Thực trạng và giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở tỉnh ta

08:04, 22/04/2011

I - Thực trạng nguồn lợi thuỷ sản

Nằm ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng, tỉnh ta có hệ thống sông ngòi khá dày đặc cùng nhiều ao hồ, đầm lớn tạo tiềm năng về nguồn lợi thủy sản ở cả 3 vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Ở vùng nước ngọt, với 13.500ha ao, hồ, đầm, ruộng trũng, sông ngòi có rất nhiều sinh vật nổi, bao gồm các loài thuỷ sinh vật, là thức ăn cho nhiều loài thủy sản, trong đó có các loài cá nước ngọt như: mè, trôi, chép, trắm cỏ, trắm đen, trê, tôm, cua. Một số loài nhập ngoại như: mrigan, rôhu, catla, trê lai, rô phi, tôm càng xanh… đưa vào nuôi đã bổ sung thêm giống loài cho môi trường tự nhiên. Tại vùng nước mặn, tỉnh ta có 72km bờ biển qua 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Có 4 cửa sông lớn đổ ra biển là cửa Đáy, cửa Lạch Giang, cửa Ba Lạt và cửa Hà Lạn, mỗi năm bồi lắng một khối lượng phù sa đã tạo nên những vùng bãi bồi rộng lớn là: Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh (Giao Thuỷ); Cồn Mờ, Cồn Trời (Nghĩa Hưng) với tổng diện tích 22.650ha. Tại đây nhân dân đã trồng khoảng 6.000ha rừng ngập mặn ở vùng bãi triều ven biển, tạo thuận lợi cho nguồn lợi hải sản phát triển phong phú. Động vật đáy và hải sản tại vùng biển tỉnh ta có gần 300 loài không xương sống, trong đó có 9 loài có giá trị kinh tế là tôm he mùa, tôm bộp, tôm sắt, tôm vàng, tôm rảo…, sống ở độ sâu từ 5-30m, tập trung ở khu vực Ba Lạt. Ngoài ra, còn có cua, ngao, vạng, sò huyết, sò lông và các loại ốc sinh sống ở vùng bãi triều. Ngoài khơi hình thành nhiều bãi cá, bãi tôm lớn như: bãi cá từ cửa Ba Lạt đến Hải Phòng, bãi cá từ cửa Ba Lạt đến ngang Lạch Ghép (Thanh Hoá); bãi tôm lớn từ cửa Ba Lạt đến ngoài khơi đảo Cát Bà (Hải Phòng). Ven biển là bãi kiếm mồi của các loài tôm, cá từ đại dương và cửa Vịnh Bắc Bộ trong vụ cá Nam từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch. Xét riêng về nguồn lợi cá biển của tỉnh, các giống loài rất phong phú, gồm 223 loài thuộc 18 bộ cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá bớp, cá đối, cá dưa, cá nhệch, cá tráp… Qua điều tra của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh: Tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản của tỉnh ước khoảng 157.500 tấn, chiếm 20% tổng trữ lượng cá của Vịnh Bắc Bộ. Trong đó, cá nổi khoảng 95.150 tấn, chiếm 24,4%; cá đáy khoảng 62.350 tấn, chiếm 15,6%. Khả năng cho phép khai thác khoảng 70 nghìn tấn. Nguồn lợi cá biển trong vùng không chỉ là mặt hàng thực phẩm nội địa quan trọng mà nhiều loài còn có giá trị xuất khẩu cao như: cá vược, cá bớp, cá dưa. Ngư dân của các làng nghề khai thác truyền thống như: Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), Hải Lý, Hải Chính, Thịnh Long (Hải Hậu), Giao Lâm (Giao Thuỷ) có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác cá ven bờ bằng: giã cá, giã tôm, vây, rê... Trước đây ngư dân sử dụng những chiếc tàu có công suất nhỏ dưới 20CV, trang thiết bị lạc hậu để khai thác gần bờ. Chủ trương hiện đại hoá phương tiện nhằm tăng hiệu quả khai thác hải sản trên biển của tỉnh trong những năm vừa qua đã tạo điều kiện cho nhiều ngư dân được vay vốn, đóng mới phương tiện, nâng công suất máy, hiện đại hoá phương tiện đánh bắt, chế biến hải sản, mở mang dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số chủ phương tiện khai thác hải sản bằng cách sử dụng ngư cụ huỷ diệt như xung điện, hoá chất, chất nổ, lưới có kích cỡ mắt nhỏ, đăng đó. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 1.739 tàu khai thác ven bờ (chiếm 74,1%) chuyên khai thác những giống loài thuỷ sản còn nhỏ với cường độ lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản chưa trưởng thành, làm sụt giảm nguồn giống tự nhiên. Việc chặt phá rừng ngập mặn, quây vùng nuôi thủy sản ở các bãi triều Giao Thuỷ và Nghĩa Hưng đã làm thay đổi môi trường sống, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn, mất nơi cư trú của một số loài, gây giảm số lượng cá thể loài, mất tính đa dạng sinh học…

