Kinh tế vĩ mô đã qua thời điểm khó khăn

09:06, 24/06/2011

Không còn mức lãi suất vay vốn cao ngất ngưởng, lãi suất của thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 11%; lãi suất trái phiếu Chính phủ gọi thầu đã thành công với mức 12,7%/năm… Nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện trên thị trường tài chính, lãi suất sẽ giảm bền vững trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa giai đoạn khó khăn nhất đối với kinh tế vĩ mô đã qua.

Ngân hàng đang thừa vốn

Diễn biến trên thị trường tài chính, tín dụng hiện nay cho thấy một kịch bản là lãi suất sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Trước hết là hiện tượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) thắng thầu chỉ với mức lãi suất chưa đến 13%/năm. Các ngân hàng thương mại đang phải huy động vốn với mức lãi suất 17-18%/năm, cho vay ra ở mức 22-25%/năm nhưng lại chấp nhận mua TPCP với lãi suất chỉ 12,7%/năm.

Diễn biến này phản ánh thực tế các ngân hàng đang thừa tiền, huy động vốn về nhưng không cho vay được vì lãi suất cao, các doanh nghiệp không vay. Bên cạnh đó, các kênh cho vay có thể chấp nhận lãi suất cao như bất động sản, chứng khoán thì đang bị siết chặt. Hai kênh này đang phải thực thi quy định của Ngân hàng Nhà nước là phải hạ tỷ trọng dư nợ xuống 22% vào thời điểm 20-6-2011 và tiếp tục xuống 16% vào 31-12-2011.

Từ việc đầu ra khó khăn, nguồn vốn mà các ngân hàng huy động về vẫn phải sinh lời mà không thể để đấy, nên các ngân hàng thương mại mới chọn giải pháp mua TPCP. Đường cong lãi suất chuẩn của thị trường tài chính là lãi suất TPCP. Đường cong đó có một chỉ báo rất rõ ràng, nó vào khoảng 12-13% trong trung, dài hạn. Theo đó, trong tháng tới, lãi suất huy động có thể xuống mức 14%, cho vay xuống mức 17%-18%; thậm chí trong những tháng tiếp theo có thể giảm nữa.

Lãi suất ngân hàng cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: pv
Lãi suất ngân hàng cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ảnh: Internet

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia: “Từ việc kiên trì chủ trương siết chặt tín dụng, chúng tôi dự báo CPI của tháng 6 này sẽ giảm bằng khoảng 1/2 của tháng 5 và bằng 1/3 của tháng 4.

Dự báo CPI từ quý III sẽ giảm rất mạnh. Với việc CPI bắt đầu hạ nhiệt, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đang đề xuất với Chính phủ là nên có điều chỉnh phù hợp về cung tiền để tăng thanh khoản cho nền kinh tế”.

Sản xuất sẽ bước vào giai đoạn thuận lợi

Cần phải thấy rằng, 5 tháng vừa rồi tốc độ cung tiền chỉ được 1,6%, trong khi chỉ tiêu cung tiền của Chính phủ cho phép năm 2011 là 16%. Như vậy, gần nửa năm mà tốc độ cung tiền chỉ bằng 1/10. Điều đó chứng tỏ tín dụng đang bị thắt chặt quá mức.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tín dụng tiếp tục duy trì việc thắt chặt quá mức khiến lãi suất vay vốn cao tới mức doanh nghiệp không dám vay, không đầu tư thì chắc chắn tới đây sản lượng sẽ đi xuống, GDP sẽ giảm. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải tạo ra một mức tối ưu là duy trì tốc độ cung tiền hằng quý cho tương thích với chu kỳ kinh doanh, nuôi dưỡng các doanh nghiệp cho đến khi lãi suất giảm, doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường trở lại.

Gần đây, trước hiện tượng khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế đồng thuận, chống lạm phát quyết liệt nhưng không nên để đến mức làm cho tăng trưởng kinh tế suy giảm xuống mức quá thấp. Nếu thắt tín dụng quá mức như 5 tháng qua dễ dẫn đến hệ quả vừa lạm phát vừa suy thoái (lạm phát vì hàng hoá khan hiếm và suy thoái vì nền kinh tế lâm vào đình trệ vì lãi suất cao), tạo ra tác động bất lợi đến xã hội.

Tuy nhiên, khó khăn đã không kéo dài, tín hiệu mừng là hai tuần gần đây, lãi suất đã phát tín hiệu hạ nhiệt. Lãi suất vay vốn đã hạ về 22%-25%, lãi suất liên ngân hàng đã giảm về mức 11%. Cùng với đó, lãi suất TPCP đã thắng thầu ở mức dưới 13%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong vài tháng tới, lãi suất trên thị trường sẽ giảm về khoảng 17%-18%/năm, lãi suất huy động sẽ giảm xuống 14%/năm.

Hiện nay, chúng ta đang chọn phương án tối ưu nhất để bảo đảm vừa chống lạm phát thành công, vừa duy trì được tăng trưởng kinh tế, phục hồi được thị trường chứng khoán, bất động sản. Chính phủ cũng đã lưu ý Ngân hàng Nhà nước chống lạm phát không để đến mức thiểu phát. Bởi thiểu phát sẽ làm cho nền kinh tế chịu tác động nặng nề hơn…

Theo: Thời Nay

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com