Kinh tế tăng trưởng ấn tượng, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro

08:06, 02/06/2011

Cuốn Sách Xanh 2011 - một ấn phẩm do các Tham tán Thương mại EU tại Hà Nội thực hiện hàng năm, được Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và đại diện của các đại sứ quán các nước thành viên EU tại Hà Nội chính thức công bố chiều 26-5-2011 tại Hà Nội.

Sách Xanh 2011 bao gồm tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2010 và quý I của năm 2011, cùng với các chương riêng biệt về các khu vực kinh tế chủ chốt bao gồm: giao thông (bao gồm giao thông đường không, đường bộ & công cộng, phát triển cảng & giao thông hàng hải), dệt may, giầy dép, thủy sản, nông sản, dược phẩm, máy móc, ngân hàng & tài chính, IT và viễn thông, năng lượng, môi trường, bất động sản và xây dựng.

Theo các nghiên cứu, kinh tế Việt Nam đã phát triển khá tốt trong năm 2010. Tăng trưởng của Việt Nam vượt kỳ vọng với mức tăng đáng kể của kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những yếu kém của nền kinh tế đó là lạm phát hai con số, dự trữ ngoại hối thu hẹp, lòng tin của công chúng vào đồng nội tệ bị xói mòn và thâm thủng ngân sách cũng như thâm thủng thương mại gia tăng. Điều này khiến Chính phủ phải định hình lại chính sách kinh tế vĩ mô của mình vào đầu năm 2011, tránh lặp lại cách tiếp cận truyền thống là thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể hơn Chính phủ đã áp dụng chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, tăng cường khu vực ngân hàng và tiếp sinh lực cho tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Riêng vấn đề giao thông, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện phát triển KT-XH giữa các vùng miền. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém, tỷ lệ TNGT vẫn cao, rất cần các nguồn vốn đầu tư phát triển, hạn chế TNGT và cũng là thu hút đầu tư.

Ông Jean-Jacques Bouflet cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã vươn tới một giai đoạn quan trọng đòi hỏi Chính phủ quyết định một cách rõ ràng việc triển khai các chính sách ủng hộ kinh doanh nhằm tăng cường lòng tin và theo đuổi các nỗ lực tự do hóa thương mại hướng tới việc duy trì một cách bền vững động lực phát triển”.

Trong khi hầu hết các đồng tiền của các nước châu Á khác tăng giá so với đồng USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng tiền Việt Nam bị mất giá vào tháng 2-2011 đánh dấu lần mất giá thứ tư và cũng là lần mất giá lớn nhất trong suốt 15 tháng trước đó.

Tần suất tác động lên tỷ giá khá dày đã làm mất giá đồng nội tệ đã dẫn tới việc xói mòn lòng tin đối với đồng tiền Việt Nam, dễ dàng dẫn tới nguy cơ găm giữ vàng và USD khá phổ biến trong người dân. Đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam quan ngại: “Lạm phát cao đang là mối lo lắng của chúng tôi, nhất là khi có dự báo lạm phát cả năm 2011 lên đến 22%. Thêm vào đó là tính thiếu chắc chắn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng khiến doanh nghiệp châu Âu không yên tâm. Doanh nhân châu Âu mong muốn các chính sách có tính dài hạn, có thể dự đoán được”.

Báo cáo này cũng chỉ ra sự trỗi dậy của các biện pháp bảo hộ áp dụng trên diện rộng mặc dù vấn đề thâm thủng thương mại chủ yếu mang tính song phương. Một số biện pháp hạn chế nhập khẩu được áp dụng gần đây đang làm khó cho việc nhập khẩu, thậm chí nhắm tới các đối tác thương mại mà trong nhiều năm Việt Nam đã hưởng thặng dư trong quan hệ buôn bán.

Tương tự như thương mại song phương, quan hệ đầu tư với EU trên thực tế có tác động giảm thiểu tương đối ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm (giảm 17,8% so với năm 2009) do hậu quả của khủng hoảng toàn cầu năm 2008 và 2009, các nhà đầu tư EU có mức FDI cam kết trị giá 2,25 tỉ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn FDI cam kết 18,6 tỉ USD Việt Nam nhận được trong năm 2010.

Với mức vốn này, EU là đối tác đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau ASEAN (có tổng FDI cam kết ở mức 4,89 tỉ USD trong năm 2010). Xét tới Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA), EU tiếp tục cung cấp nguồn vốn thiết yếu.

Trong tổng số 7,9 tỉ USD vốn ODA mà các nhà tài trợ nước ngoài cam kết giúp Việt Nam trong năm 2011, Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên EU cam kết viện trợ ODA trên 872 triệu USD./.

Theo: giaothongvantai.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com