Ngân hàng Nam Định tiếp tục đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

10:04, 18/04/2011

Cách đây 60 năm, ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Ngân hàng Nam Định được thành lập tháng 7-1951. Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Ngân hàng Nam Định cùng hệ thống ngân hàng trong cả nước luôn gắn liền với từng giai đoạn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vượt mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế. 

Giao dịch tại Ngân hàng Công thương TP Nam Định. Ảnh: hữu quyết
Giao dịch tại Ngân hàng Công thương TP Nam Định.
Ảnh: Hữu Quyết

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiệm vụ chủ yếu của Ngân hàng Nam Định là phát hành giấy bạc ngân hàng, thu hồi giấy bạc tài chính. Việc phát hành giấy bạc ngân hàng được thực hiện qua việc cấp kinh phí cho các cơ quan, đơn vị bộ đội, các doanh nghiệp của Nhà nước và qua các đơn vị mậu dịch quốc doanh. Ngân hàng Nam Định còn thực hiện nhiệm vụ quản lý Kho bạc Nhà nước với vai trò là thủ quỹ và kế toán tài khoản kho bạc, giám sát các khoản thu, chi theo nguyên tắc, góp phần tăng thu, tiết kiệm các khoản chi. Ngân hàng Nam Định cùng với ngành Tài chính thực hiện tốt chủ trương chính sách kinh tế, tài chính của Đảng và Nhà nước. Ban đầu, Ngân hàng Nam Định chủ yếu tập trung cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn, từ năm 1952 chuyển hướng cho vay thương nghiệp và vận tải, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hoá và kích thích sản xuất phát triển. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động của ngành Ngân hàng phục vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, mở đầu thời kỳ quá độ lên CNXH, xây dựng miền Bắc là hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Ngân hàng Nam Định luôn hướng trọng tâm hoạt động tiền tệ tín dụng vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị của Đảng và Nhà nước. Hoạt động tín dụng ngân hàng đã thâm nhập rộng rãi vào các tổ chức kinh tế XHCN, phục vụ phát triển kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Cán bộ Ngân hàng Nam Định không những hoàn thành nhiệm vụ ở hậu phương mà còn tình nguyện vào miền Nam vừa chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ ngân tín. Đất nước thống nhất, Ngân hàng Nam Định thực hiện tốt việc huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư, cải tiến và mở rộng tín dụng phục vụ các thành phần kinh tế quốc doanh và HTX.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Ngân hàng Nam Định được tổ chức và hoạt động theo 2 Pháp lệnh Ngân hàng (năm 1990) tiếp đó là 2 Luật Ngân hàng (1997). Ngân hàng Nam Định đã thực hiện chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp, tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng. Việc quản lý quỹ và ngân sách được chuyển sang Kho bạc Nhà nước. Đến cuối năm 2000 tại Nam Định có 3 ngân hàng thương mại Nhà nước chi nhánh cấp tỉnh, 29 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và quỹ tín dụng khu vực Nam Hà. Từ năm 2001 đến nay, hoạt động của Ngân hàng Nam Định tiếp tục có sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 đơn vị chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp tỉnh gồm đủ các loại hình: Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Cty tài chính, Chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương và 41 quỹ tín dụng cơ sở. Toàn tỉnh có 240 địa chỉ giao dịch và cung ứng dịch vụ ngân hàng. Đội ngũ cán bộ ngân hàng ngày càng được củng cố và nâng cao về chất lượng, trong đó số cán bộ có trình độ đại học và trên đại học chiếm 75% (riêng Ngân hàng Nhà nước cán bộ có trình độ đại học và trên đại học đạt 82,14%). Hoạt động huy động vốn và cấp vốn của các ngân hàng trên địa bàn luôn đáp ứng được bước phát triển của nền kinh tế. Nguồn vốn huy động đến cuối năm 2010 đạt 11.339 tỷ đồng, tăng 8,6 lần so với năm 2000, bình quân trong 10 năm (2001-2010) mỗi năm tăng trưởng 23,8%. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối năm 2010 đạt 16.336 tỷ đồng, tăng gấp 12,8 lần so với năm 2000, bình quân mỗi năm tăng trưởng 28,8%. Những năm qua, ngành Ngân hàng Nam Định ưu tiên đầu tư trang bị hệ thống công nghệ tiên tiến: phần cứng, phần mềm, viễn thông và các sản phẩm ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại. Hệ thống máy tính được liên kết từ ngân hàng Trung ương đến NHNN tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Các phần mềm ứng dụng được nâng cấp đáp ứng yêu cầu xử lý nghiệp vụ tại NHNN và các tổ chức tín dụng. Hầu hết các nghiệp vụ ngân hàng đã được xử lý bằng máy tính như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển tiền điện tử, hệ thống quản lý tín dụng… Dịch vụ thẻ ngân hàng đến cuối năm 2010 đã phát hành 400.000 thẻ với 76 máy ATM được lắp ở Thành phố Nam Định và các huyện trong tỉnh. Đã có 130 đơn vị trả lương qua tài khoản cho gần 30 nghìn người hưởng lương ngân sách. Với những thành tích đã đạt được trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Ngân hàng Nam Định đã được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Nhất; 3 Huân chương Lao động hạng Nhì; 20 Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và UBND tỉnh.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nam Định phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, góp phần cùng toàn ngành thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Ngành Ngân hàng Nam Định thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác huy động vốn trên địa bàn, khai thác các nguồn vốn ngoài địa bàn và vốn điều hoà từ cấp trên của các tổ chức tín dụng để tăng cường nguồn vốn cho việc cấp tín dụng. Mở rộng cấp tín dụng trên cơ sở kiểm soát chất lượng tín dụng đi đôi với chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo ngành, lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất; giữa địa bàn thành thị và nông thôn. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng truyền thống đồng thời mở rộng các dịch vụ ngân hàng mới có hàm lượng công nghệ cao. Phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng trên cơ sở công nghệ thông tin hiện đại, tin cậy, an toàn hiệu quả… Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát của NHNN tỉnh đối với hoạt động tiền tệ ngân hàng trên địa bàn. Chú trọng phát triển mạng lưới ngân hàng cả ở thành thị và nông thôn. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành có đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng kịp thời sự đổi mới và phát triển của ngành. Trước mắt ngành Ngân hàng Nam Định thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ và Kế hoạch số 07 của UBND tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được trong 60 năm qua, trong thời gian tới với sự chỉ đạo, giúp đỡ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, của Ngân hàng Trung ương, sự đồng tình ủng hộ của các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, với sự đoàn kết phấn đấu không ngừng của cán bộ, công chức trong ngành, Ngân hàng Nam Định sẽ tiếp tục lập được nhiều thành tích, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của ngành và sự phát triển của tỉnh./.

Tiến sỹ  Đặng Huy Việt
Giám đốc NHNN tỉnh Nam Định


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com