Triển khai thị trường điện cạnh tranh: Hướng tới giá điện có lợi cho dân

08:05, 30/05/2011

Ai tham gia thị trường điện?

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), thị trường điện cạnh tranh VN sẽ được phát triển theo 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh đến năm 2014, tiếp theo từ năm 2015 là thị trường bán buôn điện cạnh tranh và đến năm 2022 sẽ là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Theo lộ trình này, từ 1-7 tới đây, VN sẽ thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh để từ năm 2012 đến 2014 thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chính thức vận hành. Theo cơ chế thử nghiệm, tất cả các đơn vị phát điện độc lập tới đây sẽ được tham gia cạnh tranh bán điện cho đơn vị mua buôn duy nhất là Công ty mua bán điện (EPTC) thuộc EVN và giao dịch trên thị trường điện giao ngay.

Như vậy, theo Cục Điều tiết điện lực, từ 1-7, tất cả các nhà máy điện có công suất từ 30MW trở lên, đấu nối vào lưới điện quốc gia (trừ các nhà máy điện gió, điện địa nhiệt) đều sẽ tham gia cạnh tranh phát điện. Toàn bộ điện năng của các nhà máy điện sẽ được bán cho EPTC. Các nhà máy sẽ chào giá bán điện theo chi phí biến đổi của các tổ máy. Điện năng mua bán sẽ được thanh toán theo giá hợp đồng và giá thị trường giao ngay của từng chu kỳ giao dịch. Giá hợp đồng được quy đổi từ giá công suất và giá điện năng, do hai bên thỏa thuận, song phải nằm trong khung giá do Bộ Công thương ban hành.

Ông Phạm Quang Huy - Trưởng phòng Thị trường điện lực (Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương) cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh thực hiện thí điểm nhằm thử nghiệm hệ thống các quy định, quy trình vận hành thị trường để tiếp thu, hoàn chỉnh cho thị trường chính thức.

Như vậy, trong 1-2 tháng đầu thử nghiệm, việc chào bán, lập lịch, thanh toán mua bán điện sẽ chỉ được thực hiện "trên giấy". Việc điều độ hệ thống điện thực tế và thanh toán vẫn theo quy định hiện hành. 1-2 tháng tiếp theo đó sẽ thử nghiệm chào giá và thanh toán theo thị trường. Và giai đoạn sau cùng khoảng 4-5 tháng, việc chào giá, xếp lịch và huy động thực tế sẽ theo bản chào; từng bước thực hiện việc thanh toán theo thị trường đối với các đơn vị phát điện có đầy đủ điều kiện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Từng bước xóa độc quyền

Theo ông Trần Tuệ Quang - Trưởng phòng Giá phí (Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương, về nguyên tắc cạnh tranh ở khâu phát điện là để giảm giá và người tiêu dùng có lợi từ việc này. Do 10 năm nữa mới có thể vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh nên dù vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, giá điện tới đây sẽ vẫn chịu sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, với nhà máy nhiệt điện, giá đàm phán chào bán sẽ bằng giá công nghệ (chi phí cố định và nhiên liệu...) cộng với giá đặc thù (thỏa thuận cho từng công trình cụ thể). Nhà máy thủy điện thì giá sẽ được xác định cho từng nhà máy.

Ông Lê Văn Quang - Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Đa Nhim cho rằng, việc đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh sẽ từng bước xóa bỏ độc quyền trong ngành điện. Bởi, các nhà máy điện lớn hơn 30MW đã được mở rộng phạm vi chào giá và rất công khai. Theo ông Quang, để đơn vị cung ứng đủ điện năng và chào giá được tốt nhất thì các công ty sản xuất điện phải xác định được khả năng của mình, trào lưu của hệ thống và quan trọng nhất là nhu cầu thị trường khu vực của mình. Ông Quang cho rằng, năm nay ngành điện đã chuẩn bị tốt hơn về cơ sở, con người, định hướng nên việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chắc chắn sẽ tốt hơn./.

Theo: danviet.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com