|
Sản xuất phèn chua tại Cty TNHH Minh Long (TP Nam Định). |
Tỉnh ta hiện có gần 120 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hoá chất, trong đó sản phẩm từ cao su, nhựa, chiếm 81%; sản xuất hoá chất, chiếm 17%, còn lại là sản xuất thuốc và hoá dược. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều thuộc khối ngoài quốc doanh, tập trung tại Thành phố Nam Định như: Cty cổ phần sinh hoá Nam Định, Cty cổ phần khí hoá chất Trường Nam, Cty TNHH khí công nghiệp Việt Nam, HTX cơ khí hoá chất và dịch vụ Toàn Thắng... Các sản phẩm từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, cung ứng nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác, phục vụ đời sống dân sinh gồm: đồ nhựa (dép, áo mưa, bao bì ni lông); khí công nghiệp (ô-xy, ni-tơ hoá lỏng); chất tẩy rửa; thuốc tân dược và một số sản phẩm nhựa, cao su công nghiệp (trục, chà máy xát, lốp, linh kiện máy dệt)... Một số đơn vị như Cty cổ phần dược Nam Hà, Cty cổ phần dược phẩm Trường Thọ... đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP, WHO, GSP, GLP, trở thành một trong những Cty đầu ngành trong lĩnh vực dược của cả nước. Năm 2010, giá trị sản xuất ngành công nghiệp hoá chất trên địa bàn tỉnh đạt 529 tỷ đồng, tăng 26,4% so với năm 2009. Trong đó, phân ngành sản xuất hoá chất đạt 35 tỷ đồng, sản xuất thuốc và hoá dược đạt gần 370 tỷ đồng, còn lại là phân ngành sản xuất sản phẩm từ cao su, nhựa. Cty TNHH Minh Long (TP Nam Định) là đơn vị sản xuất hoá chất với sản phẩm chủ yếu là nhôm Amôn Sunfat kỹ thuật (phèn chua) phục vụ cho các ngành: sản xuất nước sạch, thực phẩm, dệt, may, giấy, mạ điện, thủy sản, sinh hoạt dân dụng... Bình quân mỗi năm, Cty sản xuất 300-350 tấn phèn chua cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Nội... Hiện nay, Cty có gần 20 lao động, thu nhập bình quân 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, doanh thu của Cty đạt trên 3 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2009. Với các sản phẩm chủ yếu gồm chất tẩy rửa, phân vi sinh..., năm 2010, doanh thu của Cty cổ phần sinh hoá Nam Định đạt trên 30 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, tạo việc làm cho 107 lao động...
Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng khá trong những năm gần đây (giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 26,3%/năm) nhưng hiện nay quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở thuộc ngành công nghiệp hoá chất trên địa bàn tỉnh còn nhỏ. Đầu tư bình quân của một doanh nghiệp trong ngành chỉ khoảng 15 tỷ đồng. Đối với nhóm ngành sản xuất cao su, nhựa gia dụng và công nghiệp, trình độ công nghệ còn thấp, nhóm ngành sản xuất hoá chất ở mức trung bình so với các doanh nghiệp cùng ngành hàng trong nước... Mục tiêu của ngành công nghiệp hoá chất giai đoạn 2011-2015 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Để đạt mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp cần đầu tư cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, có sức cạnh tranh trên thị trường. Ưu tiên phát triển nhóm ngành sản xuất dược liệu, thuốc chữa bệnh; các sản phẩm chế biến từ nhựa, cao su phục vụ công nghiệp theo hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm công tác phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh lao động./.
Bài và ảnh: Thanh Thuỷ