Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

08:06, 03/06/2011

Trước đây sản xuất CN-TTCN do phát triển theo hướng tự phát nên phần lớn các cơ sở sản xuất chưa tuân thủ và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT). Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xả nước thải, khí thải, rác thải ra ngoài môi trường và chưa thực hiện việc thu gom chất thải rắn, gây ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản phần lớn nông dân chưa thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trên 70% số trang trại có quy mô nhỏ, các chủ trang trại và người lao động chưa có ý thức phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh chưa bảo đảm nên dịch bệnh dễ phát sinh… 

Thu gom rác thải rắn ở CCN Yên Xá (Ý Yên).
Thu gom rác thải rắn ở CCN Yên Xá (Ý Yên).

Để ngăn chặn, hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng khảo sát thực trạng hạ tầng kỹ thuật sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, từ năm 2004 thực hiện dự án “Quản lý chất thải nguy hại” do Chính phủ Thuỵ Sỹ tài trợ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các hoạt động góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cơ khí: Vân Chàng và Bình Yên (Nam Trực). Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, các xã thành lập đội thu gom rác thải được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động và các thiết bị chuyên dùng; xây nhà kho chứa chất thải nguy hại tại bãi rác tập trung của xã; các hộ làm nghề xây dựng hố ga chứa nước thải, xây ống khói giảm thiểu bụi… Dự án đã góp phần cải thiện môi trường chung trong xã, đồng thời làm thay đổi nhận thức của các chủ cơ sở và người lao động trong việc nâng cao ý thức BVMT trong quá trình sản xuất. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới trang thiết bị nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật sản xuất gạch bền vững (VSBK) do Chính phủ Thuỵ Sỹ tài trợ, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã có 39 hộ thuộc 25 xã trên địa bàn 8 huyện chuyển đổi mô hình sản xuất gạch thủ công sang mô hình sản xuất bền vững. Sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án đã góp phần giảm 19% số lò gạch thủ công/năm, xoá bỏ khoảng 480 lò gạch thủ công dã chiến. Qua kiểm tra tại các hộ tham gia dự án cho thấy, lượng HF và SO2 thải vào môi trường đã giảm đáng kể. Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng các công trình chôn lấp, xử lý chất thải rắn cho 10 xã, thị trấn có làng nghề tại các huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên; đầu tư 6,5 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải tại các làng nghề Yên Xá (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Bắc (Xuân Trường), CCN An Xá (TP Nam Định). Thông qua quỹ phát triển Hà Lan, tỉnh ta đã tiếp nhận và thực hiện chương trình khí sinh học do Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp triển khai. Dự án đã tiến hành đào tạo cho mỗi huyện 1 chuyên viên kỹ thuật, 2 tổ thợ xây dựng hầm biogas và lắp đặt các thiết bị phụ trợ đúng yêu cầu kỹ thuật; hỗ trợ cho mỗi hộ tham gia dự án 1,2 triệu đồng, trong đó có 625 nghìn đồng là tiền của dự án, còn lại là ngân sách tỉnh. Bình quân mỗi năm, dự án đã thực hiện được 350 công trình, từng bước góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Từ năm 2009, tại 2 huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội phối hợp với Cty cổ phần Hải Nguyên triển khai mô hình trình diễn phương pháp chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh thái, từ các nguồn chất xơ, mùn cưa, bột ngô, bã sắn… được trộn men vi sinh để lên men. Chỉ cần đầu tư 600-700 nghìn đồng, các hộ chăn nuôi đã có đệm lót nền cho 1 ô chuồng rộng 10m2, giúp giảm tối đa công rửa nền và dọn chuồng, giữ ấm cho gia súc vào mùa rét và giúp giảm ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi. Đặc biệt, đệm lót chứa các sinh vật có lợi trong việc phòng, chống các dịch bệnh như lở mồm, long móng, tai xanh, cúm gia cầm. Phương pháp sử dụng đệm lót sinh thái hiện đã được khoảng 50 chủ trang trại, quy mô từ 1.000 đến 7.000 con lợn tại các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực áp dụng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn đang thực hiện nhiều chương trình BVMT hiệu quả như: chăn nuôi gà an toàn sinh học, nuôi lợn hướng nạc sinh sản… Từ hiệu quả của những dự án BVMT cùng với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng, đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành động trong công tác BVMT. Việc gắn phát triển kinh tế với BVMT đã được nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất quan tâm hơn. Nhiều hộ dân, chủ trang trại đã đầu tư kinh phí xây dựng hầm biogas, làm đệm lót an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp thu gom xử lý nguồn nước thải; thực hiện xử lý môi trường bằng cách phun thuốc phòng trừ dịch bệnh, tiêm chủng, rắc vôi bột, dọn rửa chuồng trại. Trong sản xuất CN-TTCN, đến nay, hầu hết các chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp: thay đổi thiết bị; nguyên liệu; tuần hoàn, tái sử dụng nguyên liệu; sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, xây dựng các công trình BVMT. Tại các KCN, hầu hết các đơn vị đã thực hiện việc thu gom chất thải rắn và chất thải sinh hoạt. Các doanh nghiệp đều xây dựng hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thoát nước mưa riêng. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải song chất lượng nước sau xử lý của một số đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Việc xử lý khí thải cũng được các doanh nghiệp thực hiện. Hiện đã có 14 doanh nghiệp trong các KCN có hệ thống xử lý bụi; gần 50% số doanh nghiệp thực hiện đủ số lần quan trắc, giám sát định kỳ môi trường. Các doanh nghiệp còn quan tâm đăng ký chủ nguồn thải nguy hại và đã có 59 trong số 117 doanh nghiệp trong các KCN được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; 33 doanh nghiệp tham gia áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn; nhiều doanh nghiệp còn tích cực áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004… Việc áp dụng các biện pháp BVMT trong quá trình sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường mà còn đem lại nhiều lợi ích cho đơn vị nhờ tiết giảm được chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm…

Để phát triển kinh tế gắn với công tác BVMT, các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp  hành các quy định của pháp luật về BVMT, kiên quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ dân, doanh nghiệp hiểu và tự giác tham gia BVMT ngay từ khi bắt đầu thực hiện sản xuất, phát triển kinh tế./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com