Xây dựng quan hệ lao động lành mạnh: Giải pháp ổn định nhân lực để phát triển

08:05, 26/05/2011

Những năm đầu đi vào hoạt động, ở một số doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài đầu tư tại KCN Hòa Xá (TP Nam Định) xảy ra tình trạng nghỉ việc tập thể để yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện đúng chế độ chính sách như cam kết khi tuyển dụng. Sau đó, qua các buổi làm việc giữa công đoàn KCN, công đoàn cơ sở và lãnh đạo doanh nghiệp, vấn đề đã nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa. Một số nguyên nhân chủ yếu là do chế độ tiền lương, thưởng chưa thoả đáng, công nhân phải làm thêm quá nhiều, sự bất đồng ngôn ngữ và khác biệt văn hóa giữa chủ sử dụng lao động là người nước ngoài và người lao động trong nước; thói quen sinh hoạt tùy tiện của một bộ phận lao động trẻ ở các vùng nông thôn. Các nguyên nhân này các ngành chức năng gồm: Sở LĐ-TB và XH, LĐLĐ tỉnh, BQL các KCN tỉnh đã chỉ rõ và triển khai các giải pháp khắc phục. Các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho người lao động về chế độ chính sách pháp luật, công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp được tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ thể thao tạo điều kiện giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động… Nhờ đó, mối quan hệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động tại các doanh nghiệp đã được cải thiện.

Người lao động ở Cty CP May Nam Định được quan tâm thực hiện các chính sách BHXH, BHLĐ, ATVSLĐ nên yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.  Bài và ảnh: vân thi
Người lao động ở Cty CP May Nam Định được quan tâm thực hiện các chính sách BHXH, BHLĐ, ATVSLĐ nên yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, kinh tế lạm phát đã kéo theo thị trường lao động có nhiều biến động. Chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tạo cho khu vực này có lực lượng lớn lao động có trình độ nghề, đáp ứng yêu cầu của một số ngành sản xuất. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhất là ngành dệt may đã sớm có chiến lược đầu tư về nông thôn để tranh thủ nguồn lao động tại địa phương, giảm sức ép cho doanh nghiệp về điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người lao động. Thu nhập của người lao động tại các doanh nghiệp này khá hấp dẫn so với mặt bằng chung của nông thôn nên đã thu hút được một số lượng lớn lao động ở các doanh nghiệp đang làm trong các KCN quay trở về, do đó dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong các KCN thiếu lao động. Nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút lao động như đóng nộp BHXH, hỗ trợ tiền ăn, cải thiện các điều kiện, môi trường làm việc, hỗ trợ tiền thuê nhà ở, tiền xăng xe cho công nhân ở xa… Tuy nhiên, đúng thời điểm giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống tăng cao nên mức hỗ trợ thêm của doanh nghiệp vẫn chỉ “bám đuổi” với giá thị trường, người lao động vẫn gặp khó khăn. Bên cạnh những doanh nghiệp có nội lực vững vàng, đã có những chính sách phù hợp, thiết thực xây dựng được mối quan hệ hài hòa, tạo sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp thì vẫn có không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến người lao động. Một số không ít doanh nghiệp đã “lách luật”, trốn đóng nộp BHXH hoặc nợ bảo hiểm khiến người lao động bị thiệt thòi. Bên cạnh những yếu kém của các doanh nghiệp, về phía người lao động cũng còn một số vấn đề cần quan tâm: Một bộ phận không nhỏ lao động tuy đã qua đào tạo nghề nhưng tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật lao động thì khá sơ sài, khi thấy bạn bè thông tin ở nơi này, nơi kia trả lương cao hơn… là lập tức “nhảy việc”. Có những công nhân trong 1 năm chuyển tới 3-4 nơi làm việc. Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp do sự thiếu ổn định về lao động mà người lao động cũng bị thiệt thòi.

Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công có ý nghĩa quan trọng để doanh nghiệp ổn định và phát triển, người lao động được đảm bảo quyền và lợi ích. Từ năm 2008, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có Kế hoạch số 1233 chỉ đạo về “Thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”. Ngày 1-4-2011, Bộ LĐ-TB và XH đã có công văn chỉ đạo việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, trong đó chỉ rõ các biện pháp mà các cấp, các ngành chức năng phải tích cực thực hiện. Biện pháp hàng đầu là đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến và giáo dục chính sách pháp luật về lao động, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho cả người lao động và người sử dụng lao động; tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong các khu, CCN, các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp nợ đọng BHXH… Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, chính sách chế độ tiền lương, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công đoàn các cấp đẩy mạnh củng cố, phát triển hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở hướng về cơ sở, nhất là trong các khu, CCN. Xây dựng mối quan hệ tốt với chủ doanh nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng đàm phán, thuyết phục và làm tốt chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tăng cường phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn, BHXH để giải quyết nhanh, gọn, kịp thời, đúng chế độ chính sách đối với các yêu cầu hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động. Hội đồng trọng tài lao động phân công các thành viên phụ trách, theo dõi sát địa bàn, có nhiều hình thức để tiếp nhận yêu cầu, nguyện vọng của người lao động; nắm chắc tình hình doanh nghiệp, sớm phát hiện mâu thuẫn trong quan hệ lao động ở các doanh nghiệp để có giải pháp xử lý kịp thời. Tích cực tổ chức đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các chủ doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề xây dựng quan hệ lao động lành mạnh. Khuyến khích phát động phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động nâng cao nhận thức về quan hệ lao động trong tình hình mới để từ đó hiểu đúng về quyền, nghĩa vụ hợp pháp chính đáng của mình cũng như tinh thần trách nhiệm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn, xây dựng quan hệ lao động bền vững./.

Bài và ảnh: Vân Thi

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com