Được sự quan tâm của tỉnh, Sở NN-PTNT, thời gian qua các cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động đã cung ứng kịp thời nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, kinh doanh các sản phẩm hải sản. Hiện nay, cùng với cảng cá, mạng lưới dịch vụ hậu cần nghề cá được hình thành với hơn 100 cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ thủy hải sản, dịch vụ xăng dầu, gia công lưới phục vụ khai thác, đánh bắt; 10 cơ sở đóng tàu có năng lực đóng mới, sửa chữa 30-50 tàu mỗi năm, phân bổ đều ở cả 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề cá trên địa bàn tỉnh. Năm 2010, sản lượng khai thác thuỷ hải sản của tỉnh đạt gần 40 nghìn tấn, trong đó, 75% sản lượng tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa qua các cảng cá, bến cá và là nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong năm, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thuỷ sản trong tỉnh đã chế biến 300 tấn sản phẩm đông lạnh, hàng triệu lít nước mắm và mắm tôm các loại bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Được hỗ trợ dịch vụ hậu cần nghề cá ngay trên biển sẽ giúp ngư dân kéo dài thời gian bám biển.
Ảnh:
PV
|
Cảng cá Ninh Cơ được xây dựng với các hạng mục như cầu tàu, nhà phân loại sản phẩm, trạm điện, hệ thống cung cấp nước ngọt…, đáp ứng nhu cầu về khai thác thuỷ hải sản của ngư dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Năm 2010, số lượng tàu thuyền qua cảng đạt 9.200 lượt; sản lượng thuỷ hải sản đánh bắt và vận chuyển qua cảng là 1.150 tấn. Cảng bố trí, sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền, chuẩn bị các điều kiện phục vụ bốc dỡ hàng hóa và làm các thủ tục cho ngư dân, tàu cá ra vào cảng thuận lợi, tránh trú bão đảm bảo an toàn hàng hải và an ninh trật tự. Đồng chí Nguyễn Văn Mười, giám đốc cảng cá Ninh Cơ cho biết: Những năm qua, cảng đã tích cực tuyên truyền hỗ trợ ngư dân tiếp cận và thực hiện Luật Thủy sản, Công ước Luật biển, quy định hoạt động khai thác hải sản, hoạt động dịch vụ tại cảng…, góp phần hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra và nâng cao giá trị các loại thuỷ hải sản sau khai thác. Để đáp ứng nhu cầu khai thác, lưu thông, các sản phẩm đánh bắt được cung ứng kịp thời nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho tàu thuyền và giao nhận hàng tại cảng, Ban quản lý cảng đã vận động các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng như: hệ thống dịch vụ cung cấp nhiên liệu, điện, nước, trang thiết bị nghề cá và an toàn hàng hải… Hiện tại, cảng cá Ninh Cơ đã hợp đồng với Cty xăng dầu Hà Nam Ninh xây dựng trạm cung ứng xăng dầu với 2 bể chứa dung tích gần 10 nghìn m3; một xưởng sản xuất nước đá, công suất 10 nghìn tấn/ngày đêm và một trạm cung cấp nước ngọt…, bảo đảm cung ứng nhiên liệu cho tất cả các tàu thuyền ra vào cảng và đang từng bước tiếp cận với việc tổ chức cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho ngư dân ngay tại ngư trường. Hoạt động dịch vụ sau khai thác như thu gom, phân loại cá, trao đổi, vận chuyển và mua bán sản phẩm, vây vá lưới… được thực hiện ngay tại khu nhà chức năng (rộng gần 1.000m2) của cảng. Thời gian tới, cảng cá Ninh Cơ tích cực thu hút thêm các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ: sửa chữa tàu thuyền, thu mua, chế biến cá và ngư cụ… phục vụ ngư dân ngay tại cảng, phấn đấu xây dựng cảng cá Ninh Cơ thành khu tiểu công nghiệp và là trung tâm các hoạt động dịch vụ nghề cá của tỉnh.
Cùng với cảng cá Ninh cơ, dự án khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại cửa Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) đã được tỉnh đầu tư gần 215 tỷ đồng để xây dựng, với năng lực bảo đảm cho 600 tàu đánh cá có công suất 90-600CV neo đậu, tránh trú bão. Dự án được đầu tư xây dựng với các hạng mục đồng bộ như trụ neo tàu độc lập loại I, loại II, phao neo, nhà neo, phao báo hiệu, cột đèn và hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, cứu sinh, báo bão, xuồng cao tốc, trong đó, âu neo đậu chính có diện tích gần 30ha tại khu vực bãi sông Ninh Cơ, xã Nghĩa Thắng. Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hậu cần dịch vụ cho phát triển nghề cá.
Dịch vụ hậu cần nghề cá mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên để dịch vụ hậu cần nghề cá thực sự phát triển, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đa dạng hóa dịch vụ, áp dụng mô hình cung cấp thông tin dự báo nguồn thuỷ sản của từng vùng biển và thông tin thị trường thuỷ hải sản... cho ngư dân./.
Nguyễn Hương