Tái cấu trúc: Sự sống còn của nền kinh tế Việt Nam

08:05, 16/05/2011

Một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua là tái cấu trúc nền kinh tế, khâu đột phá phát triển, sự sống còn của nền kinh tế Việt Nam. Đây là bước phát triển của công cuộc đổi mới kinh tế do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Sự tất yếu phải tái cấu trúc nền kinh tế

Tiến trình đổi mới của Đảng ta bắt đầu từ đổi mới kinh tế, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, nhằm giải phóng các nguồn lực của đất nước. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhiều mục tiêu của Chiến lược 2001-2010 đã được thực hiện, đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm.

Tuy nhiên, như đánh giá của Đảng ta trong Chiến lược: Kinh tế phát triển chưa bền vững. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Công tác quy hoạch, kế hoạch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, kém hiệu quả, đầu tư còn dàn trải; quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung còn nhiều yếu kém, việc thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn bất cập. Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng; tài nguyên, đất đai chưa được quản lý tốt, khai thác và sử dụng kém hiệu quả.

Giáo sư Kenichi Ohno, giảng viên Đại học Nghiên cứu Chính sách (Nhật Bản) phát biểu tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam mới đây đã nhấn mạnh: Từ sau đổi mới (năm 1986-NV) đến nay, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong tự do hóa và hội nhập. Tuy nhiên, tăng trưởng trước đây chủ yếu dựa vào mở cửa thương mại và luồng tiền ngoại tệ đổ vào như ODA, FDI, kiều hối, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản…, chứ không dựa trên năng suất. Do đó, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp đơn giản với lao động không có kỹ năng. Các ngành công nghiệp sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên và hội nhập ngày càng sâu rộng.

Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đại hội lần thứ XI của Đảng ta đã xác định cần thiết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Quá trình chuyển đổi này là quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, yêu cầu đòi hỏi khách quan của tiến trình phát triển Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tái cấu trúc nền kinh tế phải toàn diện và đồng bộ

Tái cấu trúc nền kinh tế là một quá trình, với nội dung và nhịp độ tùy thuộc sự phát triển của khoa học, công nghệ và sự dịch chuyển lợi thế cạnh tranh giữa các nước và tình hình cụ thể của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, tái cấu trúc nền kinh tế phải diễn ra toàn diện và đồng bộ. Tái cấu trúc nền kinh tế bao gồm nhiều nội dung như tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, tái cấu trúc lại thị trường, tái cấu trúc lại vốn đầu tư…

Trong tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, Đảng ta đã xác định trọng tâm là đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc dân, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, coi trọng phát triển nông nghiệp để ổn định xã hội, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống nông dân.  

Trong tái cấu trúc doanh nghiệp, Đảng ta nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh kinh tế dân doanh. Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự tái cấu trúc để thích ứng với sự thay đổi về công nghệ và thị trường nhằm tăng năng suất, chất lượng.

Trong tái cấu trúc lại thị trường, sẽ phát triển mạnh hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa để có thể làm chủ thị trường này, từ đó vươn xa, thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Tái cấu trúc vốn đầu tư gắn chặt với quá trình nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu. Các lĩnh vực đầu tư khác thì huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường…

Chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế của Đảng ta không những được các chuyên gia kinh tế trong nước mà cả các chuyên gia kinh tế nước ngoài ghi nhận như là sự đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda mới đây phát biểu cho rằng: Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với dân số 87 triệu người, với độ tuổi trẻ và truyền thống lao động cần cù, lạc quan, Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn. Vị Chủ tịch ADB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần dành sự đầu tư lớn hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi đây sẽ là yếu tố then chốt đưa Việt Nam vượt khỏi ngưỡng nước có thu nhập trung bình trong những năm tới.

Những tín hiệu đáng mừng từ bước khởi động

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu theo cơ chế thị trường. Điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt theo nguyên tắc thị trường. Đổi mới chính sách quản lý ngoại hối và vàng… Đây có thể được coi là bước khởi động của tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế. Bước đi ban đầu bao giờ cũng khó khăn, tái cấu trúc nền kinh tế cũng vậy. Thế nhưng, trong khó khăn đó, đã xuất hiện những tín hiệu rất đáng mừng. Thị trường ngoại tệ, thị trường vàng đã đi vào bình ổn và bắt đầu nằm trong tầm chủ động kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Người dân và doanh nghiệp bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng sát với tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào tăng cao, sản xuất công nghiệp trong cả nước 4 tháng qua vẫn duy trì mức tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nổi lên là khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt tốc độ tăng cao hơn mức tăng toàn ngành. Đặc biệt, xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng với tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt gần 27 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Giá điện được điều chỉnh đã kích thích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm cộng với việc bổ sung thêm nguồn mới, vì thế lần đầu tiên trong nhiều năm qua, vào mùa khô, chúng ta đã không phải cắt điện luân phiên.

Những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế trong thời gian gần đây đã tạo thêm niềm tin cho chúng ta vững bước trên con đường tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng phải nhận thức rằng, việc tái cấu trúc nền kinh tế là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển, nhưng không thể hành động theo ý muốn mà phải tạo ra các tiền đề và điều kiện cho quá trình tái cấu trúc. Tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là công việc đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò mở đường và hỗ trợ còn doanh nghiệp là chủ thể, lực lượng chủ công của tiến trình này./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com