Kết quả bước đầu trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:06, 30/06/2011

Tỉnh ta là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

HIỆU QUẢ TỪ PHƯƠNG CHÂM “4 CÓ, 4 BIẾT”

Năm 2010, Nam Định là một trong 11 tỉnh, thành phố triển khai Đề án 1956 (Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020). Mặc dù là năm đầu tiên triển khai đề án với những lúng túng ban đầu và không ít vướng mắc trong quá trình thực hiện; nhưng với sự lãnh đạo tập trung của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo quyết liệt UBND tỉnh, sự đôn đốc, hướng dẫn của BCĐ Đề án tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp chúng ta đã đạt được 1 số kết quả nhất định, là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn với cách làm sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh địa phương; nhất là việc thực hiện đồng bộ phương châm “4 có, 4 biết”. Phương châm “4 có” là: các địa phương có ban chỉ đạo cấp huyện với chương trình được phê duyệt cả giai đoạn 2011-2015;  có quy hoạch phát triển nhân lực địa phương để nắm nhu cầu lao động cho xã của mình; có danh sách các cơ sở đào tạo nghề của địa phương mình; có chương trình thông tin, tuyên truyền với sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp huyện. Phương châm “4 biết” là: biết địa chỉ của những cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi mang tính điển hình; biết các chính sách hỗ trợ người nông dân đi học nghề; biết rõ các địa chỉ đào tạo nghề mà mình có nhu cầu ngay tại địa phương; biết địa chỉ nơi làm việc của mình khi học nghề xong. Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 16/CT-TU của Ban TVTU về việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh đã thành lập BCĐ Đề án 1956 tỉnh, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương toàn tỉnh nghiêm túc triển khai, thực hiện các nội dung, mục tiêu đề ra của đề án. Đến trước ngày 10-5-2010, tỉnh ta đã hoàn thành công tác điều tra, khảo sát về nhu cầu học, thực trạng các cơ sở đào tạo nghề, nhu cầu đào tạo cán bộ công chức cấp xã. Trong đó, tổ chức điều tra 1.623/3.699 thôn, xóm (đạt tỷ lệ 43,8%) và  212/229 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 92,6%) với tổng số hộ dân điều tra 243.450/554.084 hộ (đạt tỷ lệ 44%); tổng số doanh nghiệp điều tra là 2.070/3.300 doanh nghiệp, cơ sở SXKD. Qua điều tra, số lao động có nhu cầu học nghề của tỉnh là hơn 108.000 người, trong đó học nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 48.973 người, sơ cấp nghề 50.655 người, trung cấp nghề 7.160 người, cao đẳng nghề 1.363 người. Nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 62.720 người, trong đó cao nhất là nhóm ngành công nghiệp với 32.640 người. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn toàn tỉnh, ngày 24 tháng 6 năm 2010, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1220/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”. Mục tiêu đề án của Nam Định từ năm 2010-2020 có các nội dung chính là: Đào tạo nghề cho 271.000 người ở cả 3 cấp trình độ; trong đó số người được hưởng thụ từ chính sách của Quyết định 1956 là 135.000 người; số cán bộ công chức xã, phường được đào tạo bồi dưỡng là 54.300 người; tổng kinh phí thực hiện đề án là 990,5 tỷ đồng. Để triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND và Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND về việc “Quy định mức hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định theo Quyết định số 1956”. Theo đó, các nghề có chi phí nguyên vật liệu thực tập lớn như nghề: Hàn, cắt gọt kim loại, cơ khí sửa chữa, đúc kim loại, kỹ thuật điêu khắc gỗ, may công nghiệp… được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/khóa học; các nghề còn lại như: thêu ren, dệt thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, trồng hoa cây cảnh, dịch vụ nhà hàng khách sạn… mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/khóa học. Nhìn chung, tỉnh ta đã thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu đề ra của Đề án 1956. Các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa của đề án và đã vào cuộc tích cực, người lao động phấn khởi tham gia học nghề. Năm 2010, toàn tỉnh có 21.447 lao động nông thôn được học nghề ở các cấp trình độ. Trong đó có 5.573 lao động nông thôn được học nghề ngắn hạn miễn phí theo chính sách của đề án. Tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 85%, với mức thu nhập từ 1,2 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/người/tháng. Tính đến ngày 30-6-2011, toàn tỉnh đã tổ chức được 70 lớp dạy nghề cho 2.260 lao động, trong đó tổ chức dạy nghề cho 33/96 xã điểm xây dựng nông thôn mới với số lao động học nghề là 1.535 lao động. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 1.886 cán bộ công chức xã, phường (đào tạo tập trung được 385 người, bồi dưỡng cho 1.501 người). Chỉ tính riêng xã Hải Đường thí điểm xây dựng nông thôn mới, đã tổ chức được 14 lớp đào tạo nghề cho 640 lao động nông thôn, đến nay số lao động học xong đã có việc làm ổn định và có mức thu nhập ổn định. 

Làm thủ tục tuyển sinh tại Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định. Bài và ảnh: Việt Thắng
Làm thủ tục tuyển sinh tại Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ Nam Định.

