Phát triển CN-TTCN, làng nghề góp phần xây dựng nông thôn mới

08:05, 09/05/2011

Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có 94 làng nghề truyền thống, phần lớn tập trung ở địa bàn nông thôn với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh như dệt may, cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm, thêu ren…, không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước. Hiện nay, các làng nghề trong tỉnh đã thu hút hơn 140 doanh nghiệp, 15 HTX và trên 18 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, nâng tổng số cơ sở sản xuất tại địa bàn nông thôn lên gần 34 nghìn cơ sở, trong đó có 670 doanh nghiệp, tăng 404 doanh nghiệp so với năm 2005. Năm 2010, giá trị sản xuất tại các làng nghề đạt gần 800 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 50 nghìn lao động. Việc các doanh nghiệp mở rộng thị trường về địa bàn nông thôn đã giúp nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, phát triển, đồng thời đưa nghề mới về địa phương, tạo thêm việc làm cho trên 15 nghìn lao động, nâng tổng số lao động trong lĩnh vực CN-TTCN lên gần 112 nghìn người trong năm 2010. Đến nay, toàn tỉnh đã có 19/20 CCN được triển khai xây dựng ở địa bàn nông thôn với diện tích 338,9ha, tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng trên 562 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư gần 200 tỷ đồng, thu hút được 376 dự án, tổng vốn đăng ký trên 2.200 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy tại các CCN bình quân đạt 64,65%. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trong các CCN đạt 1.280 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 12 nghìn lao động. Trên địa bàn tỉnh đã có 139/209 xã có giá trị sản xuất CN-TTCN đạt từ 10% trở lên trong tổng giá trị sản xuất của xã, chiếm 65,5% tổng số xã toàn tỉnh. Thực tế cho thấy, ở các xã có làng nghề, phát triển CN-TTCN, điều kiện sống, thu nhập của người dân thường cao hơn, cơ sở hạ tầng: đường giao thông, trạm y tế, trường học… được xây dựng khang trang hơn, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm so với các địa phương không có nghề.

Phát triển CN-TTCN, làng nghề tại địa bàn nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động và khai thác được thế mạnh của từng địa phương, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, việc phát triển CN-TTCN, làng nghề vẫn còn gặp không ít khó khăn khi giá trị sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất hộ chiếm tỷ lệ cao. Vẫn còn ít doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, chưa tạo được sự đột phá. Công nghệ thiết bị còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, làng nghề, CCN còn nhiều khó khăn, chất thải và khí thải chưa được xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường… Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục tạo sự đột phá về phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn nhằm giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH và xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh phấn đấu giai đoạn 2011-2015 giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn tăng bình quân 25%/năm trở lên. Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 34 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55% trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, có 80% số xã có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm 10% trở lên, tạo việc làm cho 50 nghìn lao động, nâng tổng số lao động sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở khu vực nông thôn lên 161 nghìn người. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài các cơ chế, chính sách khuyến khích của tỉnh, cần có sự góp sức của các cấp, các ngành và các địa phương nhằm tiếp tục thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Phát triển các làng nghề, đa dạng ngành nghề CN-TTCN, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN và làng nghề ở địa bàn nông thôn, góp phần để ngày càng có nhiều địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới./.

Thanh Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com