Bảo vệ sản xuất vụ xuân 2011 trước sự biến đổi khí hậu

08:05, 11/05/2011
Nông dân xã Nam Dương (Nam Trực) phun thuốc trừ bệnh khô vằn trên lúa xuân.
Nông dân xã Nam Dương (Nam Trực) phun thuốc trừ bệnh khô vằn trên lúa xuân.

Biến đổi khí hậu tạo ra diễn biến thời tiết bất thường, trái quy luật, không những ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống con người mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Rét đậm, rét hại kéo dài cùng với thời tiết khô hạn suốt trong tháng 1, 2, 3 làm cho sản xuất vụ xuân năm nay khó khăn hơn nhiều so với những năm trước. Để ứng phó, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương gieo mạ chậm hơn so với kế hoạch. Tháng 2-2011, vẫn xảy ra rét đậm, rét hại nên mạ phát triển kém, nhưng toàn bộ diện tích 77.800ha lúa xuân của tỉnh cơ bản cấy gọn trong tháng 2. Đợt rét hại kéo dài 4 ngày của trung tuần tháng 3 (từ ngày 15 đến 18-3) đã làm 19.600ha lúa mới cấy bị chết rải rác, phải dặm tỉa, tập trung ở các huyện phía nam tỉnh và trên giống Bắc thơm số 7. Các địa phương có diện tích lúa chết rét trên 30% là nông trường Rạng Đông, các xã: Nam Điền, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Giao Hương, Giao Lạc, Bình Hoà (Giao Thuỷ); Đồng Sơn, Nam Thanh (Nam Trực) và một số diện tích lúa xuân gieo sạ. Hầu hết những diện tích cấy giống lúa Bắc thơm số 7 đều có hiện tượng lúa bị táp lá và chết rét, những diện tích cấy muộn sau ngày 25-2 và thiếu nước có tỷ lệ lúa chết rét cao. Riêng những diện tích cấy giống lúa lai gần như không có hiện tượng lúa chết rét. Cùng với rét đậm, rét hại kéo dài, trong 3 tháng 1, 2, 3 số giờ nắng ít và yếu, chỉ bằng 1/3-1/4 so với trung bình mọi năm. Tổng tích ôn 3 tháng thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với trung bình nhiều năm. Giống lúa cấy vụ xuân của tỉnh ta là giống cảm ôn, tích ôn kém đồng nghĩa với kéo dài thời gian sinh trưởng. Theo đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thời gian sinh trưởng của cây lúa xuân năm nay sẽ kéo dài thêm 15-20 ngày bởi vì nhiệt độ xuống thấp dưới 130C, cây lúa sinh trưởng phát triển kém. Đến ngày 8-4-2011 toàn tỉnh có 70% diện tích lúa xấu; chỉ có 15-20% diện tích lúa tốt chủ yếu ở các huyện phía bắc tỉnh, gồm: Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và những diện tích cấy giống lúa lai (trong khi cùng kỳ các năm trước, diện tích lúa tốt đạt 85-95%).

Để khắc phục khó khăn, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, công điện chỉ đạo sản xuất vụ xuân; Sở NN-PTNT có nhiều văn bản hướng dẫn kịp thời cho các địa phương kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ mạ lúa xuân năm 2011 phù hợp với từng thời điểm, bảo đảm đủ nước cho 100% diện tích lúa cấy, tạm ngừng việc bón phân, bảo quản lượng mạ còn dư sau cấy để dặm sau đợt rét hại. Ngay sau rét, Sở NN-PTNT đã phân công cán bộ xuống kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại của lúa ở các huyện, thành phố và kịp thời hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện các biện pháp chăm bón lúa phù hợp. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn chăm bón, bảo vệ lúa và cây trồng vụ xuân 2011 cho hàng nghìn lượt cán bộ kỹ thuật cơ sở và hộ nông dân. Các huyện, thành phố chủ động phân công cán bộ, nhân viên kỹ thuật thường xuyên tăng cường xuống các xã, thị trấn để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất chăm bón, bảo vệ lúa xuân. Các huyện căn cứ vào sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN-PTNT tổ chức cho các hộ nông dân hoàn thành việc chăm bón lúa xuân đợt I xong trước ngày 15-3; tổ chức cho xã, cụm xã và các hộ nông dân tiến hành điều tiết nước, dặm tỉa, bón phân, làm cỏ sục bùn... Đến cuối tháng 4-2011, diện tích lúa tốt của toàn tỉnh đạt trên 90%. Dự kiến lúa xuân năm nay sẽ trỗ muộn hơn các năm trước khoảng 15 ngày. Như vậy, diện tích lúa trỗ trước 20-5 chỉ chiếm 15%, cơ bản lúa xuân sẽ trỗ tập trung từ ngày 20 đến 30-5 và vẫn còn khoảng 10% diện tích lúa trỗ vào đầu tháng 6-2011.

