Hoạt động ngăn chặn, xử lý các vi phạm ô nhiễm môi trường còn hạn chế

08:05, 11/05/2011
Thu gom chất thải rắn ở CCN Yên Xá (Ý Yên).
Thu gom chất thải rắn ở CCN Yên Xá (Ý Yên).

Trong quá trình phát triển sản xuất, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương trong tỉnh đang ở mức độ cao. Ở địa bàn nông thôn, các cơ sở sản xuất CN-TTCN và chăn nuôi tại khu dân cư với số lượng lớn và có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ, tại một số xã có mật độ chăn nuôi tập trung lớn, nồng độ khí NH3, H2S có trong không khí cao hơn mức cho phép gần 5 lần, độ nhiễm khuẩn trung bình trong chuồng nuôi là 18.675 vi sinh vật (cao hơn tiêu chuẩn của Nga 12 lần); nước thải nhiễm Ecoli và tỷ lệ số mẫu nước thải nhiễm trứng giun cao, hàm lượng COD (nhu cầu oxy hoá học) có nơi lên đến 3.916 mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ từ 100 đến 400mg/l. Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc - Phân tích TNMT (Sở Tài nguyên và Môi trường) hàng ngày, tại các khu đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư xả thải ra môi trường hàng vạn m3 nước thải chưa qua xử lý. Riêng khối các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp, bình quân mỗi tháng xả khoảng 20.000m3 nước thải và 41.000 tấn chất thải công nghiệp. Tại 3 KCN, lượng nước thải từ 35 nghìn đến 38 nghìn m3/tháng nhưng mới có trên 20% được thu gom, xử lý; còn lại vẫn xả trực tiếp xuống sông ngòi, kênh mương, ao hồ hoặc thẩm thấu xuống lòng đất làm ô nhiễm môi trường và tầng nước ngầm. Tại các khu, CCN ở Thành phố Nam Định, khí độc từ sản xuất CN-TTCN vượt tiêu chuẩn cho phép 12,3%, bụi chiếm 13,7% số mẫu được đo, tiếng ồn vượt 1,1-1,3 lần. Khu vực nội thành Nam Định, công tác thu gom rác thải đã được triển khai trên khắp các tuyến phố nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng vứt rác trên lề đường, vỉa hè. Toàn tỉnh hiện còn gần 100 điểm đổ rác bừa bãi ngoài quy hoạch. Trong số 20 CCN đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh, có 6 CCN lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm quy định bảo vệ môi trường tại các CCN chiếm gần 50%. Ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN không nằm trong KCN, CCN đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc ký cam kết bảo vệ môi trường song vẫn còn mang tính hình thức, chưa tuân thủ việc giám sát môi trường định kỳ hàng năm, chưa thực hiện đúng các nội dung về đầu tư xử lý nước thải, chưa có biện pháp bảo quản, che chắn lượng rác thải tạm lưu. Hiện nay, có khoảng 15% số doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải; mặc dù tỉnh đã sử dụng ngân sách địa phương và nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ đầu tư giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cho các dự án trọng điểm nhưng một số dự án chưa phát huy hiệu quả. Mô hình xử lý nguồn nước thải có chứa kim loại rắn tại làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) được triển khai từ năm 2007 từ sự hỗ trợ của Bộ KH-CN và Cộng hoà Liên bang Đức trong dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước, sau khi đi vào hoạt động, mô hình này đã phát huy hiệu quả thu hồi, phân lọc tái chế toàn bộ lượng nước thải sau sản xuất của các hộ làng nghề nhưng sau khi hết giai đoạn hỗ trợ, mô hình đã tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm gây ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế. Số lượng, mức độ xử phạt chỉ mang tính răn đe. Trong năm 2010, ngành Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra tại 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh và thanh tra tại 8 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã đề nghị xử phạt vi phạm 17 cơ sở với số tiền phạt 93 triệu đồng. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2003 tỉnh ta phải xử lý dứt điểm 6 đơn vị nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: Tổng Cty cổ phần dệt may Nam Định, Cty cổ phần dệt lụa Nam Định, Cty cổ phần dây lưới thép Nam Định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, bãi chôn lấp rác xã Lộc Hoà (thuộc Cty TNHH một thành viên môi trường đô thị Nam Định) và Kho thuốc bảo vệ thực vật (thuộc Cty cổ phần thuốc sát trùng Việt Nam). Sau hơn 7 năm thực hiện, mới có 3 cơ sở đáp ứng đủ điều kiện là Cty cổ phần dây lưới thép Nam Định, Bãi chôn lấp rác xã Lộc Hoà và Kho thuốc bảo vệ thực vật; 3 cơ sở còn lại mới thực hiện được các biện pháp hợp lý hoá việc xả thải ở mức độ: hoàn thiện thủ tục hành chính và tăng cường biện pháp quản lý, xử lý để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc bắt buộc xử lý triệt để nước thải và rác thải y tế đã được tiến hành, lò đốt chất thải y tế hoạt động từ năm 2004, hệ thống thu gom và xử lý nước thải hoàn thành năm 2010 nhưng cả 2 công trình này đang chạy thử. Tại Cty cổ phần dệt lụa Nam Định và Tổng Cty cổ phần dệt may Nam Định, với lý do di dời nhà xưởng ra KCN Hoà Xá nên việc xử lý triệt để chưa được thực hiện. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thường có nhiều biện pháp đối phó với việc kiểm tra, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường của đơn vị, thậm chí có đơn vị lắp đặt thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường để đối phó với các cơ quan chức năng…

Thực trạng trên cho thấy việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cả các nhà quản lý còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ chăn nuôi vẫn không xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường mà còn có biểu hiện đối phó với các cơ quan chức năng.

Một số địa phương kinh tế phát triển nhưng xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã có ý thức bảo vệ môi trường nhưng việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế dẫn đến tình trạng lúng túng trong việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện chi phí đầu tư và các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường. Các ngành chức năng còn thiếu tích cực, chưa chủ động, thậm chí còn nương nhẹ trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường…

Để nâng cao hiệu quả ngăn chặn, xử lý các vi phạm gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và mỗi cá nhân cần xác định đây là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, từ đó chung tay nỗ lực đưa ra các biện pháp ngăn chặn, xử lý thích hợp. Các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải chủ động đầu tư thiết bị, máy móc công nghệ phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ, chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, thẩm định và giới thiệu các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với khả năng của các cơ sở sản xuất. Tăng cường công tác thanh tra, bảo đảm nguồn lực và chế tài đủ mạnh, xử lý các vi phạm, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính, xử lý nghiêm với các cơ sở cố tình vi phạm, chậm tiến độ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com