Để du lịch tỉnh ta phát triển tương xứng tiềm năng

07:04, 01/04/2011

1. Thực trạng

So với các địa phương khác, tỉnh ta có điều kiện tự nhiên và nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên địa bàn tỉnh có 1.655 di tích, trong đó nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc gắn với lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế như quần thể di tích Văn hoá Trần; quần thể di tích Phủ Dầy, Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh; chùa Cổ Lễ; chùa Keo Hành Thiện… Trong các lễ hội, ngoài phần lễ, du khách được mục sở thị các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian dân vũ như: hoa trượng hội, hát chầu văn, hát giao duyên, múa rồng, thả đèn trời, tổ tôm điếm, chọi gà, đấu vật mang đậm dấu ấn vùng văn minh lúa nước khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh ta cũng là cái nôi của các loại hình dân ca, dân vũ phong phú, nguyên thể như chầu văn, ca trù, chèo, múa rối nước, múa bài bông… Bên cạnh đó, tỉnh ta có 94 làng nghề với nhiều sản phẩm được du khách biết đến như chạm, khảm gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, mây tre đan Vĩnh Hào, tơ lụa Cổ Chất, hoa cây cảnh Vị Khê. Các khu du lịch biển hấp dẫn như Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy); đặc biệt Vườn quốc gia Xuân Thuỷ là điểm dừng chân của rất nhiều loài chim quý… là những điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển du lịch.

Năm 2010, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 175 tỷ đồng; lượng khách đến tham quan các điểm du lịch trong tỉnh đạt 1,6 triệu lượt. Về cơ cấu khách du lịch, chỉ có 30% lượng khách có nhu cầu ăn nghỉ, tham quan, mua sắm, còn lại 70% là khách du lịch lễ hội, đi lại trong ngày, mức chi tiêu thấp. Điều đó cho thấy, dù lượng khách đến tham quan các điểm du lịch trong tỉnh đông, nhưng hiệu quả hoạt động du lịch dịch vụ còn hạn chế. Nguyên nhân du lịch Nam Định chưa phát huy hết tiềm năng là do thiếu sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương; phát triển thiếu tính quy hoạch; đầu tư cho phát triển du lịch thấp, chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật phục vụ du lịch còn yếu và thiếu đồng bộ; kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và trình độ nghiệp vụ cán bộ, lao động ngành còn nhiều bất cập. Toàn tỉnh hiện có hơn 250 cơ sở kinh doanh lưu trú với tổng số 3.412 buồng, phòng; song, các khách sạn, nhà nghỉ lại thiếu các dịch vụ phục vụ chất lượng cao như sân tennis, bể bơi, phòng tập đa năng; các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có các mặt hàng, sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, dẫn đến hiệu quả hoạt động và doanh thu du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở tỉnh ta vừa thiếu, vừa yếu. Đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên làm công tác du lịch chưa được đào tạo chuyên sâu, thiếu tính chuyên nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các loại hình du lịch, lữ hành vẫn chủ yếu thuê lao động phổ thông chưa qua đào tạo.

Để ngành du lịch phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, cần phải đặt sự phát triển du lịch trong mối quan hệ hài hoà với tổng thể các ngành kinh tế khác; căn cứ vào đặc điểm tài nguyên, tập trung khai thác và xây dựng các loại hình, sản phẩm du lịch văn hoá lễ hội - làng nghề, du lịch sinh thái với các giá trị cảnh quan, các hệ sinh thái vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, biển đảo, du lịch MICE (loại hình hội nghị, thương mại công vụ), du lịch cộng đồng. Với tiềm năng và thế mạnh về du lịch biển, du lịch văn hoá tâm linh với hệ thống kiến trúc danh thắng, lịch sử phong phú và đa dạng, tỉnh ta là một “điểm nhấn” trong bản đồ du lịch danh thắng, du lịch tâm linh có quy mô khu vực và cả nước. Do vậy, cần xây dựng quy hoạch tổng thể chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương. Cần có kế hoạch đầu tư khảo sát, nghiên cứu định hướng về việc phát triển sản phẩm du lịch; thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề để các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng có dịp đề xuất phương án phát triển du lịch. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, phục vụ du lịch theo tiêu chí “cung - cầu” được chuẩn hoá và ngày càng nâng cao chất lượng. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực du lịch được coi là vấn đề mang tính cấp bách hiện nay và cần được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch mang tính lâu dài của tỉnh, đồng thời, đây cũng là “chìa khóa” để du lịch tỉnh ta phát triển tương xứng tiềm năng và mang tính ổn định, bền vững.

