Nghề làm hoa nhựa ở Báo Đáp

07:04, 01/04/2011
Làm hoa nhựa tại gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, xóm 8, xã Hồng Quang (Nam Trực).  Bài và ảnh: Tô Thị Thu, Nguyễn Thị Thuý   (Trường CĐ PT-TH I)
Làm hoa nhựa tại gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, xóm 8, xã Hồng Quang (Nam Trực).

Nghề làm hoa nhựa ở Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) đã có từ lâu. Chúng tôi về làng Báo Đáp vào những ngày này thấy dọc hai bên đường phơi rất nhiều tre, nứa được chẻ nhỏ, sắp bằng nhau để phơi khô, tránh mối mọt chuẩn bị nguyên liệu làm hoa cho cả năm. Tìm hiểu tại cơ sở của gia đình anh Hoàng Văn Thiệu và chị Nguyễn Thị Xuân (xóm 8), chúng tôi được biết, vợ chồng anh Thiệu, chị Xuân đã làm nghề sản xuất hoa nhựa được 15 năm. Trước đây, khi xưởng sản xuất của gia đình mới đi vào sản xuất chỉ có ít lao động, nhưng những năm gần đây do quy mô sản xuất ngày càng phát triển, gia đình anh chị đã thuê thêm lao động làm việc tại xưởng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, gia đình anh chị thu nhập khoảng 100-150 triệu đồng. Xưởng sản xuất hoa nhựa của gia đình anh chị ngày càng phát triển.

Gia đình ông Nguyễn Chu (xóm 4) là cơ sở sản xuất hoa nhựa lâu năm và thu hút khá nhiều lao động. Những năm gần đây, đơn đặt hàng ngày càng nhiều, gia đình ông mở rộng sản xuất, mua thêm máy móc, trang thiết bị cải tạo hệ thống máy cũ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Với quy mô rộng gần 80m2, xưởng sản xuất của gia đình ông đã tạo việc làm cho 20 lao động trong tỉnh và ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An… Thu nhập của người lao động được gia đình ông trả theo trình độ tay nghề. Với những thợ lâu năm được trả trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng, đối với những lao động mới vào nghề được trả trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, làng Báo Đáp có gần 200 hộ phát triển nghề sản xuất hoa nhựa, trong đó có khoảng 50 hộ phát triển với quy mô lớn, nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất nhỏ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, các loại hoa nhựa do Trung Quốc sản xuất khá nhiều, có mẫu mã và màu sắc hấp dẫn, giá rẻ hơn đã khiến cho người làm hoa nhựa ở làng nghề gặp không ít khó khăn. Trước đây, làng nghề Báo Đáp làm hoa bằng chất liệu giấy và lông gà nay không còn phù hợp với thị hiếu của khách hàng… Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở sản xuất hoa đã chuyển sang sử dụng chất liệu lụa, xốp, tơ tằm thay thế các nguyên liệu truyền thống. Đồng thời, sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng mới, tạo tính tự nhiên và phấn đấu hạ giá thành sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm hoa nhựa của làng nghề Báo Đáp đã được thị trường chấp nhận, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Hiện nay, nghề làm hoa nhựa được làm quanh năm, sản phẩm hoa nhựa Báo Đáp đã được sử dụng rộng rãi trong các hội nghị, lễ khai trương… không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh. Qua bàn tay tài hoa của những người thợ, sản phẩm hoa ở Báo Đáp đã ngày càng được hoàn thiện như những bông hoa thật, góp phần làm đẹp cho đời, đồng thời giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, tạo thêm thu nhập cho người dân./.

Bài và ảnh: Tô Thị Thu, Nguyễn Thị Thuý
(Trường CĐ PT-TH I)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com