Phát triển lúa gạo - Cần chiến lược dài hơi

03:06, 23/06/2011

“Ngành lúa gạo Việt Nam phải có những đổi thay lớn để tạo ra bước phát triển mới cho giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030…” - là khẳng định của ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT tại hội thảo “Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn ở Việt Nam: Từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững” diễn ra mới đây.

Thiếu gắn kết

Theo Bộ NN-PTNT: Xuất khẩu gạo năm 2011 có thể đạt 7,1-7,4 triệu tấn. Chỉ tính riêng tháng 5-2011 sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 704.000 tấn, trị giá hơn 326 triệu USD… Thời gian qua, Chính phủ luôn xem lúa gạo là nhiệm vụ trung tâm của phát triển nông nghiệp nông thôn, từ đó có những chính sách đầu tư đáng kể cho lúa gạo.

Ông Steven Jaffee, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, những năm qua Việt Nam làm rất tốt vấn đề an ninh lương thực và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, thành công về lúa gạo của Việt Nam là niềm mơ ước của nhiều nước, nhưng trước giai đoạn mới, sản xuất lúa gạo và xuất khẩu phải thay đổi. Trong đó, chính sách hỗ trợ ngành lúa gạo, nâng cao chuỗi giá trị… là những việc cần làm ngay. Thực tế, dù Việt Nam xuất khẩu gạo khá nhiều về số lượng, nhưng giá trị thu về thấp, do đa phần là xuất gạo chất lượng chưa cao, không có thương hiệu, không có chỉ dẫn địa lý và rất ít doanh nghiệp cung ứng cho các phân khúc thị trường chất lượng cao. Ngoài ra, sản xuất và xuất khẩu lâu nay ở các tỉnh vẫn mạnh ai nấy làm.

Tôn vinh cây lúa, tìm thương hiệu cho hạt gạo, đó là chiến lược để chúng ta phát triển và nâng cao giá trị của kim ngạch xuất khẩu gạo. Ảnh: pv
Tôn vinh cây lúa, tìm thương hiệu cho hạt gạo, đó là chiến lược để chúng ta phát triển và nâng cao giá trị của kim ngạch xuất khẩu gạo.
Ảnh: Internet

Thực tế, trong khoảng 9 triệu hộ gia đình Việt Nam tham gia sản xuất lúa gạo, rất ít hộ có thể sinh sống chủ yếu nhờ bán lúa. Ở đồng bằng sông Cửu Long, chưa tới 1/4 số người trồng lúa có triển vọng duy trì được mức sống cạnh tranh dựa vào canh tác lúa chuyên canh. Bộ NN-PTNT thừa nhận, nếu khâu tiêu thụ lúa và xuất khẩu gạo được tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn, lợi ích giữa sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu được chia sẻ công bằng hơn, doanh nghiệp chịu gắn kết cùng nông dân tạo dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao và làm thương hiệu, việc chuyển đổi đất lúa màu mỡ được xem xét cẩn trọng hơn… thì đời sống của nông dân trồng lúa có thể được cải thiện rất nhiều.

Chiến lược mới cho phát triển lúa gạo

Ông Bùi Bá Bổng cho rằng: Hiện tại và tương lai lúa gạo chắc chắn vẫn là trụ cột chính của an ninh lương thực quốc gia, nhưng trọng trách này chỉ có thể đạt được bền vững khi những vùng trồng lúa phải trở thành những vùng phồn thịnh của nông thôn Việt Nam và phải có thu nhập, lợi nhuận tương xứng.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi ngành lúa gạo Việt Nam phải hoạch định chiến lược mới cho phát triển lúa gạo trong 10-20 năm tới và xa hơn.

Hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tiến tới xây dựng vùng lúa chất lượng cao, quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu, nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho hạt gạo. Dự kiến năm 2012, tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn sẽ được nâng lên từ 20.000-40.000ha; năm 2013 từ 50.000-80.000ha.

Nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, gia tăng giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa… nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị: tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử dụng đất; thực hiện các chiến lược hỗ trợ khác nhau ở cấp vùng và tỉnh; cũng như giữa những hộ gia đình khác nhau; tách biệt hẳn các hệ thống và chiến lược đối với xuất khẩu gạo mang tính xã hội và thương mại; Chính phủ cần định hướng lại trọng tâm chuyển từ các chức năng thương mại sang tập trung vào các mục tiêu xã hội, “hàng hóa công” và quản trị rủi ro…

Đồng thời, cần học tập kinh nghiệm quốc tế để giảm thiểu những biến động quá mức về giá lương thực thông qua hoạt động mua bán của Nhà nước, quản lý dự trữ và mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu. Tăng cường các nỗ lực quản lý để giảm thiểu tác động môi trường, gia tăng sản xuất lúa gạo…

Theo: baocongthuong.com.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com