 

Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), một trong những điểm đến của du lịch Nam Định.  Ảnh: PV
Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), một trong những điểm đến của du lịch Nam Định.
Ảnh: PV

2. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch

Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 lao động trực tiếp làm việc tại 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó, 250 cơ sở kinh doanh lưu trú, còn lại là các cơ sở vận chuyển khách du lịch, bán hàng hóa tại các khu vực du lịch. Qua khảo sát tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cho thấy, số lượng cũng như chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ năng phục vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Trong số 3.000 lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, mới chỉ có khoảng 40% số lao động được đào tạo theo các hệ đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo nghề, còn lại 60% lao động chưa qua đào tạo hoặc chỉ được truyền nghề tại chỗ. Lượng lao động này tập trung tại các cơ sở kinh doanh ở các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm, các nhà hàng phục vụ ăn uống tại khu vực Thành phố Nam Định. Đó là lao động phổ thông, những học sinh, sinh viên được các cơ sở kinh doanh ký hợp đồng làm theo mùa vụ, theo giờ. Nguồn lao động chưa qua đào tạo cơ bản chắc chắn sẽ thiếu các kỹ năng phục vụ khách một cách cơ bản. Du lịch là một ngành kinh tế được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói”, thì ngoài việc cần có một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cần phải có nguồn nhân lực tương xứng để phát triển ổn định, bền vững. Với yêu cầu đó, rõ ràng nguồn nhân lực tỉnh ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng nguồn nhân lực du lịch hiện nay là: Cơ sở đào tạo nghề du lịch tại chỗ của tỉnh ta còn thiếu và yếu. Trường dạy nghề Thương mại Du lịch Dịch vụ (Sở LĐ - TB & Xã hội) có đào tạo nghề trung cấp, sơ cấp về du lịch nhưng điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và giáo viên giảng dạy của trường còn rất nhiều khó khăn. Hàng năm trường chỉ cung cấp được một lượng lao động nhất định cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở tỉnh ta chủ yếu là loại hình kinh doanh nhỏ, vừa và hộ cá thể, tiềm lực kinh tế hạn chế, và yếu tố mùa vụ của hoạt động du lịch nên chưa chú trọng tới việc hình thành một lực lượng lao động mang tính chuyên nghiệp. Mặt khác, đối với người lao động, do mức thu nhập thấp (khoảng trên 1 triệu đồng/người/tháng) nên luôn muốn thay đổi môi trường làm việc, nếu thu nhập cao hơn. Điều đó dẫn tới hiện tượng nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch không giữ chân được người lao động. Nguồn lao động được đào tạo chính quy sau khi ra trường thường biến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thành nơi tập sự, nâng cao tay nghề rồi đi ra các địa phương khác tìm việc.

Để du lịch Nam Định phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh, một đòi hỏi bức thiết đặt ra là cần quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên các mặt: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ công chức tại các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch từ tỉnh xuống huyện, các ban quản lý khu du lịch nhằm tham mưu cho cấp ủy chính quyền tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch nói chung và phát triển nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn mình quản lý; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ quản lý, điều hành hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ du lịch cho chủ các cơ sở du lịch; nâng cao chất lượng trình độ nghiệp vụ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ nhân viên làm việc trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo các nghề du lịch đã được quy định như lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bếp, hướng dẫn viên du lịch…

Như vậy, cần đầu tư nâng cấp cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch chú trọng tới các cơ sở đào tạo nghề; sử dụng giáo viên thỉnh giảng là các cán bộ phụ trách các bộ phận của các khách sạn lớn có nhiều kinh nghiệm thực tế để bồi dưỡng đào tạo tại chỗ, nâng cao tay nghề cho các nhân viên mới. Các cơ sở kinh doanh cũng cần coi việc sử dụng lao động có tay nghề và bảo đảm thu nhập, các chế độ cho họ là phương sách để củng cố đội ngũ nhân viên lao động có tay nghề cho cơ sở của mình. Những cơ sở kinh doanh lớn có điều kiện nên tổ chức cho nhân viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương có hệ thống cơ sở kinh doanh du lịch phát triển để tìm hiểu, học hỏi, nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, cần triển khai tốt dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” cho các đối tượng là lao động nữ tại khu vực thành thị và cho lao động nông thôn tại địa bàn có các khu du lịch trọng điểm như Thịnh Long, Quất Lâm, các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy… tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng này được học nghề và tham gia làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch./.

Việt Thắng Minh Thuận 

 


                                     



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com