Minh bạch, công khai trong huy động vốn

03:06, 23/06/2011

Từ đầu năm 2011, thị trường huy động vốn được đánh giá là sôi động nhất trong các hoạt động lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Áp lực cần vốn đã khiến không ít ngân hàng “phá rào”, vượt trần quy định. Điều đáng nói là tác động của việc làm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế cũng như tạo nguy cơ rủi ro cho chính các ngân hàng.

Thị trường huy động vốn

Thực tế nguồn vốn huy động luôn là yếu tố sống còn đối với các ngân hàng nhưng chưa lúc nào thị trường huy động vốn sôi động như bây giờ. Suy thoái kinh tế cùng với lạm phát tạo ra nhu cầu nguồn vốn lớn khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải tìm đến ngân hàng. Để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn. Dự tính được vấn đề này, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã quy định trần lãi suất huy động không được vượt quá 14%/năm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN và liên tục có văn bản gửi đến hệ thống ngân hàng thực hiện theo quy định mức trần này. Tuy nhiên, thực tế ở tỉnh ta cũng như trên toàn quốc, quy định về mức trần lãi suất huy động vốn, một số ngân hàng thực hiện chưa nghiêm túc.

Thị trường huy động vốn tại Thành phố Nam Định diễn ra sôi động nhất. Bất kỳ điểm giao dịch hay trụ sở ngân hàng nào trên địa bàn có khách đến gửi tiền đều được “chăm sóc” chu đáo, tận tình. Nếu số tiền gửi lớn, đích thân lãnh đạo của điểm giao dịch sẽ là “thuyết trình viên”, sau khi đưa ra mức lãi suất hợp lý, sẽ giới thiệu các hình thức khuyến mại cả khi gửi lẫn cơ hội về sau khiến khách hàng nhiều khi rơi vào vòng xoáy của giải thưởng mà quên mất việc chính. Nếu ở hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam treo giải đặc biệt là xe ô tô thì tại hệ thống Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam là 2kg vàng! Thậm chí, ngay trong cùng một hệ thống, các chi nhánh, phòng giao dịch cũng có các hình thức quảng bá khác nhau. Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Giao Thuỷ treo biển “trả lãi trước khách hàng ngay khi gửi”. Còn Ngân hàng NN-PTNT huyện Xuân Trường căng pa-nô lớn với tiêu đề “Lãi suất thả nổi”… Tháng 3, tháng 4 là thời điểm cạnh tranh gay gắt nhất vì chỉ số lạm phát lên cao nhất. Nhiều người đã chứng kiến nhân viên của ngân hàng này đến trụ sở ngân hàng khác thuyết phục khách hàng đến gửi tiền ở ngân hàng mình, dẫn đến tình trạng tranh giành khách hàng. Từ giữa tháng 5, tuy mức độ cạnh tranh có giảm khi chỉ số CPI giảm, nhưng vẫn không kém nóng bỏng. Cả 13 ngân hàng trên địa bàn tỉnh được giao chỉ tiêu về số vốn huy động, sau đó phân bổ xuống các chi nhánh, các phòng giao dịch và cuối cùng được giao cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên, gắn liền với thưởng, phạt. Vì vậy, trên thị trường huy động vốn không chỉ xảy ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng mà còn giữa các chi nhánh của cùng một ngân hàng, giữa các nhân viên của cùng một chi nhánh, tạo ra sự tranh chấp khá quyết liệt.

