Hai vấn đề bất cập của vốn vay và giải quyết việc làm

08:05, 06/05/2011

Hiệu quả đã rõ…

Những năm qua, vấn đề giải quyết việc làm luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp. Trong bộ giải pháp giải quyết việc làm, nguồn vốn vay từ quỹ quốc gia về việc làm và quỹ giải quyết việc làm địa phương đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Ông Nguyễn Hữu Tính, xóm Tây Cát, xã Hải Lý (Hải Hậu) cho biết: “Năm 2009, tôi được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm, toàn bộ số tiền này tôi đầu tư phát triển trồng cây cảnh trên mấy sào vườn bỏ hoang trước đó. Chỉ sau gần 2 năm đã thấy hiệu quả rõ rệt. Với 4 người làm, trừ thời gian đồng áng thì mỗi năm công lao động cũng được gần 20 triệu đồng/người. Nếu tính cấy 1 sào lúa được 4 tạ thóc/năm thì trồng vườn đạt thu nhập gấp 4 lần so với cấy lúa”. Anh Trần Xuân Bách ở Thị trấn Gôi (Vụ Bản) vay 50 triệu đồng mở rộng xưởng mộc dân dụng của gia đình từ tháng 9-2009. Đến nay, 3 lao động anh thuê đều có thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng, kinh doanh của xưởng mỗi năm đem về cho gia đình anh trên 100 triệu đồng. Ông Lại Quang Minh, đội 8, xã Trực Mỹ (Trực Ninh), giám đốc Cty cổ phần xây dựng Minh Tiến vay 300 triệu đồng từ quỹ quốc gia về việc làm. Sau khi được vay vốn, Cty đã mở rộng thị trường, tuyển dụng thêm 25 lao động đảm bảo luôn có việc làm ổn định, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Ông Minh cho biết: “Vay vốn từ các ngân hàng thương mại thời điểm này thì lợi nhuận không đủ trả lãi. Còn vay vốn của quỹ quốc gia về việc làm được hưởng lãi suất ưu đãi, tạo được việc làm cho bà con làng, xã”… Hiện nay, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguyện vọng vay vốn từ quỹ giải quyết việc làm vì không phải thế chấp tài sản.

Anh Mai Văn Điền, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) vay vốn mở rộng trang trại chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Anh Mai Văn Điền, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) vay vốn mở rộng trang trại chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Cùng với hiệu quả trực tiếp cho người vay vốn về lãi suất, nguồn vốn giải quyết việc làm đã thể hiện hiệu quả xã hội rõ rệt thông qua chỉ số giải quyết việc làm. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, trong 3 năm (2008, 2009, 2010), nguồn vốn từ quỹ giải quyết việc làm đã tạo việc làm cho 7.948 lao động, trong đó quỹ quốc gia về việc làm tạo việc làm cho 7.422 lao động, quỹ giải quyết việc làm địa phương tạo việc làm cho 526 lao động. Năm 2010, tổng 2 quỹ đạt 69,029 tỷ đồng, đã cho vay 864 dự án, tạo việc làm cho 2.653 lao động của tỉnh. Huyện có nguồn vốn cao nhất là Hải Hậu (8,426 tỷ đồng), thấp nhất là Mỹ Lộc (3,715 tỷ đồng), các huyện còn lại có nguồn vốn từ 6,675 tỷ đồng đến gần 8 tỷ đồng. Đánh giá về hiệu quả của vốn vay giải quyết việc làm, đồng chí Nguyễn Thu Hiền, Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: “Trong các loại hình đầu tư cho công tác giải quyết việc làm, đầu tư thông qua quỹ vốn vay giải quyết việc làm không mất vốn, thậm chí còn có lãi, số lao động có việc làm không nhỏ. Thông qua kiểm tra, theo dõi cho thấy việc làm được tạo ra từ vốn vay tương đối ổn định vì người vay phải tuân thủ cam kết tạo việc làm và thực hiện đúng cam kết mới được tiếp tục vay vốn”.

