Trở lại xã Hải Chính (Hải Hậu) gặp những bạn trẻ đang say mê làm giàu trên mảnh đất quê hương, tôi nhận ra dư âm mà mô hình Làng ngư nghiệp thanh niên Kiên Chính trước đây đã góp phần quan trọng đưa Hải Chính từ một địa phương nghèo, người dân quanh năm chỉ miệt mài trên ruộng lúa, đồng muối, nay đã trở thành xã ngư nghiệp với những căn nhà mới, đời sống ngày càng đi lên.
Tháng 6-2000, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Thuỷ sản (nay là Bộ NN-PTNT) đã đầu tư xây dựng mô hình Làng ngư nghiệp thanh niên Kiên Chính, giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế biển, chuyển đổi từ phương thức nuôi quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp. Với tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 200 triệu đồng chủ yếu dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, BCH Đoàn xã đã huy động thêm vốn, vận động ĐVTN tham gia khai thác nuôi tôm công nghiệp và đã cho thu hoạch với năng suất 2,5 tấn/ha (đạt 150 triệu đồng/ha). Nhưng đến cuối năm 2005, khi cơn bão số 7 tràn qua Hải Chính phá vỡ lớp đê ngoài, đã cuốn theo hơn 2ha nuôi tôm công nghiệp của dự án, Làng ngư nghiệp thanh niên Kiên Chính gần như bị "xóa sổ". Biết bao mồ hôi, công sức, thành quả lao động miệt mài đã bị sóng gió cuốn trôi. Nhớ lại những ngày đầu tiên khi cơn bão vừa đi qua, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Chính, nguyên uỷ viên BCH Đoàn Thanh niên xã lúc bấy giờ cho biết: "Những gì thiên nhiên lấy đi thật đáng tiếc, nhưng đến nay chúng tôi đã gây dựng lại được mô hình này, không chỉ đối với thanh niên mà nhân rộng ra toàn xã. Tuy mô hình Làng ngư nghiệp thanh niên không còn nhưng đã để lại cho ĐVTN ở đây những kiến thức khoa học kỹ thuật về nuôi trồng và khai thác thủy sản. Đây cũng là động lực giúp ĐVTN mạnh dạn đầu tư vốn, công sức mở rộng diện tích ao đầm, sửa chữa đóng mới tàu thuyền, sắm mới ngư lưới cụ để khai thác cá ở các ngư trường xa". Đến nay, toàn xã đã có trên 67 tàu đánh bắt hải sản ở tầm trung và ngoài khơi, công suất mỗi tàu từ 150 mã lực trở lên, chưa kể hàng chục bè, mủng khai thác gần bờ. Trong đó, lực lượng thanh niên chiếm 70% số lao động, góp phần đưa tỷ trọng khai thác thuỷ sản hàng năm tăng từ 7-10%. Riêng năm 2010, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản đạt trên 730 tấn, đạt giá trị hơn 25 tỷ đồng, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/lao động/năm.
Các đầm nuôi thủy hải sản đã dần thay thế các đồng muối kém hiệu quả ở xã Hải Chính. |
Làng Kiên Chính có lợi thế trong phát triển kinh tế biển với chiều dài bờ biển trên 2km và có diện tích nuôi thuỷ hải sản trên 30ha. Những năm trước đó tiềm năng biển vẫn nằm im trong cái nghèo khó của người dân nơi đây bởi chỉ biết khai thác một phần nhỏ lợi thế mà thiên nhiên ban tặng với nghề chính là nông nghiệp và diêm nghiệp. Từ khi mô hình Làng ngư nghiệp thanh niên được triển khai, dù đến nay đã hết thời hạn, dấu ấn của mô hình ấy vẫn đang thực sự rõ nét và ngày càng lan rộng nhất là trong nhận thức của thanh niên nói riêng, người dân Hải Chính nói chung. Đồng chí Trần Thị Điệp, Bí thư Đoàn xã Hải Chính phấn khởi cho biết: "Từ khi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Thuỷ sản chọn Làng Kiên Chính làm điểm xây dựng dự án mô hình "Làng ngư nghiệp thanh niên" thì phong trào thanh niên làm giàu bằng nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản đã thực sự có bước đột phá. Đời sống nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, xoá đi cái đói nghèo bao đời nay của người dân nơi đây". Đáng nói hơn, sau khi dự án kết thúc và chuyển giao cho thanh niên làm chủ, mô hình vẫn phát huy được hiệu quả kinh tế và đem lại ý nghĩa xã hội to lớn. Hiện tại, nghề nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản trung bình hàng năm đã chiếm hơn 50% tỷ trọng các ngành kinh tế của xã, trong đó năm 2010 là 59,3%, tương đương 34 tỷ 930 triệu đồng trong tổng số hơn 53 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Trong năm, xã Hải Chính cũng đã tiến hành chuyển đổi thêm 7ha đất công giữa hai đê sang nuôi thuỷ hải sản, đưa tổng diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản lên 33,75ha. 30% số hộ dân ở xã Hải Chính đã tham gia nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản, trong đó nhiều ao đầm đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt quy trình nuôi thả chăm sóc,
