Đến tháng 3-2011, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, chỉ số giá tiêu dùng vẫn gia tăng, lạm phát vẫn tiếp diễn. Việc ngăn chặn lạm phát đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ nền kinh tế, mọi thành phần xã hội. Trong đó, tài chính - tiền tệ và bảo đảm an sinh xã hội là hai yếu tố cần được quan tâm.
I - Giải pháp tài chính - tiền tệ
* Chủ động tiền tệ, tăng thu, giảm chi ngân sách
Tháng 3-2011, thiên tai, thời tiết tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống, cộng với đầu vào nguyên liệu, nhiên liệu tăng giá, đẩy chỉ số giá tiêu dùng trong cả nước tiếp tục tăng 2,17% so với tháng trước, tăng 6,12% so với tháng 12-2010 và tăng 13,89% so với cùng kỳ... Ngăn chặn lạm phát được xác định là công tác cấp bách, trọng tâm của cả nền kinh tế cũng như mỗi địa phương. Trong đó, giải pháp tiền tệ - tài chính được xác định có vai trò trọng tâm, ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã đặt yêu cầu cụ thể về “thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước”.
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và căn cứ tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND chỉ đạo rõ từng giải pháp trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đối với giải pháp tài chính - tiền tệ, UBND tỉnh đặt chỉ tiêu cho ngành Ngân hàng phải bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả trong năm 2011, đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt trên 12%. Giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Ưu tiên vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn đi đôi với tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu. Phối hợp với các ngành chức năng chống các hoạt động kinh doanh tiền tệ, vàng trái pháp luật... Chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ phải linh hoạt, thích ứng tình hình thực tế. Vừa qua, UBND tỉnh cũng tiến hành đối thoại trực tiếp với 200 doanh nghiệp trong tỉnh và hệ thống ngân hàng của tỉnh để đưa ra các giải pháp thực tế về tiền tệ. Căn cứ thực trạng các doanh nghiệp của tỉnh đều cần vốn để sản xuất kinh doanh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo trực tiếp Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng trên địa bàn có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hợp lý để giúp doanh nghiệp có vốn sản xuất. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để doanh nghiệp và người vay tiếp cận thuận lợi với vốn vay, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có Công văn số 161/NHNN-NAĐ5 yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay đối với sản xuất kinh doanh. Đồng thời với việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quy trình, thủ tục cho vay của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập đường dây nóng để xử lý quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn có thể phản ánh để được hỗ trợ giải quyết ngay.
Bên cạnh thực hành tiết kiệm phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. |
Cùng với vai trò điều phối tiền tệ của ngành Ngân hàng, giải pháp tài chính - tiền tệ, công tác điều hành dự toán thu, chi ngân sách theo hướng tăng thu, giảm chi cũng được đặc biệt quan tâm. Năm 2011, tỉnh ta phấn đấu đạt số thu ngân sách tăng tối thiểu 13% so với dự toán Trung ương giao, tăng 5% so với dự toán của tỉnh. Song hành với tăng thu là giảm chi, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% của chi thường xuyên 9 tháng còn lại năm 2011, nâng tổng số tiết kiệm năm 2011 lên 18% (đã tiết kiệm chi thường xuyên 10% từ dự toán đầu năm). Cùng với chỉ đạo quản lý ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hạn chế các nội dung chi về mua xe, trang thiết bị, sửa chữa trụ sở làm việc, tham quan, du lịch, hội nghị nếu không cần thiết, tỉnh đã rà soát và chính thức đình hoãn, chưa khởi công 7 công trình chưa cấp thiết, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư với tổng mức đầu tư là 600,5 tỷ đồng gồm công trình xây dựng Thư viện huyện Hải Hậu; công trình cải tạo, xây dựng trụ sở Sở VH-TT và DL; công trình nâng cấp trụ sở Thanh tra tỉnh; công trình xây dựng Ban CHQS thành phố; công trình xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Mỹ Lộc; 2 công trình thi công đường 486 và đường trục Nam Tiến - Nam Thái.
