Toàn tỉnh hiện có gần 600 cơ sở sản xuất gạch, sử dụng các phương pháp: truyền thống, công nghệ lò đứng liên tục, công nghệ tuynel và công nghệ lò kênh; tập trung chủ yếu ở các huyện Trực Ninh (142 cơ sở), Giao Thủy (132 cơ sở), Nghĩa Hưng (71 cơ sở), Vụ Bản (68 cơ sở), diện tích sử dụng khoảng 361ha, tạo việc làm cho trên 11 nghìn lao động (chưa kể lao động thời vụ). Theo ước tính, bình quân mỗi năm, các cơ sở sản xuất gạch sử dụng gần 2 triệu m3 đất sét nguyên liệu, trong đó khai thác tại chỗ gần 900 nghìn m3 (chiếm 46%), thu mua trên 1 triệu m3 (chiếm 54%). Năm 2010, các cơ sở đã sản xuất gần 900 triệu viên gạch các loại, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc khai thác gạch đất sét nung, hoạt động khai thác và sử dụng cát đen trên địa bàn tỉnh cũng có tốc độ phát triển nhanh với gần 40 cơ sở, tập trung ở các huyện: Nam Trực, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản khác như sa khoáng (titan), đá xây dựng ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên. Ngoài ra, các cơ sở còn sử dụng đất từ hạ cốt ruộng ở những nơi có cốt ruộng cao để khai thác đất sét làm nguyên liệu, sản xuất gạch. Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu không được khảo sát kỹ và tuân thủ đúng các quy định trong khai thác có thể ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên đất và diện tích đất canh tác nông nghiệp. Mặt khác hiện nay việc khai thác thủ công của nhiều đơn vị chưa được cấp phép đã tác động xấu tới môi trường, gây hiện tượng sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy…
Sản xuất gạch Tuynel tại Cty TNHH MTV Tường Giang, xã Đồng Sơn (Nam Trực). |
Từ nay đến năm 2020, quỹ đất để khai thác phục vụ sản xuất VLXD dự kiến tăng thêm khoảng 200ha, nhu cầu sử dụng cát đen mỗi năm từ 1,6-2,2 triệu m3. Để góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp sản xuất, khai thác VLXD, gắn với sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, phù hợp với quy hoạch, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh VLXD chấp hành các quy định về hoạt động khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường…, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khai thác VLXD ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ, lựa chọn quy mô, công suất hợp lý, lắp đặt các dây chuyền sản xuất sạch, tiêu tốn ít năng lượng nguyên liệu…, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, các doanh nghiệp như: Cty cổ phần gạch ngói Vạn Xuân (Vụ Bản), Cty cổ phần VLXD Xuân Châu (Xuân Trường), Cty cổ phần Đức Lâm (Nghĩa Hưng)… là những đơn vị áp dụng công nghệ sản xuất gạch tuynel cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên. Cty cổ phần công nghiệp thương mại Giao Thủy hiện có 3 nhà máy sản xuất gạch tuynel tại xã Hồng Thuận, Giao Thịnh (Giao Thủy) và xã Yên Lợi (Ý Yên), tổng công suất 45 triệu viên/năm. Bình quân mỗi năm, Cty thu mua gần 45 nghìn m3 đất sét nguyên liệu tại các xã đã được quy hoạch phục vụ sản xuất VLXD như Giao Thịnh, Giao Tiến, Giao Tân… (Giao Thủy), Yên Lợi, Yên Phúc, Yên Tân, Yên Khang… (Ý Yên). Cty cổ phần gạch ngói Nam Ninh (Nam Trực) đã đầu tư hàng tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp công nghệ sản xuất của 3 nhà máy tại xã Nam An, Nam Thắng (Nam Trực) và Trực Chính (Trực Ninh), góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cty cổ phần Thành Vinh (Vụ Bản) đầu tư trên 40 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuynel và dây chuyền gia công phối liệu (ủ nguyên liệu) cùng hệ thống nhà xưởng, kho bãi, sân phơi với diện tích 6,5ha, tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng.
Để bảo đảm tính bền vững, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khai thác VLXD cần tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ sản xuất, phát triển các loại gạch có kích thước, độ rỗng phù hợp, tăng cách âm, cách nhiệt, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp; nghiên cứu, áp dụng chuyển đổi nguyên liệu từ đất sét trong sản xuất gạch nung sang sử dụng nguyên liệu đất đồi, đất bãi và phế thải công nghiệp… Đối với các cơ sở khai thác cát, cần đầu tư dây chuyền hiện đại, máy móc thiết bị thân thiện với môi trường để nâng cao năng lực, tập trung khai thác theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái./.
Bài và ảnh: Thanh Thủy