Nghề đan mành tre làng Đỗ Xá

08:04, 08/04/2011

Làng Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực) từ lâu đã có nghề đan mành tre nổi tiếng khắp vùng với sản phẩm truyền thống là mành mành, giát giường, mành nuôi tằm và các dụng cụ đánh bắt cá như riu, lờ, đăng, đó...

Nghề đan mành tre của làng Đỗ Xá do cụ tổ Đỗ Đình Kênh người Bắc Ninh về truyền dạy cho dân làng từ khoảng đầu thế kỷ 17. Sản phẩm làng nghề có nhiều loại, nhưng chỉ riêng mành tre đã có tới 10 dòng sản phẩm như mành sấp ngửa, mành một mặt, mành hai mặt, mành nan to, nan nhỏ, nan vuông, nan tròn... Ngoài mành tre thông dụng dùng để treo cửa ra vào, còn có mành che chạn bát; mành nan to dùng làm giát giường...  Cao cấp nhất là mành nan nhỏ có sơn vẽ họa tiết theo tích cổ buông rủ nơi cửa đình, cửa chùa và bàn thờ gia tiên. Đặc điểm của mành tre làng Đỗ Xá là vừa nhẹ, vừa thoáng, nan nứa sóng đều, bóng lọng được chuốt kỹ, ken dầy, dẻo mà vẫn cứng cáp; chỗ tiếp xúc giữa đường móc và nan mành thẳng hàng với nhau, chắc chắn, khó xê dịch... Những yếu tố đó làm nên chiếc mành tốt, dùng đến mươi lăm năm vẫn không hỏng. Vậy nên, mành tre Đỗ Xá được ưa chuộng, có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Vót nan làm mành ở gia đình ông Vũ Ngọc Tỵ, xóm 6, thôn Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực).
Vót nan làm mành ở gia đình ông Vũ Ngọc Tỵ, xóm 6, thôn Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực).

 Trước đây, cả làng Đỗ Xá có gần 1.000 hộ dân ở 13 xóm, đều làm nghề, mỗi nhà có đến vài ba khung dệt. Thanh niên trong làng ngoài thời gian lên các vùng rừng thuộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái... chọn nứa làm mành, lại rong ruổi mang mành đi tiêu thụ ở khắp nơi. Người già, phụ nữ và trẻ em ở nhà vừa vót nứa, chẻ nan đan mành, vừa lo ruộng vườn nhà cửa và chăm lo việc học hành. Thu nhập từ nghề đan mành tre không cao nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống, xây nếp nhà, trái bếp, dựng vợ, gả chồng cho con cái và chăm lo việc làng, việc xã. Trên đất làng Đỗ Xá còn có phiên chợ mành chỉ họp trao đổi hàng hóa bán buôn vào lúc canh năm đến khi trời vừa tỏ là tan chợ để lái buôn kịp mang hàng đi các nơi khác tiêu thụ. Tuy nhiên, khi sản xuất công nghiệp phát triển, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm mành rèm làm từ nhựa và vải bố; dụng cụ đánh bắt cá thủ công cũng ít người dùng nên sản phẩm làng nghề bị sa sút. Nhưng việc duy trì nghề truyền thống vẫn là mong ước chung của tất cả người dân trong làng. Vậy nên, lớp người cao niên đứng ra làm trụ cột lo giữ nghề, truyền nghề cho lớp trẻ và tìm hướng đi mới cho sản phẩm làng nghề bằng cách đa dạng hóa sản phẩm. Vào thời điểm khó khăn nhất, người làng Đỗ Xá còn làm nan hương, thúng cạp dùng vận chuyển vật liệu xây dựng và loại mành nan to, khổ lớn dùng để che nắng ban công nhà cao tầng… Cũng từ đó, sản phẩm mành che nắng ban công của làng nghề Đỗ Xá lại chiếm được ưu thế trên thị trường và thu hút khách hàng ở các tỉnh lân cận đến đặt mua. Cụ Vũ Ngọc Tỵ, người làng Đỗ Xá cho biết: “Ngoài làm mành tre, giát giường, hiện tại, gia đình tôi đang làm hợp đồng khoảng 500m2 mành che nắng ban công cho khách hàng ở Quảng Ninh. Sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy”.

Những năm gần đây, xu hướng bài trí nhà cửa theo nếp xưa đang dần được khôi phục. Nhiều khách hàng là thủ từ, thủ đền, các doanh nghiệp và nhiều nhà dân ở một số tỉnh phía Bắc đã tìm đến làng nghề Đỗ Xá đặt mua sản phẩm mành tre truyền thống. Các máng dệt mành được dựng lên ngày một nhiều, đến nay, đã có gần 100 hộ dân trong làng làm nghề, nhiều nhà có tới hai, ba máng dệt như gia đình của các ông Đỗ Duy Năng, Đỗ Duy Long, Nguyễn Văn Hy, Vũ Thường Bóng, Vũ Thường Tỵ ở xóm 6, anh Đỗ Đình Đoàn ở xóm 11… Nghề đan mành tre đang từng bước được khôi phục trở lại, đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động và một lượng lao động khác làm các dịch vụ phụ trợ như cung cấp nguyên liệu tre nứa, dây móc, dây dù, cước sợi, đồng thời thu mua mành tre đem đi tiêu thụ. Mỗi ngày, ngoài việc lo cơm nước, ruộng vườn, người làm nghề cũng có thu nhập 20-30 nghìn đồng từ việc đan mành. 

Đa dạng hoá sản phẩm và xu thế người tiêu dùng quay trở lại sử dụng những sản phẩm thủ công truyền thống là cơ hội để nghề đan mành tre làng Đỗ Xá có bước phát triển mới./.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com