Tập trung đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, cơ chế quản lý, phát triển CN-TTCN theo hướng CNH-HĐH

08:05, 09/05/2011

Cách đây 60 năm, ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Trải qua nhiều lần tách, nhập, đổi tên, ngày 31-7-2007, Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công thương. Ngày 2-10-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-TTg, lấy ngày 14-5 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Công thương Việt Nam".

Qua các chặng đường lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, cán bộ công chức ngành Công thương Nam Định luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng vai trò quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Thương mại thực hiện nhiệm vụ vừa xây dựng vừa tham gia chiến đấu. Phân sở mậu dịch quốc doanh đóng tại Xích Thổ, huyện Nho Quan (Ninh Bình), tổ chức tiền thân của thương mại Nam Định với nhiệm vụ chủ yếu là mua bán trao đổi nhu yếu phẩm phục vụ bộ đội và nhân dân, bình ổn giá cả, hỗ trợ sản xuất phát triển, hướng dẫn thương nhân kinh doanh phục vụ kháng chiến và dân sinh. Nam Định có 2 nhà máy lớn là nhà máy Dệt và nhà máy Tơ Nam Định, cùng nhiều làng nghề truyền thống, tập trung sản xuất các sản phẩm như: vải, tơ lụa, thuyền xi măng lưới thép, xe đạp và phụ tùng xe đạp, thực phẩm. Hệ thống mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán ra đời phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Thương nghiệp quốc doanh từng bước phát triển, hình thành các Cty chuyên doanh như: Cty bách hoá, điện máy, rau quả, ăn uống, xuất nhập khẩu, xí nghiệp thêu ren…  Sau ngày đất nước thống nhất, lĩnh vực công nghiệp, thương mại tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh với 4 ngành chủ yếu: dệt may; cơ khí, điện, điện tử; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; vật liệu xây dựng, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu cũ. Thương nghiệp được tổ chức thành hệ thống các Cty ngành hàng cấp tỉnh, Cty thương nghiệp tổng hợp huyện, các trạm ngoại thương, HTX mua bán trải rộng khắp địa bàn từ thành phố tới nông thôn với các hoạt động thu mua, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh và nhập vật tư hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh, các bộ, ngành Trung ương, ngành Công thương tập trung đổi mới phương thức kinh doanh, cơ chế quản lý, sắp xếp lại tổ chức, từng bước ổn định, thích ứng với cơ chế mới. Sản xuất công nghiệp phát triển và có mức tăng trưởng cao. Giai đoạn 2001-2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt mức tăng bình quân 20,4%/năm; tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng từ 13% năm 2000 lên 27,6% vào năm 2010; năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.834 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với năm 2000. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp từng bước được đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 4/12 khu công nghiệp đã quy hoạch được đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút 113 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 11.128 tỷ đồng và 143 triệu USD; xây dựng hạ tầng 20 CCN, thu hút 376 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 2.207 tỷ đồng. 94 làng nghề  CN-TTCN được duy trì và phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35.120 cơ sở sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho 165.000 lao động, góp phần quan trọng trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, từng bước phát triển nông thôn theo hướng CNH-HĐH. Xuất nhập khẩu tăng trưởng khá, giai đoạn 2001-2010, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm, năm 2010 đạt  253,3 triệu USD, tăng 4,5 lần so với năm 2000. Các mặt hàng chủ lực của tỉnh như: dệt may, thủ công mỹ nghệ, nông thủy sản... được tập trung khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu mở rộng tới hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã cùng các địa phương trong tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn. Thương mại nội địa ngày càng phát triển, mạng lưới kinh doanh được mở rộng. Từ một nền thương nghiệp bao cấp, đến nay toàn tỉnh có gần 30 nghìn cơ sở kinh doanh thương mại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, thu hút 53 nghìn lao động. Bên cạnh các cơ sở kinh doanh theo phương thức truyền thống, bước đầu đã hình thành các cơ sở kinh doanh thương mại với cơ sở vật chất khá hiện đại, phương thức mua bán văn minh mang lại diện mạo thương mại mới như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng từ 2.850 tỷ đồng năm 2000 lên trên 11.300 tỷ đồng năm 2010 với mức tăng bình quân gần 20%/năm. Thị trường hàng hoá đa dạng, phong phú đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: quy hoạch, kế hoạch, quản lý thị trường, điện năng, an toàn - kỹ thuật - môi trường… từ tỉnh đến các địa phương, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Có được kết quả đó là do ngành Công thương đã thường xuyên bám sát sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, học tập kinh nghiệm của các thế hệ tiền nhiệm, tăng cường đoàn kết vượt mọi khó khăn thách thức hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, để chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, ngành Công thương tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra: Xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ -  nông nghiệp, đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP của tỉnh đạt 39,5% vào năm 2015. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 22-23%/năm, năm 2015 đạt khoảng 26.500 tỷ đồng (giá cố định 1994), gấp 2,7 lần so với năm 2010; giá trị hàng xuất khẩu đạt 420 triệu USD trở lên; giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân 12-13%/năm. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, ngành Công thương bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu: Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; Xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch phát triển công nghiệp, điện lực, các khu, CCN, kết cấu hạ tầng thương mại... Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, phát triển các ngành công nghiệp, các sản phẩm mũi nhọn gồm: dệt may, nông lâm, thuỷ sản chế biến, cơ khí, điện, điện tử, dược phẩm, vật liệu xây dựng; chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao. Tập trung phát triển, tạo sự đột phá về CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu giữ vững và mở rộng thị trường bằng cách duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, 9001, HACCP, quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, SA 8000. Huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh để phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại với quy mô, cơ cấu, loại hình phù hợp với sự phát triển của sản xuất hàng hoá, kết cấu hạ tầng, dân số, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống và hiện đại. Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Ngành tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới./.

Trần Lê Đoài
TUV, Giám đốc Sở Công thương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com