Tháng 6-2011 CPI tiếp đà giảm tốc?

08:06, 01/06/2011

Sức mua hàng hóa tăng chậm lại

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiết yếu, sau thời gian tăng giá liên tục vào các tháng đầu năm, giá nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thép xây dựng, đường, thức ăn chăn nuôi… đã dần ổn định, riêng một số mặt hàng như xăng dầu, phân bón do ảnh hưởng của giá thế giới nên vẫn còn áp lực tăng giá.

Do giá cả hàng hóa tăng ở mức cao nên thị trường trong tháng 5 kém sôi động. Mặc dù trong tháng có kỳ nghỉ lễ kéo dài (ngày 30-4 và 1-5) nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng năm ước đạt 156.011 tỷ đồng, chỉ tăng 0,68% so với tháng 4. Đây là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay. Điều đó cho thấy sức mua hàng hóa và dịch vụ tăng khá thấp do xu hướng tiết giảm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát cao.

Dự báo CPI tháng 6 vẫn ở mức cao nhưng sẽ giảm tốc so với tháng 5-2011 và tăng khoảng 1,3-1,5% so với tháng 5-2011.
Dự báo CPI tháng 6 vẫn ở mức cao nhưng sẽ giảm tốc so với tháng 5-2011 và tăng khoảng 1,3-1,5% so với tháng 5-2011.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 5 tháng đầu năm đạt 762.716 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2010, trong đó, nhóm thương nghiệp (nhóm có tỷ trọng cao nhất) có mức tăng lớn nhất là 23,6% nên đã hỗ trợ cho mức tăng chung. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng chung trong 5 tháng chỉ còn 6,4%.

Kiềm chế lạm phát - lo ngại khi lãi suất tăng cao

Theo phân tích của các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước, mặc dù áp lực tăng giá hàng hóa tiêu dùng đang có xu hướng giảm nhưng việc điều hành không thể chủ quan bởi thị trường hàng hóa vẫn tiếp tục chịu tác động của nhiều yếu tố:

Trước hết là áp lực giá của nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là giá xăng dầu và phân bón. Thứ hai, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, dịch lở mồm long móng tuy đã từng bước được khống chế, nhưng dịch bệnh tai xanh lại đang lan nhanh, gây ảnh hưởng tới mặt hàng thực phẩm. Thứ ba, nhập siêu tiếp tục gia tăng ảnh hưởng tới cán cân thanh toán, gây sức ép lên tỷ giá USD/VND. Thứ tư, nhu cầu du lịch gia tăng trong những tháng hè. Thứ năm, áp lực thực hiện giá thị trường một số mặt hàng điện, than và xăng dầu vẫn tiếp tục. Đặc biệt, chi phí đầu vào của sản xuất vẫn cao, trong đó là áp lực vốn và lãi suất ngân hàng rất cao. Trong cuộc họp, hầu hết các thành viên, nhất là đại diện các hiệp hội ngành hàng đều lo ngại rằng, lãi suất ngân hàng hiện rất cao làm khó doanh nghiệp.

Theo một số ý kiến, trong khi giá một số mặt hàng thiết yếu khá ổn định, để khống chế lạm phát, điều kiện mấu chốt hiện nay là phải khống chế lãi suất cho vay tăng quá cao, đồng thời thực hiện quyết liệt tinh thần Nghị quyết 11 là cắt giảm chi tiêu công; đình, dãn, hoãn một số công trình. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, bảo đảm giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu với giá bán hợp lý.

Với những phân tích trên, các thành viên Tổ điều hành trong nước dự báo, CPI tháng 6 vẫn ở mức cao nhưng sẽ giảm tốc so với tháng 5-2011 và tăng khoảng 1,3-1,5% so với tháng 5-2011./.

Theo: Thanh Hương (baocongthuong.com.vn)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com