Quản lý giá các mặt hàng thiết yếu góp phần bảo đảm an sinh xã hội

07:06, 29/06/2011

Những tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, trong đó CPI tháng 4 tăng tới 3,32%, cao nhất trong 3 năm gần đây. Sự gia tăng CPI nói riêng, lạm phát nói chung tác động lớn đến đối tượng có thu nhập từ trung bình trở xuống, trong đó hộ có thu nhập thấp, hộ diện nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc tăng lương tối thiểu theo lộ trình, tăng giá xăng dầu làm cho chỉ số giá cả liên tục biến động, trong đó có không ít những hiện tượng đầu cơ, tích trữ, tự tạo giá để trục lợi. Vì vậy, công tác quản lý giá các mặt hàng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được xác định là biện pháp quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội. 

Mua bán tại Siêu thị Big C Nam Định.
Mua bán tại Siêu thị Big C Nam Định.

Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: "Ngay từ quý I-2011, Chi cục đã chỉ đạo 2 đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường theo 6 phương án của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về giá, bảo đảm bình ổn thị trường. Trong đó, chú trọng những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, sữa các loại, thuốc tân dược... Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo đảm VSATTP được quan tâm...". Trong 6 tháng đầu năm Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành 1.581 cuộc kiểm tra, phát hiện 712 vụ vi phạm ở 6 lĩnh vực, trong đó đã phát hiện, xử lý 183 vụ vi phạm về giá, xử phạt hành chính các lỗi vi phạm với số tiền 232,2 triệu đồng. Để giúp người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, Chi cục đã tăng cường kiểm tra, xử lý tịch thu 15 loại mặt hàng thiết yếu vi phạm như mỳ chính (186,1kg), bột giặt OMO giả (160 kg), dầu nhớt (72 hộp), mứt bí (180 kg)... Đặc biệt, Chi cục chỉ đạo 11 đội Quản lý thị trường phải bám sát diễn biến thị trường, có hành động kịp thời đảm bảo ổn định thị trường. Trong các thời điểm biến động về giá xăng, dầu, một số cửa hàng, đại lý bán lẻ đã tự ý nâng giá bán, bán hạn chế hoặc đóng cửa, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành tổng kiểm tra 100% các cửa hàng đại lý bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn, xử lý nghiêm hàng chục đơn vị vi phạm... Từ các hoạt động thiết thực trên, trong 6 tháng đầu năm thị trường tỉnh ta vẫn cơ bản ổn định, không xảy ra sốt giá, CPI của tỉnh luôn thấp hơn trung bình toàn quốc. Riêng trong tháng 4, khi CPI cả nước tăng tới 3,32%, nhưng tại tỉnh ta CPI vẫn ở mức dưới 3%. Kết quả trên đã góp phần làm lành mạnh, ổn định thị trường.

Bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng trong việc quản lý giá, sự ổn định của thị trường tỉnh ta còn có vai trò của các đầu mối thương mại lớn. Điển hình là Trung tâm Thương mại Thiên Trường Nam Định (Siêu thị Big C). Đại diện Cty TNHH E.B Nam Định, đơn vị triển khai kinh doanh tại siêu thị Big C cho biết: Từ đầu năm đến nay (ngay khi đưa siêu thị vào hoạt động) Cty đã triển khai hàng loạt các chính sách để bình ổn giá. Cụ thể, từ cuối năm 2010 siêu thị Big C đã triển khai chương trình "Đồng giá 5.000 đồng", thường xuyên có 10 mặt hàng chủ yếu ở nhóm thực phẩm như: thuỷ hải sản, rau củ quả, thịt, thực phẩm chế biến sẵn... được bán với giá 5.000 đồng/đơn vị tính. Các mặt hàng thiết yếu này hướng tới đối tượng khách hàng là người lao động có thu nhập thấp. Rộng hơn, siêu thị Big C đã triển khai 5 tiêu chí bảo vệ giá, để bảo vệ người tiêu dùng gồm: Từ chối điều chỉnh giá của các nhà cung cấp; thương lượng mức độ điều chỉnh thấp nhất có thể; thương lượng thời hạn áp dụng giá mới; tăng cường trữ hàng giá thấp; huỷ bỏ những mặt hàng điều chỉnh giá cao, không có lý do chính đáng, đồng thời tìm những mặt hàng thay thế hoặc các nhà cung cấp mới có giá cạnh tranh hơn. Thống kê cho thấy so với các siêu thị, chợ, cửa hàng và mức giá chung của thị trường, năm nay hệ thống Big C có tới trên 200 mặt hàng thiết yếu có giá hấp dẫn. Việc liên tiếp ngừng bán một số mặt hàng do nhà cung cấp nâng giá ngoài dự kiến của Big C đã được người mua đồng tình. Bên cạnh đó, ngay tại Nam Định, siêu thị Big C đã mời 200 doanh nghiệp thảo luận, thương thảo liên kết để tìm nguồn hàng tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển để có hàng hoá với giá thành thấp... Những giải pháp hạ giá thành trên của Big C Nam Định là một chiến lược kinh doanh, nhằm hấp dẫn khách hàng, tăng và giữ sức mua, đã đóng góp hiệu quả vào việc bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, trong điều kiện tỉnh ta còn khó khăn về kinh phí, để thành lập hệ thống bán hàng bình ổn giá, trợ giá cho người có thu nhập thấp thì những định hướng kinh doanh như trên cần được khuyến khích. Lãnh đạo Cty Quản lý chợ Nam Định cho biết, Cty đã chỉ đạo ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố, nhất là các chợ lớn như chợ Rồng, chợ Mỹ Tho có thông báo, kiểm tra, đôn đốc các quầy, đại lý bán hàng thực hiện niêm yết giá bán và bán hàng đúng giá niêm yết. Trong thời gian qua Cty Quản lý chợ Nam Định đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm về giá, chất lượng hàng hoá ở tất cả các chợ...

Những biện pháp nêu trên đã góp phần vào sự ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế diễn biến về lạm phát vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trong những tháng cuối năm. Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ thị trường, giá cả, nhất là giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn là nhiệm vụ quan trọng, cần được tiếp tục chú trọng./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com