phòng chống dịch bệnh nên năng suất đạt 7-10 tấn/ha. Đi dọc triền đê Hải Chính hôm nay, không chỉ còn là những đồng muối với những diêm dân quanh năm nắng gió, mà diện tích ao, đầm nuôi tôm đang ngày càng được mở rộng. Trên 7ha đất giữa hai đê được hơn 10 hộ dân đào ao nuôi tôm theo hình thức nuôi công nghiệp, trong đó hơn 60% là do thanh niên làm chủ. Gặp anh Nguyễn Xuân Chiến, một trong những đoàn viên trực tiếp tham gia mô hình Làng ngư nghiệp thanh niên cách đây hơn 10 năm hiện là chủ của gần 1ha nuôi cá song, doanh thu mỗi năm ước đạt hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi hơn 150 triệu đồng. Trước khi xây dựng mô hình Làng ngư nghiệp thanh niên Kiên Chính, anh Chiến cũng như hầu hết lớp thanh niên trẻ lúc đó chỉ biết bám lấy bàn cào và những ô nề trên đồng muối làm kế sinh nhai. Lao động cần cù nhưng vẫn chẳng đủ sống, anh đã phải bỏ quê đi tìm việc ở thành phố. Khi Làng ngư nghiệp thanh niên được thành lập, anh xung phong tham gia với lý do rất đơn giản: "Phiêu bạt làm thuê mãi mà vẫn chưa tích góp được gì". Trong 4 năm đầu tham gia, doanh thu trung bình 150 triệu đồng/ha là kết quả mà "trước đó nằm mơ cũng không dám nghĩ đến". Cơn bão số 7 đổ vào, giấc mơ ấy tạm thời tan biến. Anh Chiến nhớ lại: "Chỉ sau một đêm trước mắt chúng tôi là đồng bãi tan hoang, mình lại trở về tay trắng. Nhưng với những kinh nghiệm tiếp thu, học hỏi được trong 4 năm chúng tôi bảo nhau vay mượn, gom vốn đi thuê đầm bãi, "tiếp tục bám lấy biển, lấy quê mà sống". Anh Chiến cho biết, hiện có trên 80% thanh niên trong Làng ngư nghiệp ngày ấy vẫn bám biển. Giờ, nhiều người đã trở thành ông chủ lớn với những đầm tôm, đầm cá, doanh thu hàng năm 700-800 triệu đồng. Nhưng lứa thanh niên hôm nay còn dám nghĩ dám làm hơn. Không chỉ dám đứng ra thuê đầm bãi, họ còn mạnh dạn đầu tư vào những giống mới, áp dụng phương pháp nuôi mới nên năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ phong trào thanh niên lập nghiệp làm giàu từ kinh tế biển, công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở Hải Chính đã có nhiều biến chuyển. Tỷ lệ tập hợp, thu hút ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn đạt 80-85%. Đa số ĐVTN gắn bó với quê hương, cùng gia đình tích cực làm giàu. Đoàn xã Hải Chính được Tỉnh Đoàn công nhận là xã làm tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội. Sau những chuyến đi biển dài ngày, họ vẫn tập trung trong các buổi sinh hoạt Đoàn, nghe tập huấn về giữ gìn an ninh trên biển do cán bộ, chiến sỹ Đồn 92 (Bộ đội Biên phòng tỉnh) và UBND xã tổ chức. Hiện mỗi đội tàu đánh bắt xa bờ của xã là một đội tự quản an ninh. Cùng với việc khai thác thuỷ hải sản, họ đồng thời như một lực lượng bảo vệ trên ngư trường, kịp thời phát hiện những bất thường và dùng máy bộ đàm thông tin về đất liền. Điều này được duy trì từ khi triển khai mô hình làng ngư nghiệp thanh niên cho đến nay.
Với sự năng động sáng tạo, tuổi trẻ Hải Chính đang hoạch định cho mình những bước đi mới trên con đường khai thác hiệu quả tiềm năng mà biển ban tặng. Để có được thành quả như ngày hôm nay là do nỗ lực vươn lên của ĐVTN nói riêng và của người dân Hải Chính nói chung, trong đó có hiệu quả xã hội từ mô hình Làng ngư nghiệp thanh niên Kiên Chính./.
Bài và ảnh: Ngân Huyền