Nguồn lợi thuỷ sản tại vùng nội đồng ở tỉnh ta cũng đang ở trong tình trạng bị suy giảm. Trên các tuyến sông Ninh Cơ, sông Đáy, sông Đào và sông Hồng xuất hiện rất nhiều đăng, đó khai thác thủy sản. Việc xây dựng ao, đầm nuôi thuỷ sản phát triển tự phát nên thường không bảo đảm kỹ thuật. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi còn sử dụng các loại thuốc thú y thuỷ sản và các chế phẩm sinh học tuỳ tiện, không theo hướng dẫn đã gây ra tình trạng dịch bệnh; nguồn nước bị nhiễm bệnh không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường cũng làm lây lan dịch bệnh cho động vật thủy sản tự nhiên ở nhiều vùng nuôi lân cận… đồng thời làm mất cân bằng sinh thái và sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

Thả con giống về môi trường tự nhiên góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.  Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý
Thả con giống về môi trường tự nhiên góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

II - Các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Để phát triển nghề khai thác hải sản có hiệu quả, an toàn và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2020. UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình như: Chương trình kinh tế biển giai đoạn 2006-2010, xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành Thuỷ sản Nam Định đến năm 2010, Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Thời gian qua, ngành NN-PTNT, đặc biệt là Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản cho cộng đồng ngư dân ven biển. Hàng năm, Chi cục phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện và UBND các xã, thị trấn ven biển, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật trong lĩnh vực thuỷ sản, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Trong giai đoạn 2006-2010, Chi cục đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho hơn 2.000 cán bộ các xã, thị trấn và ngư dân các huyện ven biển; in và phát 8.000 tài liệu tuyên truyền về các văn bản pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân về ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chi cục phối hợp với chính quyền các địa phương, các đồn Biên phòng tích cực rà soát, thống kê các tàu cá hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, các tàu cá đóng mới thuộc diện cấm phát triển và ra thông báo gửi các cơ quan chức năng. Nhờ đó, Chi cục đã quản lý chặt chẽ lực lượng tàu nghề cá, phân loại theo nghề, tuyến và vùng hoạt động; khuyến khích ngư dân đóng mới tàu công suất trên 90CV và khai thác tại các ngư trường xa bờ, vùng đánh cá chung, tạo điều kiện phát triển các tổ, đội khai thác, hội nghề nghiệp nghề cá nhằm giảm dần các tàu có công suất máy dưới 20CV hoạt động khai thác gần bờ. Trong năm 2011, bên cạnh việc cấp chứng chỉ chuyên môn, kỹ thuật cho thuyền trưởng, máy trưởng của khối tàu có công suất trên 90CV, Chi cục đã cấp phép khai thác cho trên 80% tổng số tàu thuyền khai thác thuỷ sản, đồng thời phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT; Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp dùng xung điện, thuốc nổ… trong đánh bắt hải sản. Nhờ đó, đến nay tỉnh ta đã điều chỉnh được việc khai thác thủy sản theo hướng giảm dần số lượng tàu khai thác thuỷ sản ven bờ, tăng dần số lượng tàu khai thác xa bờ; thành lập 37 tổ, đội để hỗ trợ, giúp nhau khi khai thác trên biển. Với các nghề khai thác thiếu lựa chọn, khai thác thủy sản còn non, Sở NN-PTNT phối hợp với chính quyền địa phương không cho phát triển; vận động ngư dân thay thế bằng nghề khác phù hợp. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quản lý thuỷ sản bền vững phù hợp với truyền thống, tập quán của ngư dân địa phương; đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng ngư dân trong hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của loài thuỷ sản. Xây dựng quy hoạch các khu bảo tồn biển, bảo tồn thuỷ sản nội địa, các bãi sinh sản tự nhiên và các loài có nguy cơ tuyệt chủng, các vùng cấm và hạn chế khai thác thuỷ sản, thúc đẩy phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững. Để tái tạo và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam, ngành NN-PTNT phối hợp với các trại giống thuỷ sản trong tỉnh tổ chức thả hàng triệu con giống thuỷ sản; phát phao cứu sinh cho các tàu khai thác xa bờ, phát tờ rơi tuyên truyền về những quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức ký cam kết với các chủ tàu về việc không sử dụng mìn, kích điện khai thác làm huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com