Với ưu thế có 81.000ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, thuận lợi trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, những năm qua, huyện Giao Thuỷ xác định phát triển kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện đã tiến hành quy hoạch vùng nuôi trồng, khai thác, huy động nguồn lực của các tập thể và cá nhân xây dựng hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông, quy hoạch vùng nuôi và mua sắm thiết bị, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đối với vùng chuyển đổi từ trồng lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản được UBND huyện hỗ trợ khoảng 1,5 triệu đồng/ha, các cơ sở sản xuất giống thủy sản được tạo điều kiện về mặt bằng và hỗ trợ 100 triệu đồng. Toàn huyện hiện có 364ha chuyển đổi sang nuôi thủy sản nước ngọt tập trung; trong đó nhiều dự án đang phát huy hiệu quả… Năm 2010, giá trị sản xuất thủy sản của huyện đạt trên 600 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng 13,2%; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản đạt 28.500 tấn.
Bến cá Quất Lâm (Giao Thủy). |
Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản mặn lợ của huyện phát triển mạnh, tăng nhanh cả về diện tích, sản lượng và chủng loại sản phẩm. Năm 2010, tổng diện tích nuôi thuỷ sản mặn lợ của huyện đạt 4.961ha, diện tích nuôi mặn lợ là 3.775ha, tập trung vào các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp. Để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, khâu sản xuất giống được huyện quan tâm chỉ đạo. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 trại giống thủy sản mặn lợ, 1 trại giống thủy sản nước ngọt và Trung tâm giống thủy sản của tỉnh sản xuất giống tôm sú, ngao, hàu, tu hài, cua biển, cá bống bớp, cá chim biển vây vàng và các giống cá nước ngọt truyền thống, đã giúp huyện Giao Thủy chủ động sản xuất được giống. Hệ thống cung ứng thức ăn, thuốc thú y thủy sản được hình thành đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi. Các vùng nuôi công nghiệp đạt năng suất 4-5 tấn tôm sú/ha/năm, nuôi bán công nghiệp đạt 2-2,5 tấn/ha. Gần đây, một số hộ nuôi đang chuyển dần sang nuôi tôm he chân trắng đạt hiệu quả cao, năng suất bình quân đạt 6-8 tấn/ha/năm, cá biệt có hộ nuôi 3 vụ đạt 12 tấn/ha/năm. Nghề nuôi ngao cũng phát triển mạnh với hơn 3.000 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ; nhiều hộ có doanh thu 300-800 triệu đồng/năm từ nuôi ngao. Cùng với nuôi thuỷ sản mặn lợ, toàn huyện có gần 1.200ha nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó có 850ha diện tích mặt nước hồ ao, 345ha chuyển đổi từ vùng trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi các giống cá nước ngọt truyền thống. Hầu hết, các trang trại áp dụng mô hình VAC tổng hợp, năng suất đạt 3-5 tấn/ha, nhiều hộ doanh thu đạt 75-100 triệu đồng/năm.
Với trên 1.000 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 216 tàu công suất 40 CV trở lên, nghề khai thác hải sản những năm qua đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để vươn ra đánh bắt xa bờ. UBND huyện, Phòng NN-PTNT đã làm thủ tục hỗ trợ đóng mới 12 tàu khai thác có công suất 90 CV trở lên và sửa chữa nâng cấp nhiều tàu khác với số tiền trên 800 triệu đồng mỗi năm, đồng thời tổ chức đào tạo cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng cho 236 ngư dân có tàu từ 40 CV trở lên. Năm 2010, sản lượng khai thác hải sản của huyện đạt 10.500 tấn với nhiều sản phẩm có giá trị như: tôm he, tôm bộp, cá thu, cá mú… Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt, nghề chế biến hải sản được duy trì và phát triển trong các hộ dân, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô…, tập trung ở các xã Giao Châu, Giao Yến... Năm 2010, sản phẩm nước mắm đạt 1,3 triệu lít, mắm tôm đạt trên 100 tấn, cá khô đạt 300 tấn.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, huyện Giao Thuỷ đề ra mục tiêu: Quy hoạch diện tích nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản, trong đó, trọng tâm là nuôi trồng thủy sản, đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản hằng năm bình quân là 10,4%. Trong đó, giá trị sản xuất đến năm 2015 đạt 1.300 đến 1.400 tỷ đồng; sản lượng đến năm 2015 đạt 39.000 tấn trở lên; diện tích nuôi trồng thủy sản đến 2015 là 5.190ha. Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện Giao Thủy đã xác định các giải pháp phát triển kinh tế thủy sản bền vững. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nuôi trên cơ sở giữ vững diện tích nuôi trồng hiện có, tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa, sản xuất muối hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy hải sản. Quy hoạch thành vùng nuôi chuyên canh rõ rệt, gồm: vùng chuyên nuôi tôm sú, tôm he chân trắng tại xã Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm và ven đê thuộc xã Giao Thiện; chuyên nuôi ngao tại vùng đệm và phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy; nuôi sinh thái tại vùng bãi bồi Cồn Ngạn và đưa vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung vào nuôi thâm canh với các loại giống có giá trị kinh tế cao. Áp dụng các biện pháp chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các vùng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nâng dần năng suất các vùng nuôi sinh thái ổn định, bền vững. Giải quyết đồng bộ về giống, thức ăn và chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Đẩy mạnh và nâng cao sản lượng đánh bắt, tập trung đầu tư chuyển mạnh sang khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Khuyến khích đầu tư thúc đẩy các dự án, các phương tiện tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ nhằm phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Trong đó, kết hợp đầu tư của Nhà nước và nguồn vốn của ngư dân đóng mới và cải tiến phương tiện khai thác. Duy trì và mở rộng nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô, chế biến sứa thành phẩm và phát triển các cơ sở chế biến vừa và nhỏ để sơ chế sản phẩm và chế biến sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất giống thủy đặc sản đáp ứng cơ bản nhu cầu giống nuôi trên địa bàn. Củng cố và mở rộng dịch vụ sửa chữa, đóng tàu, cung cấp nhiên liệu, đá ướp, ngư cụ; dịch vụ tiêu thụ, chế biến sản phẩm tiến tới có phương tiện cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm ngay tại ngư trường. Cùng với các giải pháp trên, huyện tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thủy sản của Phòng NN-PTNT, tiếp tục hoàn thiện hệ thống khuyến ngư các xã, thị trấn để giúp chính quyền địa phương chỉ đạo sản xuất thủy sản. Củng cố hoàn thiện phương thức tổ chức, chỉ đạo sản xuất thủy sản của Hội Nhuyễn thể, Hội Sản xuất giống, các đội đánh cá hoạt động thực sự hiệu quả, đồng thời thử nghiệm xây dựng các HTX nuôi trồng thủy sản tại các xã có vùng nuôi lớn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương