Hải Châu xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao

08:06, 24/06/2011

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đình Chinh, Chủ tịch UBND xã Hải Châu (Hải Hậu) cho biết: Xã đang tập trung quy hoạch sản xuất, tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và phát triển ngành nghề theo hướng xây dựng nông thôn mới để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Từ định hướng trên, xã xây dựng những mô hình chuyên canh có khả năng sản xuất được khối lượng hàng hoá lớn, chất lượng cao theo hướng gắn sản xuất với thị trường, tạo ra hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2003, dự án xây dựng mô hình nuôi thuỷ sản bền vững đã được triển khai tại xã. Để sản xuất hiệu quả, tạo ra nguồn hàng hoá lớn, theo quy định, các hộ tham gia dự án phải có diện tích chuyển đổi tối thiểu 7 sào. Từ đó, người dân tự dồn đổi ruộng cho nhau hoặc cho thuê lại ruộng tập trung đầu tư cải tạo thành các ao nuôi bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Các hộ tham gia dự án còn được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách nuôi sao cho có hiệu quả. Lúc đầu vùng dự án có 20 hộ tham gia với diện tích gần 20ha. Do có sự tập trung chỉ đạo, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá bán công nghiệp, hợp đồng với các đơn vị cung ứng giống cá có chất lượng tốt nên ngay từ vụ đầu tiên đã đạt giá trị cao hơn cấy lúa 2 lần, các năm tiếp theo kết quả thu được luôn cao hơn năm trước. Năm 2010, hộ ông Trần Văn Thắng có diện tích nuôi gần 1ha, doanh thu đạt 260 triệu đồng, trừ chi phí, còn thu 150 triệu đồng. Năm 2011, ông mua 10 vạn con cá giống, dành 7.000 con để nuôi, số còn lại cung ứng cho các hộ nuôi khác. Hộ ông Trần Xuân Nhường có diện tích gần 1 mẫu cũng có nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Năm 2010, xã đã chuyển đổi 68,3ha trồng lúa cho năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản và quy hoạch thành từng vùng phù hợp với sản xuất hàng hoá, sản lượng ước đạt trên 220 tấn, doanh thu khoảng 8,6 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích chuyển đổi sang nuôi thuỷ sản đều đạt hiệu quả, cao hơn cấy lúa nhiều lần, nhất là diện tích nuôi cá diêu hồng. Những xóm có phong trào nuôi thuỷ sản đạt hiệu quả cao là xóm 7, xóm 10 thôn Phú Lễ; xóm 3, xóm 10 thôn Phú Văn Nam.

Là địa phương có trình độ thâm canh cao, năng suất lúa của xã thường đạt trên 120 tạ/ha/năm, nhưng vụ mùa năm 2009, trên 200ha lúa của xã Hải Châu bị nhiễm bệnh lùn sọc đen (chiếm 50% diện tích cấy lúa), có diện tích bị mất trắng. Vụ xuân năm 2010, xã dành hơn 3ha ở thôn Phú Lễ để Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng mô hình phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật từ lúc ngâm ủ giống, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và thu hoạch. Được cán bộ chuyên môn tận tình hướng dẫn, bà con thực hiện đúng quy trình đã đem lại hiệu quả thiết thực: Chi phí sản xuất giảm và cả 2 vụ lúa trong năm 2010 không xảy ra bệnh lùn sọc đen. Vụ xuân 2011, mô hình trên đã được nhân rộng ra các cánh đồng khác và được nhiều hộ áp dụng. Vụ xuân 2011, xã đã áp dụng phương pháp gieo sạ hàng khoảng 25% diện tích; vụ mùa xã áp dụng phương pháp cấy lúa không phải cày bừa từ 30-35 mẫu nhằm rút ngắn thời vụ để trồng cây vụ đông. Xã xây dựng mô hình lúa cao sản, với tổng diện tích trên 30ha cấy giống lúa chất lượng cao phù hợp đồng đất; xây dựng mô hình thâm canh cao và vùng sản xuất giống. Cùng với cây lúa, Hải Châu có nhiều kinh nghiệm trong trồng rau màu. Từ nhiều năm nay, Hải Châu trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa đạt khoảng 50ha (hơn 10% diện tích đất 2 lúa). Bà con chọn những giống cây ngắn ngày phù hợp nhu cầu thị trường trong từng thời điểm để đạt hiệu quả kinh tế cao. Diện tích cây vụ đông tập trung ở các đội sản xuất số 1, 2, 3 thôn Phú Văn Nam và đội 3 thôn Phú Lễ. Xã còn có lợi thế về giao thông khi xuất bán sản phẩm nông nghiệp ra tỉnh ngoài. Trong các khu dân cư, các hộ dân đã cải tạo vườn tạp để trồng cây cảnh, cây thế với tổng diện tích hàng chục ha. Tại Hội chợ Sinh vật cảnh Hải Hậu, xã Hải Châu có 20 tác phẩm tham dự, trong đó có cây sanh của ông Nguyễn Duy Bách ở phố Chợ trị giá 350 triệu đồng, số cây còn lại đều có giá trên 100 triệu đồng; tính ra mỗi ha trồng cây cảnh có giá trị hàng trăm triệu đồng. Tổng thu nhập từ bán cây cảnh trong 2 tháng (4 và 5-2011) của xã ước đạt 5 tỷ đồng, trong đó hộ anh Bùi Xuân Hậu và ông Phạm Văn Nho mỗi hộ bán được khoảng 500 triệu đồng... Để phong trào sinh vật cảnh phát triển bền vững, Hội Sinh vật cảnh của xã đã phát triển 18 chi hội trong tổng số 21 xóm. Hội giúp hội viên về kỹ thuật, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở những địa phương trồng cây cảnh nổi tiếng như Nam Điền (Nam Trực) và các tỉnh Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Dương...

Với việc tạo điều kiện cho các hộ về nguồn lực, có cơ chế hỗ trợ để xây dựng mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, xã Hải Châu luôn khuyến khích nông dân sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá, góp phần nâng cao mức sống./.

Trần Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com