Phát huy hiệu quả hoạt động của HTX phi nông nghiệp trong phát triển kinh tế

09:04, 08/04/2011

Trong những năm qua, hệ thống các HTX phi nông nghiệp đã có đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ xã viên phát triển kinh tế. Hiện toàn tỉnh có 163 HTX thuộc các loại hình HTX: CN-TTCN, dịch vụ và thương mại, xây dựng, dệt may… Các HTX tiếp tục đổi mới và có những “khởi sắc” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các HTX trong lĩnh vực dệt may, cơ khí. Đến nay, toàn tỉnh có 46 HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN, thương mại, xây dựng; 41 Quỹ TDND, còn lại là các HTX dệt may, chế biến gỗ và cơ khí.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX đã tạo điều kiện khôi phục và thúc đẩy các làng nghề phát triển, nhất là các nghề dệt may, mộc, hàng thủ công mỹ nghệ. Một số HTX hoạt động khá hiệu quả đã huy động nguồn vốn từ xã viên và các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, sự ra đời của các HTX đã thực sự thúc đẩy mô hình kinh tế hộ phát triển, tạo sự liên kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất - làm dịch vụ hỗ trợ - tiêu thụ sản phẩm. Việc ra đời, thành lập nhiều mô hình kinh tế HTX đã tạo điều kiện tập trung, chuyên môn hoá sâu các ngành nghề trong làng nghề truyền thống, nâng cao giá trị sản xuất hàng hoá, đồng thời cũng tạo ra thu nhập bình quân đầu người ở các HTX. Bên cạnh đó, các HTX đã liên kết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư, nguyên liệu sản xuất, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung, chuyên môn hoá cao. HTX cổ phần vận tải sông biển Sông Ninh, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh), được thành lập năm 1996 với sự tự nguyện tham gia của 83 xã viên, có địa điểm gần làng nghề vận tải truyền thống. Để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống xã viên, ban quản trị HTX đã đầu tư vào phát triển xưởng đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải sông, biển có tải trọng từ 1.000 - 3.000 tấn. Bên cạnh đó, HTX đã xây dựng được thương hiệu của sản phẩm trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ; ổn định và duy trì lực lượng vận tải và các ngành nghề hiện có và giao cho các cá nhân phụ trách. Với bộ máy quản lý gọn nhẹ, đủ năng lực tổ chức, điều hành công việc nên doanh thu của HTX liên tục tăng từ 4 tỷ đồng (năm 2006) lên trên 25 tỷ đồng (năm 2010) đảm bảo mức lương bình quân 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. 

HTX Dệt may Thịnh Hưng, xã Phương Định (Trực Ninh) tạo việc làm cho 150 lao động với mức thu nhập 1,2-1,7 triệu đồng/người/tháng.  Bài và ảnh: hoàng tuấn
HTX Dệt may Thịnh Hưng, xã Phương Định (Trực Ninh) tạo việc làm cho 150 lao động với mức thu nhập 1,2-1,7 triệu đồng/người/tháng.

 Gắn kết với các làng nghề truyền thống, một số HTX ngành dệt may đã tham gia sản xuất và gia công hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài tỉnh. Điển hình như HTX dệt may Thịnh Hưng, HTX dệt Bình Định, HTX dệt Hoàng Mai, HTX dệt may Hoàng Anh…  HTX dệt may Thịnh Hưng, xã Phương Định (Trực Ninh) được thành lập và hoạt động từ tháng 10-2003 với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là sản xuất, gia công hàng dệt may xuất khẩu. Nằm ở trung tâm làng dệt Cự Trữ, HTX đã hợp tác mở rộng kinh doanh, liên kết với nhiều bạn hàng, đồng thời đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đời sống người lao động được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 1,2-1,7 triệu đồng/người/tháng. Kết quả sản xuất kinh doanh của HTX tăng dần theo từng năm. Năm 2007, tổng doanh thu của HTX đạt 1 tỷ 347 triệu đồng, đến hết năm 2010, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HTX tranh thủ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn tín dụng khác của Nhà nước, kết hợp với nguồn vốn huy động từ xã viên để có điều kiện mở rộng đầu tư, với những bước đi cụ thể, hiệu quả; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, xã viên của HTX.

Góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương là các HTX thuộc ngành vận tải đường bộ. Trong số 39 HTX giao thông vận tải, có 1 HTX tổ chức hoạt động tín dụng nội bộ. Các HTX vận tải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phương tiện. Toàn tỉnh có 6 HTX vận tải hành khách với số đầu phương tiện trên 260 xe (chiếm 34,4% tổng số đầu phương tiện vận tải khách trong tỉnh). Năm 2010, khối lượng vận tải khách đạt 41,6% tổng lưu lượng vận tải khách của tỉnh. HTX vận tải Quỹ Nhất đã đầu tư nâng cấp bến xe và được Sở Giao thông - Vận tải cấp phép, đưa bến xe vào khai thác và sử dụng từ cuối tháng 12-2010 theo bến cố định. Các HTX vận tải hỗ trợ xã viên bằng các dịch vụ đăng ký phương tiện mang tên HTX sau đó giao lại cho xã viên, bảo lãnh vay vốn bằng cách thế chấp chính phương tiện đó. HTX đứng tên vay tín dụng thuê mua làm dịch vụ đăng kiểm, bảo hiểm, mở luồng tuyến, bến bãi, cung ứng nhiên liệu, sửa chữa thay thế phụ tùng, đào tạo lái xe, phụ xe… với chi phí cạnh tranh. Loại hình HTX vận tải đã đáp ứng nhu cầu vận tải đa phương tiện, đa dạng, bảo đảm an toàn giao thông; chuyển một số cá nhân kinh doanh tự do vào HTX. Các HTX vận tải đang tiếp tục phát huy mạnh vai trò, vị thế của thành phần kinh tế tập thể trong ngành GT-VT.

Nhìn nhận dưới góc độ hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX cho thấy, chất lượng hoạt động của các HTX phi nông nghiệp được nâng lên rõ rệt, số HTX sản xuất kinh doanh có lãi ngày càng tăng và thu hút được đông đảo các thành phần kinh tế tham gia. Mức tham gia góp vốn của các xã viên đã được nâng cao, đạt bình quân 15-20 triệu đồng/cổ đông, nhiều HTX đã có số vốn lên tới 500-700 triệu đồng, cá biệt có những HTX đã có số vốn góp lên tới hàng tỷ đồng. Mặc dù chỉ chiếm từ 30-40% tổng số các mô hình HTX, nhưng HTX phi nông nghiệp đã góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, cơ cấu quản lý tài chính của các HTX phi nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý để tạo điều kiện cho các HTX phi nông nghiệp phát triển. Do thiếu chiến lược phát triển “dài hơi”, thiếu các chính sách hỗ trợ, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường, giáo dục pháp luật nên dẫn đến hiện tượng ở một số nơi các HTX phi nông nghiệp phát triển tự phát, không tạo được sức mạnh chung, đồng thời kìm hãm lẫn nhau, làm giảm khả năng cạnh tranh, liên doanh, hợp tác, mở rộng thị trường. Mặt khác, cơ chế thương mại, tài chính, tín dụng, chính sách thuế và hoạt động hỗ trợ cho các HTX phi nông nghiệp còn thiếu và yếu, khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn của các HTX phi nông nghiệp còn nhiều khó khăn do thủ tục về thế chấp vay vốn ngân hàng…

Từ thực tế trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các HTX phi nông nghiệp, trong thời gian tới cần chú ý tới các giải pháp quản lý nguồn vốn và tài sản; quản lý doanh thu, chi phí; quản lý và phân phối lợi nhuận; chế độ kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com