|
Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Cty TNHH Việt Thắng (Nam Trực). |
Để tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường, đến nay các làng nghề trong tỉnh đều đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ở làng nghề đã chủ động đầu tư mới hoặc thay thế hệ thống thiết bị, máy móc sản xuất theo hướng hiện đại với tổng mức vốn hàng tỷ đồng. Các hộ sản xuất nhỏ cũng nỗ lực đầu tư theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”, ngay khi có nguồn lãi từ sản xuất. Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian gần đây, bên cạnh việc đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong các làng nghề đều đã tích cực tiếp cận các chương trình hỗ trợ của các ngành chức năng và chủ động đầu tư kinh phí cho học tập, nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, nên đã nâng cao được chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trong quá trình tiếp cận kỹ thuật mới, các cơ sở, doanh nghiệp vẫn lưu giữ, kế thừa kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất truyền thống của các nghệ nhân trong làng. Vì vậy, kỹ thuật sản xuất của các làng nghề trong tỉnh luôn là một dòng chảy giao hoà cũ mới và đã tạo nên sức mạnh thương hiệu riêng biệt cho mỗi làng nghề. Từ đó, chỉ cần nhắc đến tên làng nghề, khách hàng đã có thể biết đến sản phẩm của làng như: Đồng Côi, Vân Chàng (Nam Trực); Xuân Kiên, Xuân Tiến (Xuân Trường) có nghề cơ khí; Thị trấn Lâm, xã Yên Xá (Ý Yên) có nghề đúc đồng; xã Yên Ninh (Ý Yên) có nghề chạm khắc gỗ; các xã Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực); Hải Trung, Hải Quang, Hải Phương (Hải Hậu); Phương Định (Trực Ninh) có nghề dệt… Khi sản xuất ổn định với số lượng lớn, chất lượng được nâng lên, hầu hết các cơ sở, đơn vị sản xuất trong làng nghề đã chủ động tạo dựng sức mạnh mang tính pháp lý cho mình bằng cách thành lập các loại hình doanh nghiệp. Từ năm 2006-2009 ở các làng nghề trong tỉnh đã có trên 700 doanh nghiệp, HTX được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 2.250 tỷ đồng. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp còn nỗ lực tạo sức mạnh tổng hợp, vững mạnh hơn bằng cách thức liên kết thành những Cty lớn, những tổ chức, hiệp hội làng nghề. Cty cổ phần La Xuyên Vàng xã Yên Ninh (Ý Yên) được thành lập năm 2007 từ sự kết hợp giữa 2 Cty TNHH cùng ngành nghề là Hiền Oanh và Công Trang. Riêng phần vốn đầu tư cho máy móc giai đoạn đầu đạt 5 tỷ đồng, Cty đã có một dây chuyền máy móc sản xuất đồ gỗ hiện đại, quy mô lớn, cùng lực lượng công nhân tay nghề cao, cơ động từ 200-300 người nên Cty ký kết được nhiều hợp đồng lớn, giá trị mỗi hợp đồng từ 20 đến 30 tỷ đồng. Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên được thành lập từ năm 2005 trên sự kết hợp của gần 50 doanh nghiệp với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu làng nghề cơ khí đúc. Đến nay, hiệp hội đã hoàn thiện xây dựng được thương hiệu cơ khí đúc Ý Yên; nhận được nhiều đơn hàng lớn, mang tầm cỡ quốc gia như: đúc tượng Thánh Gióng, tượng Bác Hồ… Từ sự kết hợp sức mạnh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhiều làng nghề đã phát triển quy mô thành xã nghề, như các xã Xuân Tiến (Xuân Trường); Yên Ninh, Yên Xá, Yên Tiến, Yên Trị (Ý Yên); Nam Hồng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Để tạo sự bền vững cho làng nghề, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, bảo vệ thương hiệu của nghề, làng nghề. Tại xã Xuân Tiến, chỉ riêng ngành sản xuất cơ khí đã có 2 đơn vị được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng Độc quyền sáng chế là Cty TNHH Toản Chung với các sản phẩm máy tẽ ngô cả áo, máy tách vỏ lạc và Cty TNHH Thanh Giang với sản phẩm máy tuốt lúa liên hoàn… Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay, nhiều cơ sở doanh nghiệp trong các làng nghề cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động quảng bá giới thiệu thương hiệu cho sản phẩm làng nghề bằng nhiều biện pháp như: tham gia các hội chợ, triển lãm lớn, thiết lập các website, gắn làng nghề với phát triển du lịch… Với nhiều giải pháp đồng bộ, các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề đã tạo nên vị thế mới trong sản xuất kinh doanh. Mỗi năm, các làng nghề đem về cho tỉnh gần 20 triệu USD từ xuất khẩu, chưa kể các sản phẩm tiêu thụ trong nước. Toàn tỉnh đã có 7 làng nghề đạt giá trị sản xuất trên 40 tỷ đồng/năm, 15 làng nghề đạt giá trị sản xuất từ 10 đến 40 tỷ đồng/năm, số còn lại đạt giá trị sản xuất dưới 10 tỷ đồng/năm.
Trước sức mạnh, vị thế của các làng nghề, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quan tâm quy hoạch, phát triển các CCN để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làng nghề phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có 20 CCN làng nghề, với tổng diện tích quy hoạch 339ha. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp làng nghề đã đầu tư và ổn định sản xuất tại các CCN và trong thời gian tới với sự sản xuất tập trung, đồng bộ về máy móc công nghệ, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện thực hiện tốt hơn các vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn lao động./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý