Lấy lại “thăng bằng” và niềm tin của thị trường

04:06, 16/06/2011

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, khi thị trường đang chao đảo, thì việc cần kíp phải thực hiện là nhanh chóng lấy lại “thăng bằng” cho nền kinh tế và vực lại niềm tin cho thị trường. Có như vậy mới tạo ra được cơ sở cho việc tiến hành tiếp theo các biện pháp căn cơ nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong suốt thập kỷ vừa qua đã góp phần đưa nước ta thoát khỏi nhóm những nước nghèo, gia nhập nhóm những nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng theo bề rộng hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động thấp đã để lại những mầm mống gây bất ổn cho nền kinh tế, như: cơ cấu kinh tế bất hợp lý, công nghệ sản xuất lạc hậu và chậm đổi mới, năng lực cạnh tranh yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam, lạm phát, thâm hụt ngân sách, nhập siêu... Để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, tham gia và có được chỗ đứng vững chắc trong “chuỗi giá trị toàn cầu”, duy trì được đà tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới, nước ta cần phải nhanh chóng khắc phục cho được những khiếm khuyết cả về mặt cơ cấu lẫn cơ chế của nền kinh tế hiện nay. Tái cấu trúc nền kinh tế một cách có hiệu quả nhằm tạo nên “nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai” là công việc cần phải làm và để thực hiện được nó không chỉ cần có các quyết sách vĩ mô mà còn cần có sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Việc kiên định và triển khai quyết liệt các biện pháp tại Nghị quyết 11 trong thời gian qua bước đầu giúp cho nền kinh tế nước ta dần lấy lại được “thăng bằng”. Thị trường vàng đã được chấn chỉnh và ổn định trở lại (giá vàng trong nước nhìn chung theo sát nhịp độ biến động của giá vàng thế giới). Trật tự đã dần được lập lại trên thị trường ngoại hối (chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá phi chính thức được thu hẹp lại, quan hệ mua - bán ngoại tệ đang thay thế dần mối quan hệ huy động - cho vay về ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại). Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn còn ở mức cao, nhưng xu thế tăng đã bắt đầu chậm lại. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện (lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang dần ổn định trở lại và giảm dần ở mọi kỳ hạn). Nguồn dự trữ ngoại tệ của quốc gia đang có điều kiện để cải thiện theo chiều hướng tích cực. Lộ trình điều hành giá cả (đặc biệt là giá cả các mặt hàng nguyên liệu đầu vào cơ bản) theo cơ chế thị trường vẫn tiếp tục được thực hiện. Việc kiên quyết xoá bỏ bao cấp về giá và kiên định với những quyết sách vĩ mô đã được đề ra của Chính phủ đã tạo niềm tin đối với thị trường về tính nhất quán trong việc ban hành và thực thi các chính sách điều hành của Nhà nước; đưa ra thông điệp rõ ràng cho cộng đồng doanh nghiệp về việc cần phải thay đổi trong tư duy và thực tiễn kinh doanh của mình. Sự “thăng bằng” trở lại của nền kinh tế, sự phục hồi niềm tin của thị trường và cùng với đó là nhận thức về việc cần phải thay đổi trong tư duy và thực tiễn kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã và đang tạo cơ sở để triển khai thực hiện những giải pháp mang tính dài hơi hơn đối với nền kinh tế.

Một trong những vấn đề mang tính dài hạn đối với nước ta hiện nay là cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước, quản lý chặt chẽ nợ công, đẩy mạnh cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả quản lý và chống tham nhũng ở khu vực này. Để có được quyết sách phù hợp và có tính thực thi cao thì một trong những việc cần phải làm là phải có được cơ sở dữ liệu thống kê đánh giá đầy đủ và chính xác về hiện trạng của lĩnh vực đó, nhưng đây lại là một trong những mặt yếu kém nhất của nền hành chính quốc gia nước ta hiện nay. Thực tế trong công tác điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua cho thấy, công tác và chế độ báo cáo thống kê luôn là những hoạt động được NHNN chú trọng thực hiện và triển khai trước khi ban hành những chính sách tiền tệ cụ thể có liên quan. Do vậy, việc ban hành Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê và đánh giá tài sản doanh nghiệp Nhà nước và tiếp theo đó, Bộ Tài chính đang hoàn thiện thông tư hướng dẫn biểu mẫu, nguyên tắc chung và xử lý kết quả kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn (bao gồm: tài sản cố định, tài sản lưu động, đất đai, các khoản đầu tư tài chính, các khoản nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu) của một số doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 1-7-2011 đang cho thấy bước đi khởi đầu trong quá trình cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiện nay./.

Theo: Báo Thời Nay

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com