Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát triển thiếu quy hoạch và tự phát
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển với tốc độ khá cao và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn đạt mức cao, bình quân 5 năm tăng 4,85%. Năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng. Sự phát triển ổn định trong ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư, phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, phát triển các cụm nông nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp… đã có tác động tích cực đến phát triển sản xuất, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, một thực tế khó khăn trong phát triển khu vực rộng lớn này là tình trạng nông thôn phát triển thiếu quy hoạch và tự phát. Tới nay chỉ có khoảng 23% có quy hoạch dân cư nông thôn nhưng chất lượng quy hoạch thấp; các quy hoạch khác như quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ các cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được chú ý. Môi trường nhiều vùng nông thôn ngày càng bị ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, chăn nuôi và nông dược. Các vùng ven đô thị, khu công nghiệp, làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó chỉ có 51% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; 74,7% số hộ có nhà tắm; 38% số hộ có khu chăn nuôi hợp vệ sinh; 12,2% xã có công trình thoát nước; 28,4% xã có tổ chức thu gom rác thải. Nước sạch là lĩnh vực được đầu tư mạnh nhất trong những năm qua nhưng đến nay mới có 70% dân cư sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh ở nông thôn đều không đạt tiêu chuẩn về môi trường.
Chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn còn chậm. Tỷ lệ lao động nông, lâm, ngư nghiệp còn cao. Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn đổi mới chậm, kinh tế hộ đóng vai trò chủ yếu, hầu hết các xã có HTX hoặc tổ hợp tác nhưng hoạt động hình thức. Chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nhiều lĩnh vực nông nghiệp; mới có khoảng 16% đầu tư mới hàng năm của doanh nghiệp trong nước và gần 5% FDI đầu tư vào khu vực này. Có một thực tế đáng quan tâm là nông dân bị mất đất canh tác đang rơi vào cảnh nghèo khổ hơn. Hệ quả là, có một làn sóng thanh niên lao động trẻ phải rời bỏ quê hương, ra thành phố kiếm sống, hình thành các chợ lao động tự do, không được quản lý làm tăng thêm những vấn đề xã hội bức xúc ở nhiều đô thị.
Tham quan mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa lai F1 tại HTXNN Trực Nội (Trực Ninh).
Ảnh:
Hương Tú
|
Chênh lệch lớn về phát triển giữa các vùng
Mặc dù đã có sự quan tâm phát triển các vùng khó khăn, nhưng do điều kiện và khả năng phát triển của các vùng tương đối khác nhau, nên trình độ phát triển, cơ sở hạ tầng và mức sống giữa các vùng còn có sự khác biệt khá lớn, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng có xu hướng bị mở rộng.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các vùng kinh tế trên thực tế không có cơ quan quản lý thống nhất nên các quy hoạch vùng chỉ có tính chất ước lệ, không mang tính chỉ đạo. Hơn thế, trong một địa phương vẫn xem xét việc phân bổ ngân sách theo từng năm riêng lẻ mà chưa chú ý đến kế hoạch chỉ tiêu chung hạn trong khi các bản chất dự án đều kéo dài 3-5 năm hay lâu hơn. Do đó, tình trạng xây dựng dàn trải và kéo dài làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của chính sách phát triển bền vững. Tỷ lệ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có sự mất cân đối giữa các vùng lãnh thổ: các tỉnh phía Bắc chiếm 27% tổng vốn FDI đăng ký cả nước, các tỉnh phía Nam chiếm 54% và các tỉnh miền Trung khoảng 6%.
Việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng đều, nhất là các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long. Gần 20% số xã ở Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Hệ thống giao thông liên thôn chủ yếu mới được nâng cấp ở các vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải Nam Trung Bộ. Chất lượng giao thông liên thôn ở các vùng khác, đặc biệt là Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên còn hạn chế. Ở những vùng này số xã có đường liên thôn được nhựa, bê tông hóa 50% chiếm dưới 20%. Hạ tầng bưu chính viễn thông ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Diện phủ sóng điện thoại di động và internet tại các vùng nông thôn, vùng núi cao, hải đảo còn thấp.
Tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo ở vùng sâu, vùng xa còn cao, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, gấp ba bốn lần bình quân cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Nam Bộ là 9,8 lần. Điều đó cũng có nghĩa là, vấn đề phát triển cân bằng giữa các vùng, miền; thực hiện công bằng xã hội và giảm nghèo vẫn đặt ra gay gắt cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn./.
Theo: tainguyenmoitruong.com.vn