Một trong những hình thức quảng bá của ngân hàng về huy động vốn.
Một trong những hình thức quảng bá của ngân hàng về huy động vốn.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu có ngân hàng nào trả lãi suất vượt quá trần 14% đã được quy định hay không? Câu trả lời là có! Chỉ dạo một vòng qua các chi nhánh của các ngân hàng là thấy rõ điều này. Bảng ghi quy định mức lãi suất của các ngân hàng đối với hầu hết các kỳ hạn huy động hiện nay đều chạm trần 14%/năm. Chỉ riêng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là ở mức độ tiệm cận, từ trên 10%/năm đến 13,5%/năm. Nhưng tất cả các ngân hàng đều có khuyến mại tặng quà trực tiếp hoặc quay số trúng thưởng. Trong khi đó, điều 2, Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định rõ: “Nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện khuyến mại huy động vốn bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác không đúng với quy định của pháp luật và thông tư này”. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã nhắc nhở 3 ngân hàng trên địa bàn về vấn đề khuyến mại này trong đợt thanh tra huy động vốn diễn ra đầu năm. Tuy nhiên, vượt qua hình thức khuyến mại, một số ngân hàng đã “xé rào”, tăng lãi suất huy động lên đến 15, 16, thậm chí 18%/năm để cạnh tranh. Để tìm hiểu sự thật về vấn đề này, phóng viên đã cùng với người thân là bà T. T. C. S ở đường Phù Nghĩa, phường Hạ Long (TP Nam Định) thực hiện giao dịch gửi tiền. Đầu tháng 6, chúng tôi đến nơi đang gửi số tiền hơn 400 triệu đồng với lãi suất 13,5% là chi nhánh ngân hàng T để thông báo rút tiền với lý do gửi sang ngân hàng khác trả lãi cao hơn. Sau gần 30 phút thuyết phục không thành công, nhân viên của ngân hàng này đã mời lãnh đạo xuống đàm phán. Biết mục đích rút riền, lãnh đạo ngân hàng T đã đề nghị tăng lãi suất lên 14%, 14,5% và 17%. Sau khi chúng tôi không chấp nhận mức lãi cuối cùng là 17,5%/năm, ngân hàng chấp nhận để chúng tôi được rút tiền gửi vì đây là mức cao nhất ngân hàng này có thể thực hiện. Ngay sau khi mang tiền về đến nhà, một ngân hàng khác đưa xe đến tận nhà đón chúng tôi đến điểm giao dịch với thoả thuận lãi suất 18%/năm. Tất nhiên là trên hợp đồng vẫn ghi 14%, số 4% còn lại đưa trực tiếp bằng tiền mặt. Lý do bà S gửi tiền tại đây là trước đó, nhân viên giao dịch của ngân hàng này đã khẳng định: “Cứ đi tham khảo, sẽ trả cao hơn ngân hàng nào trả cao nhất!”.

Đem vấn đề này đi hỏi, hoá ra nhiều người biết việc một số ngân hàng “xé rào”, cạnh tranh không lành mạnh. Anh N.V.C, cán bộ kinh doanh của một doanh nghiệp lớn khẳng định: “Cứ từ trên 1 tỷ đồng là có lãi suất gửi trên 18%. Lãi cao đến bao nhiêu là do lượng tiền lớn hay nhỏ!”. Cũng theo anh C, cạnh tranh tiền gửi dân cư từ vài chục đến vài trăm triệu đồng là bề nổi. Mục tiêu cạnh tranh chính của các ngân hàng là các tổ chức, doanh nghiệp có số dư tiền gửi từ vài tỷ đồng trở lên. Tất nhiên, số lãi suất trả thêm sẽ không ghi trong hợp đồng…