… nhưng, bất cập cũng còn nhiều

Hiệu quả như vậy, nhưng nguồn vốn vay giải quyết việc làm bao gồm quỹ quốc gia về việc làm và quỹ giải quyết việc làm địa phương đang có không ít những bất cập trong hoạt động. Nổi bật là hai vấn đề: số lượng nguồn vốn và phương thức cho vay. Về số lượng nguồn vốn cho vay, theo số liệu của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, tổng nguồn vốn đến hết năm 2010 đạt 69,029 tỷ đồng. Trong đó quỹ quốc gia có mức tăng mỗi năm do Trung ương bổ sung khoảng 3 tỷ đồng, đến hết năm 2010 đạt 64,029 tỷ đồng. Quỹ giải quyết việc làm địa phương từ năm 2006 đến nay là 5 tỷ đồng, chưa được bổ sung. Theo thống kê của 10 đơn vị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Thành phố từ năm 2008 đến nay, số hồ sơ, dự án xin vay vốn luôn lớn hơn nhiều so với tổng vốn đang có, nhu cầu về vay vốn giải quyết việc làm có xu hướng tăng mạnh. Thực tế việc giải ngân, dư nợ luôn bằng với số vốn đang có, việc tồn đọng vốn rất thấp, nguyên nhân do thủ tục chậm hơn kinh phí thu hồi chứ không phải do thiếu nhu cầu. Đồng chí Đoàn Văn Định, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Trực Ninh cho biết: “Đơn vị đang chuyển hướng cho vay hộ sang cho vay sản xuất kinh doanh vì giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, chủ dự án đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn, nguồn vốn được bảo đảm an toàn khi chuyển từ vay tín chấp sang thế chấp. Nhưng nếu vay hộ chỉ ở mức 20 triệu đồng/dự án còn mức vốn vay đối với sản xuất, kinh doanh phải từ 50 triệu đồng/dự án trở lên mới có hiệu quả. Vì vậy, khó khăn lớn nhất khi chuyển sang hướng mới là thiếu vốn!”. Đồng chí Đinh Thị Hương Trà, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Hải Hậu cho biết: “Tổng nguồn vốn vay giải quyết việc làm của đơn vị là 8,426 tỷ đồng, cao nhất tỉnh nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người vay. Từ khi triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, huyện chỉ đạo ưu tiên, tăng cường cho vay với đối tượng học nghề của đề án. Nhưng nếu không bổ sung vốn cho quỹ này thì không thể có nguồn vốn để triển khai theo sự chỉ đạo của huyện - dù biết rõ đây là định hướng rất đúng đắn!”. Chương trình trọng tâm giải quyết việc làm - giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 cho thấy đầu tư của tỉnh, của Trung ương trong lĩnh vực này rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng giải pháp vốn vay giải quyết việc làm lại rất hạn chế, nhỏ giọt, chỉ khoảng 3 tỷ đồng/năm. Từ thực tế này, đề nghị UBND tỉnh tăng cường nguồn vốn cho quỹ địa phương, có kiến nghị với các bộ, ngành chức năng Trung ương xem xét hiệu quả thực tế của quỹ quốc gia và bổ sung vốn hợp lý cho nguồn quỹ này.

Bất cập thứ hai là phương thức cho vay. Phản ánh của các đơn vị Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định trong khi vốn thiếu thì vẫn phải chấp nhận những khoảng thời gian để vốn tồn đọng. Nguyên nhân do các hội, đoàn thể được uỷ thác cho vay dưới hình thức tổ vay vốn thiếu chuyên môn về thủ tục, quy trình tín dụng, lại phải trình duyệt từ cấp cơ sở lên mới đến được ngân hàng để phê duyệt, quyết định giải ngân nên vốn đến tay người vay chậm. Đơn cử như cuối quý III-2010, vốn giải quyết việc làm của Giao Thuỷ tồn đọng trên nửa tỷ đồng. Tìm hiểu thì được biết toàn bộ số vốn này thuộc kênh của Đoàn Thanh niên, đã có đủ dự án khả thi nhưng chưa thể giải ngân vì… chờ được duyệt từ cấp Đoàn cơ sở đến Đoàn cấp trên. Theo tính toán, một dự án vay trực tiếp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ mất thời gian vài ngày. Trong khi đó, dự án vay qua các tổ vay vốn đoàn thể, hội hiện nay nếu chưa kể thời gian lập dự án thì ít nhất phải mất gần nửa tháng xét duyệt mới có quyết định giải ngân. Bên cạnh đó, thực tế cho vay vốn tại các địa phương còn chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện cho vay giữa các hội, đoàn thể trên cùng một địa bàn. Một hộ có các thành viên gia đình tham gia các hội, đoàn thể khác nhau, để huy động vốn, các thành viên đều lập dự án vay vốn đến các tổ chức đang tham gia, dẫn đến tình trạng một hộ được vay nhiều, hộ khác không tiếp cận vay được vì nguồn vốn phân bổ có hạn sẽ dẫn đến việc lạm dụng vay để trục lợi từ mức lãi suất ưu đãi… Để khắc phục vấn đề này, Ngân hàng Chính sách Xã hội cần đánh giá, thẩm định dự án vay vốn đối với các thành viên tổ vay vốn của các hội, đoàn thể và có cơ chế quản lý chặt chẽ chất lượng hoạt động của các tổ, hội để bảo đảm khách quan, công bằng cho vay vốn giải quyết việc làm.

Bên cạnh công tác cho vay vốn giải quyết việc làm, công tác xử lý nợ quá hạn để bảo toàn nguồn vốn vay đã có. Đến ngày 31-3-2011, báo cáo nợ quá hạn của quỹ giải quyết việc làm toàn tỉnh lên đến trên 1,5 tỷ đồng. Phân tích cho thấy số hộ vay vốn không chịu trả lên tới trên 30% tổng số hộ vay cần có giải pháp xử lý triệt để. Số dư nợ quá hạn chuyển từ Kho bạc Nhà nước từ năm 2001 là 481 triệu đồng (trên 30%) cần có phương án xoá nợ, khoanh nợ, thu nợ ở từng món vay. Ngân hàng Chính sách Xã hội cần thực hiện nghiêm túc quy định gửi báo cáo phê duyệt dự án, hồ sơ vay vốn đã qua thẩm định, biểu mẫu tổng hợp đến các cơ quan chức năng để quản lý, giám sát chặt chẽ công tác cho vay giải quyết việc làm./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com