Làng nghề sản xuất đồ nhôm gia dụng Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) được hình thành chưa đầy 30 năm, nhưng đến nay sản phẩm đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với sức cạnh tranh cao do mẫu mã đẹp, đa dạng về chủng loại và giá thành hạ. Để tạo được sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, người thợ làng nghề Bình Yên đã tập trung đầu tư công nghệ, tổ chức sản xuất khép kín và tiếp thị mở rộng thị trường.
Hoàn thiện sản phẩm ấm nhôm tại gia đình anh Trần Văn Tuấn, xóm 2, thôn Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực). |
Do nghề sản xuất đồ nhôm gia dụng phải sử dụng máy móc tới 90% công đoạn, từ cô đúc nguyên liệu đến cán, kéo, tạo hình và đúc thành phẩm nên việc đầu tư vốn để phát triển sản xuất là rất lớn. Ngoài việc các cơ sở chủ động tạo nguồn vốn, UBND xã Nam Thanh và các tổ chức đoàn thể còn đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề vay vốn phát triển sản xuất từ nguồn Quỹ tín dụng, Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng CS-XH. Hiện nay, tổng dư nợ nguồn vốn của các hộ làm nghề là hơn 70 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, các hộ dân đã tập trung đầu tư máy móc, tổ chức sản xuất theo hướng chuyên sâu. Trong tổng số 245 hộ tham gia làm nghề thì có 32 hộ chuyên cô đúc nguyên liệu; 30 hộ chuyên cán nhôm và các hộ còn lại thực hiện khâu đúc thành phẩm. Các hộ làm công đoạn đúc thành phẩm cuối cùng lại tự phân định chỉ làm chuyên một sản phẩm như hộ chỉ sản xuất ấm nhôm các loại, hộ làm chậu, hộ làm xoong, nồi, chảo, mâm, chõ hấp… tùy theo khả năng, mối hàng truyền thống. Hiện tại, 100% các cơ sở sản xuất theo quy mô gia đình ở làng nghề Bình Yên có đầy đủ máy móc đáp ứng yêu cầu sản xuất với tổng giá trị trên dưới một tỷ đồng. Nhiều hộ đầu tư vài tỷ đồng mua các loại máy chuyên dụng như: máy cán nhôm, máy phụt, máy định hình khuôn, khay… như gia đình các ông Bùi Văn Quyết, Đoàn Văn Minh... ở xóm 1; Nguyễn Văn Sỹ, Trần Văn Luân ở xóm 2. Việc đầu tư thiết bị hiện đại đã giúp các cơ sở sản xuất có đủ năng lực đảm nhận những đơn hàng lớn phục vụ thị trường trong nước và một phần xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia, Malaixia…
Cùng với đầu tư công nghệ, các cơ sở sản xuất tại làng nghề Bình Yên còn thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu cô đúc nguyên liệu thô (nấu các loại nhôm, đồng, chì cũ nát và nguyên liệu vụn sau khi định hình sản phẩm), đến định dạng nguyên liệu rồi định hình sản phẩm. Các dịch vụ phụ trợ cho làng nghề như cung ứng chất đốt, dầu máy, dịch vụ bảo trì máy móc và vận tải… được hình thành ngay tại địa phương, riêng khâu thu mua phế liệu cũ là do các đại lý ở các tỉnh, thành phố khác mang đến. Trước kia do sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chưa nhiều nên khâu tiêu thụ sản phẩm cũng do người làng Bình Yên trực tiếp đảm nhận. Đến nay, nhờ uy tín chất lượng sản phẩm và giá thành cạnh tranh nên các mối hàng tự tìm đến làng nghề để mua sản phẩm. Ngoài ra, việc mở rộng thị trường còn được hình thành theo phương thức các hộ sản xuất liên hệ tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất khẩu qua các đại lý hoặc các Cty trung gian. Trung bình một ngày, làng nghề Bình Yên xuất bán gần 100 tấn sản phẩm đồ nhôm gia dụng. Tổng giá trị của làng nghề mỗi năm đạt 70 tỷ đồng. Làng nghề phát triển đã tạo việc làm, thu nhập cho 1.000 lao động của địa phương và khoảng 500 lao động ở các xã lân cận.
Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, các công trình phúc lợi như điện, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư sửa chữa và xây mới. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải công nghiệp, khói bụi và tiếng ồn đang là vấn đề cần tập trung khắc phục. Để giải quyết vấn đề trên, Đảng ủy, UBND xã Nam Thanh đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho các hộ làm nghề về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất. Được sự giúp đỡ của Sở TN-MT, xã đã triển khai dự án cải thiện điều kiện sản xuất, môi trường, sức khỏe tại làng nghề. Dự án đã hỗ trợ làng nghề xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ cơ sở sản xuất như hố ga, bể nhúng sản phẩm, ống thoát khói, hệ thống thoát thải chung trước khi ra môi trường; xây dựng bãi tập kết, thành lập tổ thu gom và xử lý chất thải rắn… góp phần từng bước xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo cơ sở cho làng nghề phát triển bền vững, xã Nam Thanh đang đề xuất với huyện xây dựng CCN rộng 4ha ở khu vực cánh đồng làng Bình Yên để di dời sản xuất ra khỏi khu dân cư, tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương