Chủ động phòng trừ dịch bệnh cho lúa, màu xuân cuối vụ

08:06, 15/06/2011

Vụ xuân 2011, trong điều kiện thời tiết bất thuận: rét đậm rét hại kéo dài đầu vụ; mưa lớn vào thời điểm rút nước lộ ruộng… nên cây lúa sinh trưởng, phát triển kém, thời gian trỗ bông muộn hơn vụ trước 15-20 ngày, tình trạng không đồng trà, đồng vụ ngay trên một thửa ruộng nên diễn biến sâu bệnh cũng phức tạp so với mọi năm. Đầu vụ sâu bệnh xuất hiện không nhiều. Tuy nhiên cuối vụ nhiều đối tượng dịch hại cùng phát sinh gây hại khác nhau; không bùng phát trên diện rộng như mọi năm mà xuất hiện theo chòm, theo ổ, phân bố cục bộ ngay trên một thửa ruộng, khó phát hiện; nếu không thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện, phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng.

Phun thuốc phòng trừ rầy nâu tại cánh đồng xã Xuân Trung (Xuân Trường).
Phun thuốc phòng trừ rầy nâu tại cánh đồng xã Xuân Trung (Xuân Trường).

Để ứng phó kịp thời, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, công điện chỉ đạo sản xuất vụ xuân; Sở NN-PTNT có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác dự tính dự báo, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chăm bón, bảo vệ lúa và cây trồng vụ xuân 2011 cho hàng nghìn lượt cán bộ khuyến nông cơ sở và hộ nông dân; đồng thời  tăng cường kỹ thuật viên bám đồng, hướng dẫn các địa phương kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại cho lúa xuân. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm bón, bảo vệ, đến cuối tháng 4-2011, diện tích lúa tốt của toàn tỉnh đạt trên 90%. Tuy nhiên trong tháng 5, đã có 47.500ha lúa xuân bị sâu cuốn lá nhỏ lứa 3; 64.079ha nhiễm bệnh khô vằn; 17.365ha nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông và rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện với mật độ phổ biến 200-300 con/m2, cá biệt có nơi 2.000-3.000 con/m2. Từ ngày 17 đến 25-5, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 xuất hiện ở HTX Thịnh Thắng (Giao Thủy); Hải Toàn, Hải Châu, Hải Phong (Hải Hậu), Yên Lợi (Ý Yên), Nam Cường (Nam Trực)… với mật độ cao, từ 30-150 con/m2, cá biệt có nơi 200-300 con/m2 và vẫn đang phát triển và tiếp tục đẻ trứng. Do làm tốt công tác dự tính dự báo kết hợp với phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, toàn bộ diện tích nhiễm bệnh đã được khống chế.

Theo dự báo của Sở NN-PTNT, từ nay đến cuối vụ, các đối tượng sâu bệnh hại lúa như rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 3, sâu đục thân sẽ xuất hiện trên diện tích lúa trỗ muộn không đồng trà, bệnh lem lép hạt xuất hiện ở tất cả các giống lúa khi trỗ và thiệt hại nặng hơn khi lúa trỗ gặp trời mưa và một số loại sâu bệnh khác như: sâu đục thân, chuột, bọ xít dài, nhện gié… gây hại cục bộ. Để hạn chế thấp nhất tác hại do sâu bệnh cuối vụ gây ra, Sở NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường theo dõi diễn biến sâu bệnh hại lúa xuân nhất là đối với rầy nâu, rầy lưng trắng. Phòng NN-PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố; Ban nông nghiệp các xã, thị trấn, HTX và bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu bệnh gây hại để kịp thời phát hiện và phòng trừ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu lứa 3, phun trừ rầy cho diện tích có mật độ từ 50 con/khóm trở lên khi rầy tuổi 1, 2, 3. Chỉ sử dụng các loại thuốc tiếp xúc như: Victory 585EC, Bassa 50EC, AZORA 350EC… Khi phun phải rẽ lúa thành băng (3-4 hàng lúa/băng) và phun trực tiếp vào nơi cư trú của rầy. Sau khi phun thuốc 1-2 ngày, cần kiểm tra và thực hiện phun lại nếu mật độ còn từ 50con/khóm trở lên. Đối với sâu đục thân 2 chấm, phun trừ 1 lần vào lúc lúa bắt đầu trỗ khi mật độ trứng đạt 2 ổ/m2, phun trừ 2 lần vào lúc lúa bắt đầu trỗ và sau khi trỗ hoàn toàn hoặc sau lần 1 từ 5-7 ngày khi mật độ sâu lớn hơn 5 ổ/m2. Phun phòng bệnh lem lép hạt khi lúa trỗ trong giai đoạn gặp mưa bằng thuốc DuPont tm, Virtako 40WG, Tasodant 600EC… Đối với cây màu vụ xuân, tập trung phòng trừ sâu cuốn lá, bệnh đốm nâu, đốm đen và gỉ sắt trên cây lạc đang vào thời kỳ phát triển củ. Đối với sâu cuốn lá, sâu khoang phải phun trừ khi mật độ lớn hơn 15 con/m2 bằng các loại thuốc như: Angun5WDG, Actamet 40EC, Dylan 5WG… và thuốc Anvil 5SC, Carbenzim 50 WP, Vicarben 50 BTN… đối với bệnh đốm nâu, đốm đen và gỉ sắt.

Để giành thắng lợi vụ xuân trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh cuối vụ, Sở NN-PTNT khuyến cáo: Ngoài việc tích cực phòng trừ sâu bệnh, các địa phương cần khẩn trương thu hoạch lúa xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh ảnh hưởng của mưa bão, đồng thời khẩn trương cày lật đất, vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ dại, phá bỏ lúa chét… để tiêu diệt mầm bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen và tích cực làm đất cho sản xuất vụ mùa năm 2011./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com