Hàng giả và đi liền với nó là chất lượng kém, tràn ngập thị trường trong nước. Từ các mặt hàng thực phẩm đến hàng gia dụng, thuốc men, điện tử...; từ các mặt hàng bình dân đến mặt hàng cao cấp hầu như đều có hàng giả.
Dùng hàng giả không chỉ thiệt hại về kinh tế, sản xuất trong nước, mà những thiệt hại về xã hội và sức khỏe con người cũng là vấn đề rất bức xúc. Sản xuất, kinh doanh hàng giả là vi phạm pháp luật, đạo đức vì làm tổn hại đạo đức xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống hàng giả và gian lận thương mại.
Ảnh:
Internet
|
Vấn đề đáng suy nghĩ là vì sao Chính phủ và các ngành chức năng rất quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc vẫn bày bán công khai trên thị trường. Theo số liệu của Ban chỉ đạo về chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại của 57 tỉnh, thành phố, trong năm 2010 đã kiểm tra gần 500 nghìn vụ với gần 200 nghìn vụ vi phạm, thu hơn 3.000 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng lậu ngày càng tăng và diễn biến hết sức phức tạp, nhất là vào các dịp lễ, Tết thời gian nghỉ kéo dài. Vi phạm phổ biến vẫn là hành vi lợi dụng chính sách miễn, giảm thuế đối với dân cư biên giới, các quy định chưa chặt chẽ trong việc quản lý hóa đơn, chứng từ để thu gom hàng hóa, hợp thức hàng hóa nhập lậu, lợi dụng kẽ hở của chính sách xuất nhập khẩu, chính sách ưu đãi cho các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế mở... Hơn nữa, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là lạm phát tăng cao, đời sống người lao động có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn, cộng với tâm lý ham hàng rẻ, hàng ngoại của người tiêu dùng nên hàng giả, hàng nhái, hàng lậu vẫn mặc sức tung hoành trên thị trường.
Trước những thủ đoạn và hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tinh vi và rất khó kiểm soát như hiện nay, nên chăng các cơ quan chức năng và quản lý nhà nước cần khẩn trương ban hành, bổ sung những văn bản pháp lý đối với công tác quản lý hàng hóa, từ sản xuất đến lưu thông mà các văn bản luật, hoặc chính sách còn vênh với thực tiễn, không phù hợp tình hình, những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách khi ta mở cửa thị trường và hội nhập sâu, rộng hơn vào kinh tế các nước ở khu vực và thế giới.
Trong công tác tuyên truyền và quảng bá, các phương tiện thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển tải các chính sách, chủ trương của Đảng và các quyết sách của Chính phủ về việc khuyến khích dùng hàng Việt, khuyến khích sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao, các giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát giá và chất lượng hàng hóa...
Các cấp ủy Đảng và chính quyền chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là Ban chỉ đạo chống hàng giả, gian lận thương mại ở cấp mình thật sự vào cuộc. Cần thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và thông qua các phương tiện truyền thông để tuyên truyền có hiệu quả về chống hàng giả và gian lận thương mại, tạo dư luận và cảnh báo những thiệt hại do hàng giả đối với sản xuất, kinh doanh, với xã hội và người tiêu dùng. Sự phối hợp của Ban chỉ đạo chống hàng giả, gian lận thương mại với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và sự ủng hộ của người tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên thị trường./.
Theo: nhandan.org.vn