Làm tốt hơn nữa công tác quản lý tần số vô tuyến điện

07:06, 17/06/2011

 

Cán bộ Phòng Thông tin (BĐBP tỉnh) liên lạc với các đồn Biên phòng và tàu thuyền trên biển qua máy vô tuyến điện ICOM.
Cán bộ Phòng Thông tin (BĐBP tỉnh) liên lạc với các đồn Biên phòng và tàu thuyền trên biển qua máy vô tuyến điện ICOM.

Trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện hiện đang phát triển nhanh và phổ biến trong nhiều lĩnh vực như ở hệ thống đài phát thanh, truyền hình. Toàn tỉnh hiện có 74 đài truyền thanh không dây, 236 trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn, hàng nghìn trạm thu phát sóng của 7 doanh nghiệp điện thoại di động; 592 thiết bị vô tuyến điện ICOM và GALAXY trên các phương tiện nghề cá, các hãng taxi, bảo vệ… Tuy nhiên trên thực tế, vẫn xảy ra hiện tượng sử dụng tần số và thiết bị truyền dẫn tùy tiện, làm nhiễu tần số... Theo số liệu của Trung tâm quản lý tần số vô tuyến điện khu vực V, năm 2010 trên địa bàn do trung tâm quản lý vẫn tồn tại hiện tượng các xã, phường tự lắp đặt thiết bị truyền thanh không dây dải 88-108 MHZ; một số vụ đã gây can nhiễu ảnh hưởng đến mạng của Cty thông tin di động EVN, VINAFONE, nghiệp vụ hàng không; Cty taxi Mai Linh xin cấp phép một tần số nhưng sử dụng hai tần số… Theo số liệu từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trong tổng số 592 tàu cá đã sử dụng thiết bị tần số vô tuyến điện, chỉ có 6 tàu sử dụng thiết bị ICOM, nhưng hầu hết số thiết bị này đều do ngư dân tự đầu tư, việc kiểm tra xử lý tình hình hoạt động của các thiết bị vô tuyến điện trong tàu cá từ trước đến nay gần như không thực hiện được. Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đơn vị phối hợp quản lý hoạt động tần số vô tuyến điện của các tàu đánh cá thì nhiều phương tiện hoạt động trên biển không đăng ký sử dụng tần số và mỗi tàu thuyền lại sử dụng một tần số khác nhau; một số tàu có đăng ký nhưng không sử dụng và cũng không báo cắt. Thực trạng trên cho thấy hiệu quả sử dụng tần số thấp, gây lãng phí phổ tần số và chi phí đầu tư, nguy cơ can nhiễu tần số, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới an toàn thông tin, an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, do không quản lý được toàn bộ tần số máy thu phát sóng của ngư dân trên biển nên trong những đợt áp thấp nhiệt đới hay bão đổ bộ đã phải dành nguồn kinh phí không nhỏ cho việc tìm kiếm, kêu gọi các tàu đánh cá vào nơi trú ẩn an toàn. Đã có rất nhiều vụ việc xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của vì các tàu thuyền không thể thu sóng được các bản tin cảnh báo. Nguyên nhân do trong quá trình khai thác, sử dụng nhiều cá nhân, đơn vị chưa nắm vững luật định để xảy ra nhiều vi phạm. Tại khối các ngư dân, do một số người chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc đăng ký sử dụng tần số, nhưng cũng có người cố ý làm trái quy định vì sợ khai báo tần số sẽ lộ ngư trường khai thác... Đặc biệt, những nhóm tần số sử dụng công nghệ cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng với số lượng lớn cho hiệu quả kinh tế cao thường có nguy cơ trở thành tâm điểm bị gây can nhiễu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng chưa phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện; công tác kiểm tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. 

Trước thực trạng trên, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động sử dụng tần số vô tuyến điện. Trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến các luật định, thông tư, hướng dẫn được Sở Thông tin và Truyền thông tích cực triển khai sâu rộng đến đội ngũ cán bộ quản lý, các doanh nghiệp viễn thông, lực lượng vũ trang. Sở Thông tin và Truyền thông tập trung cung cấp nội dung cơ bản của Luật Tần số vô tuyến điện; Thông tư 24/2010/TT-BTTTT ngày 28-10-2010 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện; quy định của pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung phổ biến các quy định liên quan đến nghĩa vụ của ngư dân trong việc phải đăng ký cấp phép sử dụng tần số, phải sử dụng đúng tần số đã được cấp phép, khi không sử dụng phải báo cắt… Trung tâm quản lý tần số vô tuyến điện khu vực V đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ địa phương; thông tin về thiết bị điện thoại không dây chuẩn DECT6.0 gây nhiễu cho mạng di động 3G; phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý một số tổ chức, cá nhân vi phạm. Nhờ phối hợp tốt với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm đã trình Cục Tần số vô tuyến điện cấp phép cho một số kênh truyền hình như: kênh 8 đài PT-TH Nam Định, K55 huyện Hải Hậu… Trong năm, Trung tâm và Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tiến hành kiểm tra và hướng dẫn thủ tục cấp phép cho hàng chục đài truyền thanh không dây và thiết bị phát sóng trên tàu cá. Thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện, trong thời gian tới, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm theo luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh quốc phòng của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com