Kiềm chế lạm phát từ góc độ tài chính - tiền tệ và bảo đảm an sinh xã hội (kỳ II)

07:04, 20/04/2011

[links()]

II. Hai vấn đề chính của an sinh xã hội

Lạm phát tác động lớn đến đối tượng có thu nhập, mức sống từ trung bình trở xuống trong xã hội, trong đó tác động tiêu cực đến đời sống người nghèo. Trong điều kiện cụ thể của tỉnh ta, bảo đảm an sinh xã hội thời điểm này có hai vấn đề chính. Đó là giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo.

* Việc làm, thu nhập cho người lao động

Lạm phát, với trực tiếp là sự gia tăng liên tục về chỉ số giá tiêu dùng khiến người lao động lao đao. Tháng 3 chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 2,17% so với tháng 2, người lao động tiếp tục thắt chặt chi tiêu vốn đã rất tiết kiệm. Chị Phạm Thị Linh công nhân tại Cty TNHH may Youngor Smart Shirt cho biết: “Mọi thứ chi tiêu đều đã ở mức hạn chế tối đa. Thậm chí khi đi làm chúng tôi phải rủ nhau đi cùng một xe, để tiết kiệm xăng!”. Vợ chồng anh Phạm Văn Hà và chị Lê Thị Hoa cùng là công nhân ở CCN An Xá lo lắng: “Cái gì cũng lên giá chóng mặt. Hai vợ chồng lĩnh hơn 4 triệu đồng tiền lương ngày mồng 10 đến 15 đã sắp hết vì trả nợ, phải tranh thủ mua sắm lúc có lương. Cuối tháng lại vay tiếp, tháng này vay gối tháng kia, không biết lúc nào hết vay! Chủ nhà trọ lại vừa thông báo sẽ tăng giá phòng…”. Đây cũng là thực trạng chung của hơn 2 vạn lao động của các KCN tỉnh và hàng chục vạn lao động ở các CCN, các doanh nghiệp dân doanh, cơ sở sản xuất ở các địa phương trong tỉnh trong thời điểm lạm phát. Đối tượng công chức, viên chức Nhà nước hưởng lương ở bậc lương còn thấp (từ 3,0 trở xuống) cũng không kém phần lao đao vì tăng giá. 

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.  Ảnh: Internet
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Ảnh: Internet

Giải quyết bài toán thu nhập như thế nào để bảo đảm an sinh xã hội. Trước hết, bản thân chủ doanh nghiệp phải thể hiện thái độ chăm lo cho người lao động để họ ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp. Theo rà soát của cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp đã ý thức được điều này, thực hiện tăng lương, chế độ phụ cấp cho người lao động. Ông Nguyễn Thế Dương, Tổng giám đốc Cty cổ phần may Sông Hồng cho biết: “Từ năm 2010, chúng tôi đã tiến hành tăng lương, tăng giá trị bữa ăn của công nhân thêm 30%/bữa. Đầu năm 2011, để hỗ trợ người lao động ứng phó với lạm phát, Cty đã tiến hành tăng lương từ ngày 1-3, đồng thời tăng giá trị bữa ăn thêm 20%”. Bà Ngô Thị Lan Anh, Trưởng phòng Nhân sự Cty TNHH may Youngor Smart Shirt (KCN Mỹ Trung) cho biết: Hiện, lương, phụ cấp của công nhân đạt bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng; so với cuối năm 2010 tăng khoảng 60%. Theo ông Vũ Quang Tùng, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp Ban quản lý các KCN tỉnh thì từ đầu năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp đều có động thái tăng lương, phụ cấp cho lao động… Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy dù tích cực đến đâu, mức độ tăng lương của một số doanh nghiệp cũng chỉ bảo đảm tạm đủ nhu cầu hết sức tằn tiện cho đời sống người lao động, chưa kể nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề này, vẫn vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao động. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật lao động.

Vấn đề được đánh giá là quyết định trong bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động là phải thực hiện đồng bộ các chính sách vĩ mô đang được Chính phủ triển khai để kiềm chế lạm phát. Để doanh nghiệp nâng lương, phụ cấp cho lao động thì trước hết bản thân doanh nghiệp cần được hỗ trợ để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, tỉnh tiếp tục quan tâm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong vay vốn để duy trì và mở rộng sản xuất. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện sớm và nghiêm túc. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm thị trường, đầu ra cần được chú trọng. Cùng với tuyên ngôn khách hàng của ngành Hải quan vừa được công bố với quy trình, quy chuẩn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành Thuế cần rà soát, tìm giải pháp cùng doanh nghiệp gặp khó khăn có phương án tháo gỡ.