Cần công bằng và minh bạch

Dư luận cho rằng hành vi “xé rào” về lãi suất huy động tập trung nhiều ở nhóm ngân hàng nhỏ, chủ yếu là ngân hàng cổ phần tư nhân. Nguyên nhân vì số ngân hàng này có nguồn vốn nhỏ, cần huy động vốn càng nhiều càng tốt để đảm bảo thanh khoản và đảm bảo mức vốn điều lệ, và tỷ lệ dự trữ vốn bắt buộc vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng này lại thường có tỷ lệ cho vay phi sản xuất cao. Để đảm bảo đưa tỷ lệ này xuống dưới 22% vào ngày 30-6-2011 và xuống dưới 16% vào cuối năm, giải pháp là tăng vốn vay vào, đẩy dư nợ lên cao sẽ khiến tỷ lệ dư nợ phi sản xuất thấp xuống. Một giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ trên địa bàn tỉnh đã thẳng thắn thừa nhận là vì yếu thế hơn về thị trường, nguồn vốn nên ngân hàng này phải dùng cách khác để cạnh tranh huy động với ngân hàng thương mại Nhà nước. Theo quan điểm của giám đốc này thì việc áp dụng chung mức huy động là 14%/năm giữa ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng tư nhân là chưa phù hợp. Điều tra thực tế của phóng viên cũng cho thấy số ngân hàng đang vi phạm quy định về trần lãi suất huy động chủ yếu nằm ở nhóm này. Về phía các ngân hàng thương mại Nhà nước, áp lực huy động vốn đang ngày càng đè nặng. Đồng chí Phạm Huy Cận, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết, năm 2011, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam giao chỉ tiêu tăng tổng dư nợ thấp (271 tỷ đồng, bằng 6,4%) nhưng chỉ tiêu nguồn vốn huy động lại tăng quá cao (773 tỷ đồng, bằng 21,3%). Đã bị giao chỉ tiêu cao, các ngân hàng thương mại Nhà nước lại là nơi bị kiểm tra gắt gao, xử lý nặng, chứng từ minh bạch nên khó có cơ hội lách luật, “xé rào” để tăng vốn huy động. Hết tháng 5-2011, tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng NN-PTNT không tăng mà còn giảm 100 tỷ đồng so với cuối năm 2010. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển số dư nguồn vốn huy động của ngân hàng cuối năm 2010 là 2.068 tỷ đồng nhưng đến ngày 11-5-2011 là 2.032 tỷ đồng, giảm 36 tỷ đồng. Đồng chí Vũ Thị Kim Oanh, Giám đốc ngân hàng lo lắng: “Vẫn biết vì sao khách hàng rút tiền, vì sao số tiền gửi không tăng nhưng đành chấp nhận vì không thể tự tiện tăng lãi suất!...”. Để khắc phục, cách duy nhất là các ngân hàng này chia chỉ tiêu cho các chi nhánh, nhân viên phải thực hiện. Đã có việc nhân viên ngân hàng thương mại Nhà nước phải bỏ tiền nhà ra cho vay để hoàn thành chỉ tiêu, số còn lại thì vận động người thân, họ hàng, bạn bè đến gửi… Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng thương mại Nhà nước đều tuân thủ quy định. Trường hợp người thân của phóng viên gửi hơn 400 triệu đồng lãi suất 18%/năm nói trên ở một phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn là một ví dụ.

Việc huy động lãi suất cao dẫn tới cho vay cũng có lãi suất cao. Đầu vào ở mức 15, 16%/năm đã dẫn đến lãi suất vay phải từ 21 đến 25%, mức lãi suất này doanh nghiệp không thể có lãi. Mức lãi suất vay cao, duy trì lâu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh. Bản thân ngân hàng cũng hứng chịu nhiều nguy cơ rủi ro vì lãi suất cao, sản xuất kinh doanh không có lãi, doanh nghiệp tất nhiên sẽ khó trả nợ. Để ngăn chặn hiện tượng “xé rào”, cạnh tranh không lành mạnh này, cần có các cuộc thanh tra, kiểm tra ráo riết của Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các cấp, cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc các đơn vị vi phạm. Thực trạng cạnh tranh diễn ra trong suốt những tháng đầu năm đến nay nhưng thực tế chưa có ngân hàng nào bị lập biên bản và xử lý. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết đã nắm được dư luận về “vượt mức trần (14%)” nhưng “không thể có nhân lực để kiểm tra, giám sát hàng ngày tại các điểm giao dịch” (!). Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý, cần có kiến nghị với Trung ương để có giải pháp hợp lý cho thực trạng huy động vốn hiện nay, như có chế tài xử lý cả đối với người nhận lãi suất vượt quá quy định, kiến nghị giảm chỉ tiêu huy động vốn của các ngân hàng thương mại TW với các chi nhánh tỉnh, xây dựng quy ước, giao ước giữa các ngân hàng về thực hiện các quy định tín dụng…

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com