LIÊN KẾT “4 NHÀ” VÀ SỰ VÀO CUỘC CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Mục tiêu thực hiện Đề án 1956  trong năm 2011, tỉnh ta phấn đấu dạy nghề cho 13.000 lao động nông thôn; và đào tạo bồi dưỡng cho 1.400 công chức cấp xã. Trong đó tập trung dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc 96 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới và lao động nông thôn thuộc 3 xã thu hồi đất canh tác của huyện Vụ Bản; có 80% số lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt được hiệu quả đề ra, một trong những nhân tố quan trọng, cốt lõi là sự phối hợp, liên kết “4 nhà”, đó là nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Cụ thể là nhà quản lý có nhiệm vụ đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của đề án hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Nhà trường là các trung tâm dạy nghề, các trường nghề có nhiệm vụ đào tạo các nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn. Nhà nông là những người nông dân trong độ tuổi lao động có nhu cầu, nguyện vọng học nghề, đào tạo các nghề để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp, đào tạo xong có việc làm ổn định, có thu nhập, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Đối với nhà doanh nghiệp, cung cấp đầu vào, đầu ra cho lao động nông thôn tham gia học nghề, đồng hành với người học nghề, đến khi kết thúc khóa học có thể sử dụng hoặc hỗ trợ người lao động đã học nghề có thể tìm việc làm ổn định. Hiện nay, tỉnh ta có 37 cơ sở dạy nghề 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) với quy mô đào tạo cho 26.000 lao động/năm, trong đó, có 75% là nghề phi nông nghiệp. Hiện nay, các cơ sở dạy nghề đã xây dựng được 10 chương trình sơ cấp nghề (nuôi cá nước ngọt, nuôi ba ba, ếch; móc sợi; sản xuất muối sạch...) và chủ động chỉnh sửa, bổ sung 30 chương trình, giáo trình các nghề khác để đáp ứng dạy nghề cho lao động nông thôn. Thời gian qua, thực hiện liên kết “4 nhà” trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở LĐ-TB và XH đã ký kết với 24 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh dạy nghề cho hơn 5.500 người. Trong đó, tổ chức dạy nghề cho hơn 4.000 lao động nông thôn với 16 nghề (may công nghiệp, hàn, đan bẹ chuối, bèo tây, thêu ren, chăn nuôi…); tổ chức 4 lớp học nghề may cho 120 lao động là người tàn tật; mở 50 lớp dạy nghề cho 1.448 lao động là đối tượng nghèo. Đến nay, 100% các lớp đã hoàn thành khóa học; phần lớn số người sau khi được đào tạo nghề đều có việc làm và thu nhập ổn định. Ước tính 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.150 lượt lao động, đạt 50,5% chỉ tiêu của năm. Song song với việc triển khai điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và thực trạng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, tỉnh ta đã cụ thể hóa các mô hình dạy nghề thí điểm như: Tại huyện Giao Thủy, tổ chức mô hình gắn sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề thủ công. Tại xã Yên Phúc (Ý Yên), tổ chức mô hình trồng cây cảnh. Tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), tổ chức mô hình nuôi trồng thủy sản. CCN An Xá (TP Nam Định) thực hiện mô hình dạy nghề gắn với doanh nghiệp sản xuất, được Trường Cao đẳng nghề Nam Định tổ chức tại Cty TNHH Thắng Lợi... Đến nay, các mô hình này đều đạt được kết quả khả quan. Ông Phùng Đình Thông, Giám đốc Cty TNHH Thắng Lợi (CCN An Xá), đối tác được Trường Cao đẳng nghề Nam Định chọn làm nơi thực hiện đề án đào tạo nghề cho biết, để giúp 35 học viên đầu tiên đến với Cty, ngoài số tiền trợ cấp của dự án, Cty còn không thu tiền điện, nước, bố trí nơi học gắn với nơi thực hành cho học viên. Về phía nhà trường, các thầy, cô giáo luôn thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, nhờ đó học viên dễ tiếp thu bài học, thực hành chính xác, có thể tự tin xin vào làm ở các doanh nghiệp.

Như vậy, đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, việc phối hợp, gắn kết giữa “4 nhà” nêu trên, vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, “4 nhà” là lực lượng chính, song chưa đủ, mà còn cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Huyện Hải Hậu được coi là một trong những nơi triển khai thành công những nội dung trong đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, với sự “vào cuộc” của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị. Triển khai đề án, huyện đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của bà con; căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó hàn điện, máy công nghiệp, đan, thêu, móc là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao. Từ đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng về đối tượng, độ tuổi, khả năng tiếp thu, điều kiện học tập khác nhau nên việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung sẽ không phát huy hiệu quả. Do vậy Trung tâm đã tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở địa phương là những người có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Nhờ đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên sau khi được học nghề còn mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, để triển khai thành công đề án, Huyện ủy đã có Quyết định số 38-QĐ/HU ban hành Đề án đào tạo nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm trong nông thôn giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu: Đào tạo cho trên 15.000 lao động (trên 4.000 lao động được dạy nghề nông nghiệp; trên 11.000 lao động được dạy nghề phi nông nghiệp); trên 35.000 lao động được dạy nghề theo phương thức truyền nghề, chuyển giao kỹ thuật; tạo việc làm cho trên 80% lao động sau đào tạo. Để thực hiện thành công đề án, UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đề án đạt kết quả. Trong đó, Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của đề án, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thành sớm các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của huyện. Cùng với việc triển khai thực hiện Đề án 1956, Huyện ủy Hải Hậu đã ban hành quyết định về Đề án xây dựng làng nghề trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2015, với mục tiêu đến 2015 mỗi xã, thị trấn có ít nhất một làng nghề, gồm các làng nghề: may; chế biến và sản xuất đồ gỗ dân dụng; mây tre đan; cán kéo và dệt lưới sợi PE; dệt chiếu; làm bánh kẹo; chế biến thuỷ sản; đan bẹ chuối, thảm cói, móc sợi; đan lưới đánh cá, cây cảnh, trồng hoa.

Với kết quả đạt được, chúng ta tin tưởng rằng, Nam Định là một trong những địa phương đang đi đúng hướng trong công tác dạy nghề, là cơ sở để tiếp tục thực hiện thành công những nội dung của Đề án 1956./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



Tin đăng tuyển dụng hải phòng tại Vieclam24h Tìm kiếm việc làm lương tốt

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com