Thông tin của Quyết định 471/QĐ-TTg về trợ cấp khó khăn cho 5 nhóm đối tượng, trong đó nhóm hưởng lương từ 3,0 trở xuống và người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH từ 2,2 triệu đồng trở xuống được hỗ trợ 250.000 đồng/người trong quý 2-2011 và việc thực hiện tăng lương tối thiểu lên 830.000 đồng/tháng từ 1-5-2011 được xem là giải pháp lớn về bảo đảm an sinh cho đối tượng công chức, viên chức, người hưởng lương Nhà nước. Tuy nhiên, với đặc thù của tỉnh ta có hơn 80% dân số ở nông thôn sản xuất nông nghiệp, chỉ số thất nghiệp còn cao thì bảo đảm an sinh còn phải thực hiện hiệu quả giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn. Để thực hiện công tác này, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh dạy nghề gắn với tạo việc làm theo Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó xây dựng chỉ tiêu tổ chức từ 2 lớp dạy nghề trở lên tại mỗi xã được lựa chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 (73 xã). Đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch việc làm và hiệu quả công tác tư vấn giới thiệu việc làm nhằm mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 30 nghìn lao động. UBND tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt đối với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong đó trọng tâm là Ngân hàng NN-PTNT tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

* Ưu tiên lớn nhất cho người nghèo

Với mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/người/năm ở thành thị và dưới 4,5 triệu đồng/người/năm ở khu vực nông thôn trong thời điểm tăng giá, lạm phát hiện nay, người nghèo đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy, trong bảo đảm an sinh xã hội, ưu tiên lớn nhất phải hướng về 54.645 hộ nghèo của tỉnh.

Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, an sinh đối với người nghèo. Từ tháng 3-2011, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 30 nghìn đồng/tháng tiền điện, nếu dùng không quá 50 số điện/tháng cũng được tính 80% giá trong bậc thang giá đầu. Từ 30-3-2011, người nghèo là một trong 5 nhóm được hỗ trợ 250 nghìn đồng/người theo Quyết định 471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều chính sách rất thiết thực đối với người nghèo đã đang được triển khai tại tỉnh ta như hỗ trợ mua thẻ BHYT, hỗ trợ về nhà ở, dự án dạy nghề cho lao động hộ nghèo, tín dụng ưu đãi… Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trong năm 2010 có 20.600 lượt hộ nghèo được vay vốn với tổng kinh phí cho vay 270 tỷ đồng, 92.303 người nghèo được cấp thẻ BHYT. 233 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở và sửa chữa nhà ở từ quỹ Đại đoàn kết, 1.455 hộ nghèo được học nghề miễn phí… Báo cáo 3 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 1.819 tỷ đồng. Sau 2 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở đã giải ngân được gần 2.000 hộ với mức vay bình quân 8 triệu đồng/hộ… Nói tóm lại, để an sinh xã hội cho người nghèo, phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,95% (tiêu chí mới) năm 2010 xuống còn 8,5% vào năm 2011 thì yêu cầu đặt ra là phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hệ thống các chính sách. Đơn cử trong 3 tháng đầu năm, việc hệ thống Ngân hàng CS-XH tỉnh giải ngân kịp thời, đầy đủ nguồn vốn vay ưu đãi học sinh, sinh viên đã tạo tâm lý yên tâm, ổn định cho nhiều hộ nghèo. Ông Vũ Văn Thanh (Giao Hải, Giao Thuỷ) cho biết: “Tôi có hai con đang học đại học, cao đẳng. Giá cả tăng chóng mặt thế này người ở nhà cũng còn khó khăn. Nếu không tiếp nhận vốn vay học sinh, sinh viên kịp thời thì cũng buộc phải cho hai con nghỉ học vì không có cách nào xoay xở!”.

Cùng với thực hiện hiệu quả các chính sách về hỗ trợ, giảm nghèo, thời điểm hiện nay cũng cần quan tâm đến biện pháp tác động khác nhằm bảo đảm an sinh cho người nghèo. Trước tiên, phải đẩy mạnh hơn nữa sự đầu tư, hỗ trợ từ cộng đồng xã hội hướng tới người nghèo theo hai hướng rõ rệt. Đó là hỗ trợ tín dụng, việc làm, các điều kiện cụ thể để thoát nghèo đối với nhóm cận nghèo và nhóm có điều kiện thoát nghèo và trợ cấp, giúp đỡ vượt khó đối với nhóm người nghèo chưa có đủ cơ hội, điều kiện thoát nghèo. Cần huy động xã hội tham gia hỗ trợ người nghèo bằng những mục tiêu cụ thể. Các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng cần cam kết và tham gia bình ổn giá, xây dựng mô hình cửa hàng dành cho người nghèo. Có như vậy thì người nghèo, người thu nhập thấp không phải cùng chịu tác động của lạm phát, tăng giá mức ngang bằng với các đối tượng xã hội khác, giảm bớt khó khăn. Thông tin cho thấy trong 3 tháng đầu năm, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai công tác bình ổn giá, nhiều tỉnh, thành lớn đã thực hiện công tác này từ đầu năm 2010… Nếu huy động được đồng bộ, hiệu quả cả sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách, sự tham gia của cộng đồng xã hội và các hoạt động về bình ổn, ưu tiên đời sống người nghèo sẽ tạo ra kết quả rất lớn về bảo đảm an sinh xã hội trong thời điểm khó khăn cho nhóm đối tượng này./.

Hoàng Long

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com