* Tín hiệu khả quan
Kiềm chế lạm phát đòi hỏi sự đồng bộ của cả nền kinh tế và là công tác không thể đòi hỏi hiệu quả ngay. Ở góc độ tài chính - tiền tệ, theo đánh giá của các chuyên gia thì bộ giải pháp của tỉnh ta đã bám sát chủ trương, định hướng của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời bảo đảm yếu tố sát thực với đặc điểm, đặc thù của nền kinh tế tỉnh. Chính vì vậy, chỉ ngay trong thời điểm hết quý I, kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng, ngành Thuế nói riêng cũng như toàn bộ hệ thống tài chính, tài khoá của tỉnh đã xuất hiện những chỉ số thể hiện kiềm chế lạm phát rõ rệt.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Về huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức và dân cư của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 11.848 tỷ đồng, tăng 2.091 tỷ đồng (21,1%) so với cùng kỳ, đạt tốc độ tăng trưởng 44,1%. Đáng nói là trong thời điểm tăng giá, lạm phát nhưng các tổ chức tín dụng đã có phương án huy động vốn trong dân tốt, đạt tỷ trọng 84% tổng vốn huy động. Đến hết ngày 8-4-2011, tổng dư nợ cho vay đạt 16.430 tỷ đồng, tăng trưởng 23,6%. Về quan hệ tín dụng cho thấy từ đầu năm có tổng số 24.295 bộ hồ sơ vay vốn thì có 24.253 hồ sơ đã giải quyết cho vay, 42 hồ sơ chưa giải quyết cho vay hoặc từ chối cho vay đều do dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng không khả thi hoặc không hiệu quả, không có ngân hàng nào cho vay sai quy định. Trong dư nợ cho vay, dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn được tỉnh chỉ đạo tập trung giải quyết, cho vay để giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 6.466 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39,35% và tăng 249 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất đạt 1.848 tỷ đồng, tỷ trọng 14,03%, giảm 271 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ còn 1,12%, giảm 0,01% so với đầu năm. Các cơ chế hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 443, 2072, 497, 2213, 579 của Thủ tướng Chính phủ đều được thực hiện nghiêm túc.
Hoạt động tiền tệ, tín dụng của các ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đang đi đúng quỹ đạo chống lạm phát. Ngân hàng NN và PTNT tỉnh đã hạn chế tối đa cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất để tập trung cho vay sản xuất. Từ đầu năm đến nay, gần như đầu tư kinh doanh chứng khoán và kinh doanh bất động sản đều bị ngân hàng từ chối, chỉ còn lác đác cho vay tiêu dùng. Tỷ trọng cho vay phi sản xuất chỉ còn 15,7%. Năm 2010 Ngân hàng NN và PTNT tỉnh đã đầu tư 70% tỷ trọng vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn. Năm 2011, với tổng vốn 4.110 tỷ đồng, tỷ trọng trên sẽ được ưu tiên nâng lên 80%. Đặc biệt đơn vị sẽ không khống chế tăng trưởng dư nợ dưới 20% mà tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, người dân có vốn kinh doanh, sản xuất. Công tác rà soát lại hệ thống thủ tục cho vay đã được triển khai. Việc bảo đảm an toàn tín dụng được chú trọng, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,3% trong tổng dư nợ… Lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh cho biết đang tập trung giải ngân với các dự án, công trình. Với doanh nghiệp, Ngân hàng Đầu tư đang áp giá thẩm định sát với giá thị trường để doanh nghiệp có cơ hội vay vốn lớn nhất như Cty cổ phần Thuý Đạt được vay ở mức 70% giá trị thực tài sản thế chấp. Đồng thời nới rộng quy định để doanh nghiệp loại B của tỉnh được vay vốn hoạt động như trường hợp của Cty cổ phần xây lắp I Nam Định… Báo cáo của các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác cũng đều cho các chỉ số biểu hiện thái độ chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, quyết tâm cùng nền kinh tế tỉnh kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng…
Song hành với tín hiệu khả quan từ phía ngành Ngân hàng về điều tiết tiền tệ, công tác thu ngân sách quý I cũng đã đạt và vượt so với các chỉ tiêu đề ra. Báo cáo của Cục Thuế tỉnh, đến hết 31-3-2011, tổng thu ngân sách nội địa cân đối đạt 622,3 tỷ đồng, đạt 51% dự toán Trung ương giao, đạt 49% dự toán UBND tỉnh giao và bằng 251% so với cùng kỳ năm 2010. Nếu tính trừ khoản thu tiền sử dụng đất thì thu ngân sách quý I đạt 27% dự toán Trung ương và tỉnh giao, bằng 132% so với cùng kỳ năm 2010, vượt so với tổng thu ngân sách toàn quốc, chỉ đạt 21,2% dự toán năm. Ngành Thuế đang triển khai áp dụng 3 giải pháp bảo đảm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao là kê khai kế toán thuế chính xác, chi tiết đến gần 3.800 doanh nghiệp và đơn vị, cơ quan, hộ, cá nhân có nghĩa vụ thuế để thu đúng, thu đủ. Kiên quyết xử lý nợ đọng của các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, đồng thời cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để thất thu ngân sách. Kết quả thu quý I nói lên nỗ lực, giải pháp đúng hướng của ngành Thuế. Năm 2011, toàn ngành phấn đấu tăng vượt dự toán Trung ương giao 14%, tỉnh 9%.
Báo cáo sơ bộ cuối quý I cũng cho thấy các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện cao độ tinh thần tiết kiệm chi ngân sách; đủ cơ sở cho thấy giải pháp tài chính, tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát ở tỉnh ta dù bước đầu nhưng đã thể hiện được sự chủ động, hợp lý về điều hành cơ chế, công cụ tiền tệ, tăng thu, giảm chi ngân sách rõ nét. Vấn đề còn lại là duy trì, không ngừng nâng cao những kết quả trên trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Hoàng Long