Với 72km bờ biển, thuộc 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, toàn tỉnh hiện có 2.355 tàu đánh bắt hải sản với tổng công suất gần 90 nghìn CV. Năm 2010, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt gần 40 nghìn tấn, trong đó chưa kể sản lượng đánh bắt sứa và moi theo thời vụ. Hàng năm, hoạt động khai thác thủy sản đã thu hút gần 12 nghìn lao động, trong đó có 5.730 lao động trực tiếp trên biển, còn lại là lao động làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 400 tàu cá có khả năng khai thác tuyến khơi với độ sâu trên 35m tại ngư trường Bạch Long Vĩ, ngư trường hòn Mê, hòn Mắt và vùng biển miền Trung, một số tàu đã di chuyển vào khai thác ở các ngư trường xa thuộc các tỉnh Nha Trang, Vũng Tàu…
Đội khai thác thủy sản xã Hải Lý (Hải Hậu) chuẩn bị ra khơi. |
Để tăng cường quản lý, khai thác và nâng cao tính cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã phối hợp với các địa phương có tàu tham gia khai thác hải sản hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập các tổ, đội khai thác để quản lý tàu cá, liên kết làm dịch vụ hậu cần và kịp thời hỗ trợ nhau trên biển khi xảy ra tai nạn, sự cố. Toàn tỉnh hiện có 37 tổ, đội khai thác với tổng số 1.091 tàu tham gia, trong đó huyện Giao Thủy có 25 tổ, đội; huyện Hải Hậu có 10 tổ, đội và huyện Nghĩa Hưng có 2 tổ, đội. Các tổ, đội thành lập theo mô hình tổ tự quản, cứ 4-5 tàu nhóm lại thành một tổ, đội với tiêu chí nâng cao vai trò quản lý cộng đồng trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời giúp nhau trong quá trình khai thác trên biển, tìm kiếm ngư trường và hạn chế thấp nhất những rủi ro khi có thiên tai, bão lũ. Kinh phí hoạt động của tổ, đội do các thành viên đóng góp. Các tổ, đội tàu thuyền khai thác thường nhóm họp ngay sau mỗi chuyến ra khơi để rút kinh nghiệm từ khâu đánh bắt đến khâu tiêu thụ, tránh sự chồng chéo trong việc tìm kiếm ngư trường và tiêu thụ sản phẩm. Trong mỗi chuyến khai thác, nếu như có tàu nào phát hiện luồng cá hoặc gặp sự cố rủi ro trên biển thì liên lạc với các tàu trong tổ đến cùng nhau đánh bắt và hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, đồng thời thực hiện thu gom sản lượng đánh bắt được cho 1 tàu vận chuyển vào bờ tiêu thụ và mang nhiên liệu ra tiếp tế cho các tàu. Cách làm này đã giúp giảm chi phí và bảo đảm chất lượng cá, chủ động cung cấp nguyên nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, tăng thời gian bám biển, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng. Năm 2010, hầu hết các tàu cá có lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng; một số tàu do tổ chức sản xuất chặt chẽ, khoa học đã có lãi 30-40 triệu đồng/tháng. Hiện tượng bị tàu lạ uy hiếp và mất cắp ngư lưới cụ đã giảm hẳn. Ngay trong chuyến ra quân đánh bắt cá năm 2011, Hiệp hội tàu cá xã Hải Lý đã hỗ trợ cứu được một tàu mắc cạn, hiệp hội tàu cá xã Hải Chính cứu được 4 ngư dân khi tàu bị chìm… Anh Phạm Văn Chiến, đội trưởng đội tàu xã Hải Lý cho biết: Đội có 20 tàu với công suất từ 220-420CV, hoạt động từ vùng biển Quảng Ninh đến Khánh Hòa… khai thác chủ yếu là cá thu, cá bẹ, cá đù… nên hiệu quả kinh tế cao. Mô hình tổ, đội khai thác thuỷ hải sản bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho ngư dân, tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển hình thức quản lý khai thác mới, sẵn sàng giúp nhau trong quá trình chuẩn bị, đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ thông tin, áp dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với điều kiện sản xuất; đồng thời góp phần triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai...
Để nhân rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mô hình tổ, đội khai thác hải sản, cần có sự hỗ trợ của tỉnh, Sở NN-PTNT, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong việc định hướng hoạt động; gắn khai thác với xây dựng mô hình tổ an ninh trên biển; đồng thời tạo điều kiện tập huấn công tác ứng cứu cho ngư dân khi có sự cố xảy ra trên biển; áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, hỗ trợ kinh phí đóng mới tàu thuyền, cải tiến ngư cụ… từ các nguồn quỹ khuyến công, khuyến ngư, quỹ tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương