Không chỉ đẩy mạnh thâm canh nâng cao năng suất trên diện tích 380ha đất nông nghiệp mà mấy năm gần đây xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) còn tập trung phát triển chăn nuôi tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Với lợi thế là xã ven sông nên Nghĩa Bình chuyển đổi 11ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản. Để giúp nông dân có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn cá giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ... HTX đã phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến ngư của huyện mở các lớp tập huấn cho các gia đình tham gia chuyển đổi. Nhờ đó, bà con đã chọn được các giống cá phù hợp với địa phương, đó là cá lóc bông, cá diêu hồng và cá vược. Đây là những giống cá dễ nuôi, ít bệnh tật và nhu cầu tiêu thụ cao. Hiện, toàn xã có 45 hộ gia đình nuôi cá lóc bông, nhiều gia đình có diện tích nuôi lớn như gia đình anh Trần Mạnh Thiêm có 2ha, mỗi năm gia đình anh nuôi được khoảng 20 tấn cá lóc bông thương phẩm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Để có được năng suất cao, ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật, khâu chọn cá giống cũng rất quan trọng. Vì thế gia đình anh chọn mua giống cá lóc bông từ các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, mua thức ăn cho cá ở huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu... Cũng nhờ phát triển nghề nuôi cá lóc bông gia đình các anh Trần Văn Lại, Trần Văn Phúc đã thoát nghèo và vươn lên giàu có. Để bảo đảm cho nghề nuôi thuỷ sản phát triển bền vững, vừa qua xã Nghĩa Bình đã lập đề án quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản, với tổng diện tích là 90ha. Nếu dự án này được phê duyệt thì trong tương lai gần Nghĩa Bình sẽ có vùng nuôi thuỷ sản tập trung lớn.
Bên cạnh việc phát triển vùng nuôi thuỷ sản tập trung, xã Nghĩa Bình còn khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện nay, toàn xã có gần 60 hộ phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại, trong đó có 20 hộ nuôi nhím, các hộ còn lại nuôi gia súc và gia cầm. Nghề nuôi nhím được đưa về xã từ năm 2006, người đầu tiên nuôi nhím là anh Bùi Văn Tiến. Thời kỳ đầu, anh Tiến lên Ba Vì (Hà Nội) để tìm hiểu, học hỏi nghề nuôi nhím và mua 2 đôi nhím giống với giá 25 triệu đồng. Anh Tiến cho biết, nuôi nhím không khó vì chúng rất phàm ăn, thức ăn chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp như ngô, khoai, sắn... trong quá trình nuôi nhím ít bị bệnh. Hiện nay, mỗi đôi nhím có giá bán 17 triệu đồng. Từ 2 đôi nhím giống ban đầu đến nay, anh Tiến đã nhân được 70 đôi nhím giống. Mỗi năm, gia đình anh Tiến thu nhập từ việc bán nhím giống đạt khoảng 600 triệu đồng. Cùng với đó, nghề chăn nuôi lợn, gà cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân nơi đây. Gia đình anh Vũ Thành Luân thường xuyên nuôi 140 con lợn, mỗi năm mang lại cho gia đình khoảng 100 triệu đồng... Là xã thuần nông, Nghĩa Bình đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập và từng bước giúp nông dân vươn lên làm giàu ngay chính trên đồng đất quê hương./.