Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các làng nghề

08:05, 30/05/2011

Cty CP May Việt Cường (TP Nam Định) tạo việc làm cho 120 lao động, thu nhập bình quân 2,3 triệu đồng/người/tháng.
Cty CP May Việt Cường (TP Nam Định) tạo việc làm cho 120 lao động, thu nhập bình quân 2,3 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2004, xã Hải Phương (Hải Hậu) được huyện chọn là một trong những xã được ưu tiên khôi phục, phát triển nghề dệt truyền thống thông qua các dự án khuyến công. Nghề dệt ở Hải Phương dần “hồi sinh”. Những khung cửi đạp chân dần được thay thế bằng những máy dệt gắn mô tơ điện giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, có khả năng dệt được hàng xuất khẩu đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Hiện tại, xã có trên 200 máy dệt, tạo việc làm cho nhiều lao động nhất trong số các nghề CN-TTCN của xã với thu nhập ổn định từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề được Cty cổ phần Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) nhận cung ứng nguyên liệu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giúp các hộ yên tâm sản xuất. Nhiều làng nghề dệt ở các xã: Hải Trung (Hải Hậu), Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực), Thành Lợi (Vụ Bản), Phương Định, Trực Chính (Trực Ninh)… cũng phát triển trở lại khi có sự trợ giúp của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và sự hợp tác của các doanh nghiệp trong việc làm đầu mối bao tiêu sản phẩm. Đồng chí Đào Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Tổng Cty cổ phần Dệt may Nam Định cho biết: Đầu tư cho các ngành sợi, dệt, may tại các làng nghề trong tỉnh là một trong những chiến lược của Cty nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Việc hợp tác này không chỉ giúp khôi phục, phát triển các làng nghề dệt, may trong tỉnh, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn mà còn giúp Cty giảm sức ép về lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng sản lượng… Năm 2010, Cty đã đầu tư trên 6 tỷ đồng xây dựng các cơ sở may, hỗ trợ mua sắm, thay thế trang thiết bị, đào tạo nhân lực tại một số làng nghề. Cty cổ phần Dệt may Sơn Nam liên kết với hơn 20 Cty, doanh nghiệp tạo việc làm cho trên 2.000 hộ ở các làng nghề trong và ngoài tỉnh. Không chỉ có dệt may, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ như: Cty cổ phần Najimex, Cty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Hà Udomxay, Cty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Nam Định… đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các làng nghề thêu ren, đan bẹ chuối, mây tre đan xuất khẩu. Ngoài các doanh nghiệp đầu mối tại các huyện, các làng nghề đều có các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ. Ở huyện Trực Ninh, làng nghề Dịch Diệp (Trực Chính) hiện có 5 đơn vị nhận cung ứng và bao tiêu sản phẩm như: HTX cổ phần Dệt may Vạn Diệp, HTX cổ phần Dệt may Hoàng Anh, HTX cổ phần Dệt may Bình Định, doanh nghiệp tư nhân Lương Anh, Cty cổ phần Dệt may Vĩnh Giang; làng nghề dệt Cự Trữ, Nhự Nương, làng nghề ươm tơ Cổ Chất (Phương Định) có 4 đơn vị nhận cung ứng và bao tiêu sản phẩm gồm: HTX cổ phần dệt may Trung An, HTX cổ phần dệt may Thịnh Hưng, HTX cổ phần dệt may Toàn Thắng, doanh nghiệp tư nhân Việt Cường. Các làng nghề thêu ren ở Trung Đông, đan cót ở Trực Thanh, kéo sợi PE ở Trực Hùng… cũng có nhiều cơ sở nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân như cơ sở sản xuất sợi PP Danh Dự (Thị trấn Cổ Lễ), cơ sở Cường Công, Bùi Nguyễn (Trực Hùng)... Làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Liên Minh (Vụ Bản), những năm gần đây đã sôi động trở lại với trên 500 hộ ở các thôn: Tiền, Ngõ Trang, Hổ Sơn làm nghề, trong đó có nhiều hộ nhận sản xuất hàng gia công cho Cty cổ phần Thương mại Hùng Quang và doanh nghiệp tư nhân Thịnh Cường (Vụ Bản). Xã Yên Ninh (Ý Yên) hiện có hàng chục doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, trong đó nhiều doanh nghiệp ngoài tạo việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động còn mở rộng liên kết với các hộ sản xuất trong làng để bao tiêu sản phẩm như Cty TNHH Hiền Oanh, Cty TNHH Công Trang, Cty cổ phần Gỗ mỹ nghệ Hoàng Gia…

Sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp với các làng nghề đã góp phần khôi phục, phát triển làng nghề, có ý nghĩa cả về kinh tế và xã hội. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng giúp các địa phương đẩy mạnh phát triển ngành nghề CN-TTCN, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do chưa có ràng buộc giữa cơ sở sản xuất với doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm nên còn xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất chuyển sang làm cho các doanh nghiệp khác nếu có lợi nhuận cao hơn, ảnh hưởng tới việc ổn định nguồn hàng của các doanh nghiệp đầu mối. Nhiều doanh nghiệp chưa ký trực tiếp với lao động làng nghề khiến thu nhập của người lao động giảm. Để phát huy hiệu quả và mang tính ổn định, lâu dài cần có sự tạo điều kiện hơn nữa của chính quyền địa phương cũng như sự hợp tác của các hộ làm nghề. Ngoài việc cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, các doanh nghiệp cần quan tâm tới quyền lợi của người lao động; phân vùng hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, tránh chồng chéo… để không chỉ doanh nghiệp, làng nghề phát triển mà người lao động cũng được hưởng lợi./.

Bài và ảnh: Thanh Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com