Trên địa bàn tỉnh ta, nước ngọt được phân bổ trên 4 con sông chính là sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ và sông Đào, với tổng chiều dài 230km và các con sông nhỏ như sông Châu, sông Sắt, sông Sò cùng hàng trăm dòng sông, kênh lớn nhỏ chằng chịt trên những cánh đồng và khu dân cư. Ngoài ra, còn có 3 tầng nước ngầm dưới đất với lưu lượng trên 100 nghìn m3/ngày. Tuy vậy, nguy cơ thiếu nước ngọt vẫn đang rình rập. Do mực nước trên các con sông xuống thấp dưới mực nước biển nên tình trạng nước mặn xâm thực, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp đang diễn ra. Nhu cầu sử dụng nước sạch trong đời sống của nhân dân cũng trở nên cấp bách. Sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá cùng với quá trình đô thị hoá đang đe doạ nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt.
Học sinh Trường THCS xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) tiếp cận kiến thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước. |
Có nhiều nguyên nhân gây ra nguy cơ gia tăng mức độ thiếu nước, nhưng chủ yếu xuất phát từ các hành vi khai thác, sử dụng chưa hiệu quả, không đúng cách của người dân như: Một số Cty cấp nước trước kia còn để tình trạng rò rỉ thất thoát nước trong quá trình cung cấp nước ở mức độ cao. Tình trạng nhân dân vứt rác bừa bãi khắp các sông ngòi, mương máng và sử dụng không đúng cách, đúng mức độ các loại thuốc trừ sâu, phân bón trong sản xuất để lại nhiều tồn dư hoá chất; nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, các làng nghề, các cơ sở chế biến thực phẩm tươi sống xả thải trực tiếp ra kênh ngòi và hàng trăm nghìn hộ dân còn sử dụng những hố vệ sinh không đạt tiêu chuẩn. Theo kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc - phân tích tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), hàng ngày tại các khu đô thị, CCN, làng nghề, khu dân cư đã thải ra môi trường hàng vạn m3 nước thải chưa qua xử lý. Trong đó có 90% doanh nghiệp xả nước thải có chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép ra môi trường; 73% doanh nghiệp xả trực tiếp nước thải xuống hệ thống sông ngòi, kênh mương, ao hồ hoặc thẩm thấu xuống lòng đất làm ô nhiễm nước mặt và tầng nước ngầm; 60% công trình xử lý nước thải vận hành hoạt động không đạt yêu cầu; nước thải sinh hoạt thành phố, đô thị cũng xả trực tiếp vào sông ngòi, dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ… Vì vậy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng tăng cao cả về mức độ và quy mô. Tại 125 xã, phường, thị trấn đã được quan trắc trong hai năm (2007, 2008) thì có tới 16% số giếng khoan được lấy mẫu nước phân tích vượt tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng Arsenic. Ngoài ra, việc hàng ngàn giếng khoan đã ngừng sử dụng của các hộ dân không được trám lấp theo đúng quy cách cũng gây ô nhiễm tầng nước ngầm. Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn gây mất mát nguồn tài nguyên nước còn do lũ lụt và hạn hán... Việc khai thác sử dụng không hiệu quả chưa đúng cách nguồn tài nguyên nước không chỉ gây tăng nguy cơ thiếu nước mà còn là nguyên nhân phát sinh nhiều dịch bệnh. Qua đánh giá của ngành Y tế cho thấy: 80% bệnh phát sinh trên con người như: đường ruột, đau mắt hột, bệnh ngoài da… xuất phát từ việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Trước yêu cầu cấp bách phải bảo vệ nguồn tài nguyên nước, trong những năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo nước sạch và vệ sinh môi trường. Sở TN-MT - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, LĐLĐ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu được vai trò, thực trạng của nguồn tài nguyên nước và vệ sinh môi trường đối với sức khoẻ, đời sống sinh hoạt, sản xuất của con người. Tổ chức các phong trào bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường rộng khắp trong nhân dân như: Phong trào xanh, sạch, đẹp, xây dựng tuyến phố, thôn xóm văn hoá, xã hội hoá công tác thu gom rác thải… Từ tháng 11-2009, Bộ TN-MT và Cơ quan hợp tác kỹ thuật Vương quốc Bỉ còn tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh ta thực hiện dự án “Nâng cao năng lực đánh giá quản lý tài nguyên nước”. Trong năm 2010, dự án đã thu thập thông tin dữ liệu về tài nguyên nước tại 15 đơn vị trong tỉnh và đã tiến hành phân tích, đánh giá, xây dựng báo cáo sơ bộ hiện trạng tài nguyên nước của tỉnh. Năm 2011, dự án tiếp tục thu thập, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ dữ liệu thông tin tài nguyên nước trên phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông và đào tạo nâng cao nhận thức về thay đổi hành vi bảo vệ nguồn tài nguyên nước của các nhóm đối tượng, cộng đồng dân cư thông qua các cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày nước thế giới, mở thư mục thông tin về dự án trên website của Sở TN-MT… Nhiều mô hình truyền thông, đào tạo đã đạt hiệu quả cao như mô hình “Đoạn sông tự quản” tại phường Cửa Nam (TP Nam Định). Sau gần một năm triển khai, với sự hỗ trợ một phần kinh phí của dự án cùng sự tích cực vào cuộc của chính quyền và nhân dân địa phương trên tuyến sông Đào dài 2,2km chảy qua địa bàn phường Cửa Nam đã thường xuyên được làm sạch, không còn tình trạng xả rác thải sinh hoạt xuống sông. Mô hình được đánh giá đạt kết quả cao và được tiếp tục nhân ra diện rộng trên toàn tuyến sông Đào chảy qua địa bàn thành phố… Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã vận động nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác trong vụ xuân, chuyển từ cấy lúa sang gieo sạ, góp phần tiết kiệm nguồn nước ngọt trong sản xuất. Ngành NN-PTNT còn chủ động xây dựng kiên cố hoá hệ thống thuỷ lợi. Riêng năm 2010, toàn tỉnh đã triển khai 15 dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp công trình đê điều, thủy lợi góp phần hạn chế tình trạng thẩm thấu, lãng phí nguồn nước. Cty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Nam Định đã nỗ lực đổi mới phương thức quản lý, nâng cấp hệ thống sản xuất để nâng cao năng lực, hiệu quả cấp nước cho nhân dân khu vực đô thị.
Thời gian tới, để bảo vệ hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên nước, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cung cấp nước cần phải có sự tích cực, chủ động vào cuộc của tất cả người dân trong cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước, coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm công dân không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ con cháu mai sau./.