Tâm lý của người nông dân khi thấy lúa chậm phát triển là vội vàng bón thêm phân đạm “thúc” cho lúa “bốc” nhanh. Lường trước tình trạng này, ngành NN-PTNT đã có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và hộ nông dân tập trung chăm bón sớm, bón cân đối N-P-K; đặc biệt phải bón đủ 5-6kg kaly cho mỗi sào ruộng cấy để lúa cứng cây, chống chịu sâu bệnh tốt hơn, chống đổ, tăng tỷ lệ hạt mẩy trên bông... Đồng chí Trần Văn Hội, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Lúa xuân năm nay sinh trưởng chậm, sâu bệnh, dịch hại cũng chậm lại so với trung bình nhiều năm trước, nhưng sẽ gây hại trên những diện tích lúa xanh lướt do bón thừa đạm, cấy muộn. Mặc dù hiện tại các đối tượng sâu bệnh đều xuất hiện ở mức độ thấp, nhưng đề phòng sẽ bùng phát ở giai đoạn cuối vụ nếu không kiểm tra, phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”...”. Thực tế trên cùng một xứ đồng xen kẽ rất nhiều trà lúa: lúa cấy sớm, lúa cấy muộn, lúa dặm tỉa... nên đối tượng dịch hại cũng phát sinh gây hại khác nhau. Bài toán đặt ra cho các địa phương và hộ nông dân là phải kiểm tra thường xuyên đồng ruộng để phát hiện sớm và phun phòng, trừ kịp thời, đúng đối tượng sâu bệnh hại lúa.

Thời tiết hiện tại vẫn còn diễn biến bất thường. Cuối tháng 4-2011, khi các địa phương đang rút nước lộ ruộng thì xuất hiện trận mưa lớn nên nhiều địa phương không thực hiện được việc rút nước phơi ruộng 15-20 ngày để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu và tạo cho lúa cứng cây, chống đổ. Năm nay lúa xuân phát triển chậm 15-20 ngày so với các vụ trước cũng là những điều kiện bất lợi cho việc bảo vệ lúa xuân. Nếu lúa trỗ tập trung từ ngày 5 đến 15-5 như mọi năm trước thì các đối tượng sâu cuốn lá lứa 3, rầy cuối vụ, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn... gây hại không lớn. Nhưng năm nay lúa cơ bản trỗ từ ngày 20 đến 30-5, thậm chí 10% diện tích lúa trỗ đầu tháng 6 thì các đối tượng sâu hại trên là nguy cơ không thể xem nhẹ. Những bài học về vụ lúa thất thu do rầy cuối vụ, sâu đục thân cuối vụ... nông dân nhiều địa phương đã phải “trả giá” quá đắt. Lúa trỗ muộn, nguy cơ nắng nóng gió Lào và mưa úng cũng là bài toán vụ xuân năm nay phải giải. Một vấn đề nữa là phải khẩn trương thu hoạch lúa xuân để chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa năm 2011 kịp thời vụ, để có quỹ đất phát triển cây vụ đông./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com