Thực hiện chủ trương phát triển nuôi thủy sản bền vững, được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT, từ tháng 5-2010, huyện Nghĩa Hưng đã đẩy mạnh ứng dụng quy trình GAqP vào nuôi trồng thuỷ sản. Đây là quy trình góp phần xây dựng một hệ thống các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm tránh gây nhiễm các chất không được phép sử dụng, có hại đến người tiêu dùng. Đặc biệt góp phần vượt qua được rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, tạo ra thị trường xuất khẩu bền vững và ổn định, từng bước thay đổi phương thức nuôi trồng nhỏ lẻ, không tuân thủ các quy trình sản xuất và yêu cầu kỹ thuật của các hộ dân.
Kiểm tra độ pH trong ao nuôi tại trang trại nuôi ba ba Bình Minh, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Đối tượng áp dụng quy trình GAqP là những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu như tôm he chân trắng, cá vược, ba ba… Các chủ trang trại và nhân viên kỹ thuật được tập huấn quy trình ứng dụng GAqP với 9 nội dung cơ bản: Lựa chọn địa điểm nuôi, thiết kế xây dựng trang trại, quản lý thức ăn, quản lý thuốc, hóa chất, quản lý sức khỏe vật nuôi, vệ sinh trang trại, thu hoạch và phân phối sản phẩm, ghi nhật ký sản xuất và ý thức cộng đồng của người áp dụng quy trình GAqP. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản (Sở NN-PTNT) hỗ trợ các dụng cụ kiểm soát nguồn nước cấp, môi trường nước trong ao nuôi, nước thải và chất thải… như: máy đo cầm tay, máy đo độ pH, độ mặn trong ao nuôi; kít thử các thông số môi trường, tạo điều kiện cho cơ sở nuôi thực hiện kiểm soát tốt các yếu tố tác động như nhiệt độ, độ pH, ôxi hòa tan, độ mặn, độ kiềm, độ trong…; thực hiện phân tích 30 mẫu nước, mẫu vật theo định kỳ để kiểm soát mức độ ô nhiễm nguồn nước, nước thải, mầm bệnh phát sinh và tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm nuôi, đồng thời đưa ra biện pháp xử lý và phòng ngừa một cách hiệu quả, khoa học. Sau một thời gian triển khai ứng dụng quy trình GAqP, sản phẩm nuôi trồng ở các trang trại được công nhận đạt GAqP, trong đó tiêu chí về đảm bảo VSATTP; khống chế dịch bệnh trên vật nuôi và yếu tố đảm bảo không gây hại đến môi trường xung quanh… của các trang trại đều đạt 100%. Sản phẩm xuất bán được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tạo thuận lợi cho các trang trại tiêu thụ sản phẩm. Anh Phạm Ngọc Điến, chủ trang trại nuôi ba ba Bình Minh, xã Nghĩa Sơn cho biết: “Ngay khi có kế hoạch xây dựng trang trại nuôi ba ba thương phẩm, tôi đã nghĩ ngay đến việc phải áp dụng các quy trình sản xuất để đảm bảo an toàn cho vật nuôi và có cơ hội đưa sản phẩm tham gia vào những thị trường ổn định như hệ thống các siêu thị, bếp ăn tập thể và xuất khẩu”. Anh Điến đã đầu tư hàng tỷ đồng quy hoạch trang trại thành 9 ao bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với ao ương giống, ao gom, ao nuôi dẫn và ao nuôi thương phẩm; lắp đặt hệ thống tiêu thoát nước ngầm gồm 4 cống đầu mối phục vụ tiêu thoát và cấp nước ổn định ao nuôi và hệ thống van an toàn đảm bảo kiểm soát nguồn nước, phù du, sinh vật có hại cho môi trường nước trong ao nuôi. Trên cơ sở đó, khi được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản, Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ áp dụng quy trình GAqP cho sản phẩm ba ba, anh Điến đã tích cực vận dụng và đạt hiệu quả cao. Tháng 11-2010, trang trại của anh được cấp chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn GAqP. Hiện tại, trên 20 nghìn con ba ba thương phẩm của trang trại Bình Minh được nuôi trong điều kiện môi trường đảm bảo, nguồn thức ăn được kiểm soát và không có dịch bệnh phát sinh. Mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng anh Điến đã nhận được nhiều đơn hàng của các đối tác lớn nhận bao tiêu sản phẩm lâu dài, giá cả ổn định. Hiệu quả của áp dụng quy trình GAqP trong nuôi thủy sản ở Nghĩa Hưng còn thể hiện rõ nét ở mô hình trang trại nuôi ba ba của Cty TNHH một thành viên Đông Hải - Thị trấn Rạng Đông, đạt sản lượng 20 tấn sản phẩm/năm.
Hiệu quả bước đầu của việc ứng dụng quy trình GAqP trong các mô hình nuôi thủy sản ở Nghĩa Hưng đã góp phần tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát được các chỉ số về an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh và hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao tính cộng đồng, trách nhiệm của chủ trang trại và lao động trực tiếp sản xuất. Tuy nhiên, để quy trình GAqP phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có cơ chế hỗ trợ để nâng cao nhận thức của chủ trang trại, hỗ trợ giống, vốn, quy trình áp dụng và đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, đặc biệt ở khâu xây dựng và vận hành trại nuôi; hướng đến quy hoạch vùng nuôi áp dụng GAqP và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm sạch cho các đối tượng nuôi./.