Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các HTX nông nghiệp

08:06, 03/06/2011

Sản xuất hàng hóa nông sản ở tỉnh ta hiện nay chủ yếu mang tính thời vụ, phụ thuộc phần lớn vào thời tiết nên khó nhận định chính xác về năng suất, sản lượng. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản chưa đa dạng, phần đông nông dân vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao. Vùng sản xuất chưa tập trung, hạn hẹp về diện tích, trồng nhiều loại nông sản trên cùng cánh đồng, thửa ruộng. Bên cạnh đó, do tư tưởng của một bộ phận cán bộ quản lý HTX và nông dân quá “thận trọng” trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi, chưa mạnh dạn tiếp thu và áp dụng cái mới; sản phẩm hàng hóa chưa đăng ký thương hiệu, gắn nhãn mác nên khó khăn trong việc tiêu thụ. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại nông sản còn yếu, các HTX còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý sản phẩm. Mối liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa chặt chẽ; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vốn, giống, khoa học kỹ thuật và chỉ tổ chức thu mua khi có nhu cầu hoặc bị thị trường điều phối, dẫn đến tình trạng tiêu thụ nông sản theo hướng tự phát, bị động trong khi trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều nhà máy, cơ sở chế biến hàng nông sản nên việc tiêu thụ hàng hóa còn khó khăn.

HTX nông nghiệp Cốc Thành, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có diện tích canh tác 232ha; trong đó 180ha sản xuất lúa, 52ha trồng rau màu. Với quy mô 1.091 hộ và 3.605 khẩu; tổng số lao động hiện có là 1.981 người, HTX được chia làm 8 đội sản xuất, bình quân diện tích đất canh tác 410m2/người. Từ tháng 4-2008 đến tháng 3-2011, HTX được triển khai dự án “Tăng cường năng lực xúc tiến thương mại” do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án nhằm đưa ra mô hình HTX phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế thị trường, nâng cao năng lực tư duy, đổi mới và tự giải quyết khó khăn của cán bộ, xã viên HTX. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp đã tiến hành triển khai nghiên cứu ngành hàng khoai tây, rau sạch ở vùng đồng bằng sông Hồng, hiện trạng sản xuất giống khoai tây tại HTX Cốc Thành. Dự án đặt ra các mục tiêu: HTX có năng lực xây dựng thực hiện chiến lược sản xuất, tham gia các hoạt động nghiên cứu thị trường và căn cứ vào nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất; thực hiện chiến lược hạ giá thành sản phẩm, nắm được thông tin sản phẩm thay thế, định giá bán sản phẩm với các thiết bị hỗ trợ, tổng hợp thông tin thị trường. Để có được những năng lực này, HTX Cốc Thành đã thành lập các tổ thông tin thị trường, tổ chức các lớp tập huấn phương pháp xử lý thông tin, từ đó nắm được giá các loại rau, khoai tây trên thị trường, công bố cho xã viên qua hệ thống loa truyền thanh. Xã viên căn cứ vào thông tin thị trường do HTX công bố để thỏa thuận, điều chỉnh giá bán sản phẩm. Dự án đã đầu tư máy tính, máy in, máy photo, điện thoại, tổ chức lớp tập huấn, trao đổi phương pháp xử lý và tổng hợp thông tin nâng cao năng lực thực hiện của cán bộ, xã viên. HTX làm việc với các Cty chế biến, tiêu thụ sản phẩm; trao đổi với Trung tâm tư vấn, ứng dụng, phát triển khoa học nông nghiệp Thái Bình và Cty tư vấn và dịch vụ khoa học nông nghiệp; tiến hành thảo luận với tổ thu gom, tiêu thụ khoai tây tại Cốc Thành và các chợ khu vực Thành phố Nam Định, đồng thời cử cán bộ HTX tham gia giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu thị trường… Thông qua các hoạt động của dự án, bước đầu giúp cán bộ, xã viên HTX nông nghiệp Cốc Thành nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch; nâng cao kỹ thuật sản xuất giống khoai tây và rau an toàn; thực hiện chiến lược về giá thành sản phẩm; tìm kiếm, hợp tác với các đối tác tiêu thụ sản phẩm.

Với xu hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất kinh doanh, thời gian tới các HTX cần đẩy mạnh hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất - tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa HTX với các thành phần kinh tế và người sản xuất (hộ nông dân, trang trại hoặc đại diện hộ nông dân), trong đó các HTX dịch vụ nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Các HTX dịch vụ nông nghiệp cần chủ động, tích cực ký kết hợp đồng với người sản xuất, tạo sự tin cậy, gắn kết trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên trong việc thực hiện hợp đồng; gắn sản xuất với bảo quản, sơ chế, chế biến hàng hóa, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Các HTX ký kết hợp đồng với người sản xuất ngay từ đầu vụ với nhiều hình thức như: Ứng trước vốn, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật canh tác, công nghệ bảo quản, sơ chế và thu mua sản phẩm. HTX xác định rõ trách nhiệm đối với người sản xuất như: Áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích người sản xuất có ý thức trách nhiệm tạo ra nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các hộ nông dân được hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản và bao tiêu sản phẩm ổn định lâu dài từ phía HTX. Thông qua hợp đồng, người nông dân ngay từ đầu vụ xác định rõ lượng vật tư nông nghiệp cần đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả hợp lý, các khoản bảo hiểm giá nông sản... để yên tâm sản xuất. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nông dân hiểu được nội dung, mục đích của chính sách liên kết tiêu thụ nông sản hàng hoá với các doanh nghiệp. Xác định được trách nhiệm làm vệ tinh, người nông dân chủ động và mạnh dạn hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đầu tư phát triển sản xuất, giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, thực hiện theo đúng thời hạn hợp đồng. Tăng cường vai trò của các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ đại diện cho nông dân làm chức năng cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc thực hiện hợp đồng. Vận động nông dân tự giác tham gia tổ liên kết sản xuất, HTX; chú trọng xây dựng các HTX, tổ hợp tác thành vệ tinh của doanh nghiệp trong việc thu mua và tiêu thụ nông sản tại các địa bàn. Ngoài ra, Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ các HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân trong việc nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin định hướng cho kinh doanh, công tác kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng nông sản và đăng ký kinh doanh nông sản, tìm kiếm và mở rộng thị trường./.

Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com