Công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

06:05, 06/05/2011

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, giai đoạn I đến năm 2007, xử lý dứt điểm đối với 439 cơ sở, giai đoạn II (2008-2012) xử lý triệt để đối với 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại và các cơ sở khác mới phát sinh.

Tính đến nay, có 338/439 cơ sở của giai đoạn I đã hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm 77%. Như vậy vẫn còn 101 cơ sở đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để, trong đó có 51 cơ sở thuộc khu vực công ích và 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đến nay, có sáu địa phương chưa có cơ sở nào được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Trong năm 2010, một số địa phương không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập như: Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Trị. Vì sao một số bộ, ngành và địa phương chưa xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Qua tìm hiểu có thể thấy những nguyên nhân sau: Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở thuộc khu vực công ích để xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường, chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ năm 2006 đến nay, ngân sách Trung ương mới hỗ trợ cho 75 dự án xử lý ô nhiễm môi trường triệt để với tổng kinh phí là 236,118 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thực tiễn. Trình độ công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hiện nay ở nước ta còn thấp. Cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tuy đã được ban hành song còn chậm được triển khai. Một số văn bản về chính sách đất đai đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi.  Nhiều địa phương coi trọng việc kêu gọi đầu tư, xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường đã cho phép sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; có biểu hiện nương nhẹ trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là các cơ sở hoạt động công ích.

Để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, một trong những biện pháp đã mang lại hiệu quả cần tiếp tục làm trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý với các vi phạm được phát hiện; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành, xử lý nghiêm đối với các cơ sở chây ỳ, chậm tiến độ theo Nghị định số 117/2009/NĐ-CP; thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Chương XVII (Tội phạm về môi trường) của Bộ luật Hình sự. UBND cấp tỉnh phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cần công bố công khai thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, buộc các cơ sở này phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để./.

Theo: nhandan.org.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com