêu đạt mức tăng tối đa CPI cả năm nay là 12-13%. Như vậy, trong 7 tháng còn lại, CPI phải liên tục giảm ở tốc độ rất cao vì chỉ đến hết tháng 5, CPI 5 tháng đầu năm đã đạt mức tăng 12,07% so với tháng 12-2010. Để thực hiện đạt mục tiêu này, rõ ràng chính sách tài chính, tiền tệ của Nghị quyết 11 đưa ra cần được thực hiện với kết quả cao hơn 6 tháng đầu năm./.

Bài và ảnh: Hoàng Long

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com