Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi ở Nam Trực

06:05, 06/05/2011

Đến hết năm 2010, trên địa bàn huyện Nam Trực có 196 trang trại, gia trại quy mô từ 200-300 con lợn hoặc trên 1.000 con gà thương phẩm/lứa, còn hầu hết các hộ đều nuôi gia súc, gia cầm ở quy mô nhỏ lẻ. Doanh thu của nhiều trang trại, gia trại đã đạt mức 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm; góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2011, chăn nuôi trên địa bàn huyện gặp khó khăn: Dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Đầu tháng 1-2011 dịch lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra ở xã Nam Hùng với 27 con lợn và ngày 10-3 dịch lại phát sinh trên đàn lợn gồm 18 con của hộ ông Đặng Văn Thắng ở xã Nam Hồng. Ngày 16-3 dịch cúm gia cầm xảy ra làm cho 3.700 con gà của hộ ông Nguyễn Mạnh Tiến, xã Nghĩa An bị bệnh… Bên cạnh đó, trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, giá nguyên liệu phục vụ chăn nuôi liên tục biến động. Cụ thể như giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cho gà thịt tăng từ 7.200 đồng/kg năm 2009 lên gần 10 nghìn đồng/kg (tăng khoảng 25%); giá thức ăn hỗn hợp của lợn thịt tăng từ gần 6.000 đồng/kg (năm 2009) đến nay đã tăng gần gấp đôi. Các chi phí khác như giá con giống, giá thuốc thú y… cũng tăng cao. Trong khi đó giá xuất bán con nuôi thương phẩm tăng chậm. Hoạt động chăn nuôi với nguy cơ dịch bệnh cao, lợi nhuận thu được không tương xứng đã dẫn đến tình trạng nhiều hộ phải tạm ngừng chăn nuôi.

 

Người chăn nuôi xã Nam Dương (Nam Trực) thường xuyên thực hiện biện pháp phun thuốc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc.  Bài và ảnh: Nguyễn thanh thúy
Người chăn nuôi xã Nam Dương (Nam Trực) thường xuyên thực hiện biện pháp phun thuốc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc.

Từ thực trạng trên, huyện Nam Trực đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương “vào cuộc” cùng người chăn nuôi từng bước tháo gỡ khó khăn. Phòng NN-PTNT huyện đã tiến hành điều tra nguyên nhân gây dịch bệnh, thực trạng hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cấp bách như tiêu huỷ đàn gia súc, gia cầm bị bệnh, tăng cường giám sát dịch và phòng chống, phong toả không để dịch bệnh lây lan phát tán ra diện rộng. Thực hiện nghiêm công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Trong điều kiện giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất: cho ăn bằng thức ăn tự chế theo tỷ lệ nhất định để giảm giá thành; hạn chế số lần cho ăn và tăng số lượng thức ăn trong một lần tránh rơi vãi, gây lãng phí thức ăn. Các ngành hữu quan tích cực huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi. Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật lựa chọn giống, chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cho các hộ nuôi nhiều ở các xã trong huyện. Trạm Khuyến nông huyện thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật hiệu quả cho người chăn nuôi như mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học được triển khai từ tháng 5-2010 cho một số hộ nghèo. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 40% chi phí con giống, 20% chi phí thức ăn, vắc-xin và được cán bộ khuyến nông tập huấn quy trình, kỹ thuật chăn nuôi. Thực hiện mô hình, gà của các hộ đều đạt trọng lượng từ 2-2,5kg/con, sau 70 ngày nuôi tỷ lệ gà sống đạt 97% và tránh được dịch bệnh. Ông Đỗ Đình Vãng, xã Điền Xá đã được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ nuôi 300 con gà, qua hạch toán sau 12 tuần nuôi, ông thu lãi được 7 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều gia đình áp dụng mô hình nuôi gà an toàn sinh học đã cho hiệu quả cao tại các xã Nam Thanh, Hồng Quang, Nam Hồng; mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã Nam Mỹ, Nam Hoa… Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo đó, các xã, thị trấn lựa chọn, xác định các vùng đất còn nhàn rỗi hoặc đã sử dụng vào mục đích khác nhưng chưa đạt hiệu quả cao để quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung. Khuyến khích vận động các hộ phát triển các trang trại quy mô lớn, từng bước thay thế mô hình gia trại, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và các nguy cơ gây dịch bệnh trong chăn nuôi. Huyện đang xây dựng và thực hiện các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, hoặc liên kết đầu tư phát triển các cơ sở chế biến, xây dựng thương hiệu và hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm, nâng thu nhập cho người chăn nuôi./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com