Cơ hội việc làm khi Việt Nam tham gia FTA

08:06, 09/06/2011

Việt Nam đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như: ACFTA, AJFTA, AKFTA, AANZFTA và AIFTA. Lộ trình đàm phán và ký kết FTA sẽ là một dấu mốc quan trọng trong việc mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EU, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên chưa FTA nào đề cập đến tiêu chuẩn lao động, quyền tự do công đoàn.

EU luôn là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Tính đến đầu tháng 3-2011, EU có 1.079 dự án đầu tư trực tiếp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 16,158 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực chế tạo có 433 dự án vốn 3,5 tỷ USD các dự án còn lại phần lớn thuộc lĩnh vực dịch vụ. Rõ ràng đầu tư của EU vào Việt Nam hiện chưa tương xứng với năng lực công nghệ, tài chính và sức mạnh của các doanh nghiệp EU. Điều này có lý do là EU chủ yếu đầu tư trong nội khối, nhất là sau khi EU mở rộng với nhiều nước thành viên có trình độ phát triển thấp hơn. Vốn ODA của EU bao gồm cả phần cứng và phần mềm (cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp và nông thôn, xử lý môi trường cung cấp nước, xóa đói giảm nghèo và nâng cao năng lực). Theo ông Claudio Dordi - Tư vấn trưởng Dự án Mutrap III (Bộ Công thương), từ kinh nghiệm các FTA mà EU đã ký kết, Việt Nam nên kỳ vọng rằng EU sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam và Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu sang EU; Việt Nam sẽ giảm thuế và hưởng lợi từ việc nhập khẩu hàng hóa công nghệ, nguyên liệu chất lượng cao với giá rẻ hơn từ châu Âu; EU sẽ xuất khẩu dịch vụ chất lượng cao sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn trong dài hạn; EU sẽ tăng cường đầu tư sang Việt Nam qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký thuần túy là những quy định dựa trên các cam kết nền đã được xác định trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không có bất kỳ quy định nào mang tính cam kết về tiêu chuẩn lao động. Vấn đề tiêu chuẩn lao động gắn với thương mại là vấn đề mới ở Việt Nam khi tham gia FTA. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Bà Phạm Lan Hương - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định: Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng là cơ hội tạo việc làm, phát triển và tăng trưởng kinh tế rút ngắn khoảng cách phát triển, bảo vệ người lao động. Cùng với những cơ hội mới sẽ là những thách thức lớn như cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản và thu hẹp sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro nhiều hơn, trong khi khả năng ứng phó linh hoạt, kịp thời còn nhiều bất cập.

Theo các chuyên gia ILO, khi đàm phán các FTA, các bên thường dẫn chiếu “các nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc” trong Tuyên bố năm 1998 của ILO (lao động có quyền tự do nghiệp đoàn và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em...). Khi Việt Nam tham gia vào các FTA mà có đề cập đến tiêu chuẩn lao động thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, điều kiện lao động tốt hơn.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng khi đàm phán FTA, tuyệt đối không hạ tiêu chuẩn lao động để thu hút đầu tư. Yếu tố nhân công giá rẻ có thể duy trì nhưng giá nhân công phải phù hợp với năng suất lao động, đáp ứng được mức sống cơ bản của lao động. Hiện đời sống lương tối thiểu của công nhân khu vực FDI mới đảm bảo 60% mức sống tối thiểu... Thực tế này cũng buộc các bên đàm phán phải quan tâm đến việc tổ chức thực hiện các FTA có cam kết về lao động để không chịu các chế tài của hiệp định. Hơn nữa hiện chưa FTA nào có chứa đựng các cam kết về tiêu chuẩn người lao động. Theo ông Nguyễn Kim Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), nhiều người quan niệm FTA không liên quan đến vấn đề lao động nhưng có một xu hướng khác là các đối tác xã hội (công đoàn, người tiêu dùng) đang gây áp lực lên các chính phủ, yêu cầu phải gắn các vấn đề về lao động, môi trường vào các FTA. Thực tế, Hiệp hội Người tiêu dùng của Mỹ đã phản đối những sản phẩm do tù nhân Trung Quốc sản xuất nên chính phủ Mỹ phải cân nhắc về vấn đề điều kiện lao động, quyền lợi người lao động khi tham gia ký kết FTA./.

Theo: giaothongvantai.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com