Tăng cường các biện pháp giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản

08:06, 06/06/2011

Tổn thất sau thu hoạch và quản lý sau thu hoạch nông sản ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn, khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường và thu nhập của người lao động. Việc thiết lập các hệ thống quản lý giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân. Theo thống kê của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), khi thu hoạch, chế biến nông sản, phần lớn các địa phương đều bị tổn thất về sản lượng; trong đó, lúa bị tổn thất từ 11-13%, ngô 13-15%… Nguyên nhân do nông dân thiếu kinh nghiệm bảo quản, chưa có thói quen áp dụng chặt chẽ các quy trình thâm canh phù hợp với từng loại rau quả; quy trình kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản hiện nay còn lạc hậu, thiếu trang thiết bị chuyên dụng ở tất cả các khâu, thời gian bảo quản ngắn và chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, hàng nông sản không được phân loại, xử lý và bảo quản tốt nên chất lượng thấp, dễ nảy mầm, nấm, mốc do thời tiết. Ở tỉnh ta, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch đối với lúa, ngô là 11,7% (khoảng trên 100 nghìn tấn); rau củ là 15-30% và thủy sản là hơn 20% (cao hơn so với trung bình cả nước). 

Máy gặt đập liên hợp tại cánh đồng xã Nam Vân (TP Nam Định).  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Máy gặt đập liên hợp tại cánh đồng xã Nam Vân (TP Nam Định).

Để giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, Sở NN-PTNT đã đề ra giải pháp đưa cơ giới hóa vào sản xuất và ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong sơ chế và bảo quản nông sản. Những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ nông dân 50% giá  trị thiết bị (1,5 tỷ đồng) mua 650 công cụ gieo lúa thẳng và 15 máy gặt đập liên hợp. Đối với vùng trồng màu, tỉnh hỗ trợ xây 14 kho lạnh bảo quản nông sản; quy hoạch, xây dựng và hiện đại hóa hệ thống các nhà máy xay xát, chế biến gạo… Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.000 dàn gieo sạ, 80 máy gặt đập liên hợp, 54 kho lạnh bảo quản giống và hàng nông sản, 3.692 máy xay xát lúa các loại, 98 lò, máy sấy nông lâm thủy sản và 13 máy sơ chế sản phẩm nông sản gồm cà chua, dưa chuột bao tử ở các vùng nguyên liệu tập trung. Hiệu quả sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần giảm 50% tổn thất so với thu hoạch thủ công. Công nghệ bảo quản lạnh trong kho đã giảm 80-90% tổn thất về chất và lượng hàng nông sản so với cách bảo quản thông thường.

Cùng với giải pháp đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất, việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong sơ chế và bảo quản nông sản được Sở NN-PTNT tích cực triển khai thông qua các hoạt động  khảo nghiệm chọn giống lúa, rau màu và con giống thủy hải sản có chất lượng cao phù hợp với thực tế đồng đất của từng địa phương. Trong 2 năm 2009, 2010, Sở NN-PTNT đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, tỷ lệ rụng hạt thấp như các giống lúa: Thiên Ưu 1025, TX111, TBR45, BC15; giống cà chua có năng suất, chất lượng cao, vỏ và thịt quả dai phù hợp với xuất khẩu như Savior, HT144; DVS95; giống khoai tây Đức, Hà Lan… Công tác tuyên truyền, tập huấn, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất tập trung ở các khâu canh tác, thu hoạch và bảo quản nhằm giảm tổn thất trước, trong và sau thu hoạch. Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh đã mở 13 lớp tập huấn chuyên đề về chế biến sau thu hoạch lúa cho 1.000 lượt người; mở 4 lớp đào tạo và xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, thực hiện quy trình khép kín từ xử lý giống đến thu hái, sơ chế và vận chuyển sản phẩm theo quy trình VietGAP; tổ chức 3 lớp tập huấn về các giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch. Đồng thời hỗ trợ 4 dự án nuôi trồng thủy sản với diện tích 140ha ứng dụng công nghệ sinh học để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Sở NN-PTNT đang tiếp tục mở rộng cơ chế khuyến khích đầu tư nghiên cứu công nghệ và thiết bị phục vụ công nghiệp chế biến, chú trọng chế biến tinh sâu, chế biến thực phẩm chức năng và đa dạng hóa sản phẩm từ lương thực và rau quả; phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu giảm tổn thất lúa gạo sau thu hoạch 5-6%, rau quả 10-12% và thủy sản dưới 10%. Thực hiện quy hoạch hệ thống thủy lợi đồng bộ với phát triển hệ thống giao thông nội đồng, gắn với giao thông nông thôn để dễ dàng di chuyển máy móc; mở rộng kích thước lô thửa, san phẳng đồng ruộng, tạo thuận lợi cho máy móc làm việc trên đồng. Hỗ trợ kinh phí và công nghệ để các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp (máy sấy, máy gặt đập liên hợp), đầu tư nâng cấp và mở rộng sản xuất máy nông nghiệp. Nâng cấp mạng lưới thông tin nông thôn, thông tin công nghệ và thông tin thị trường để người dân tiếp cận với khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản...

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com