Giao Hương chuyển dịch cơ cấu kinh tế

08:04, 08/04/2011

Xã Giao Hương (Giao Thuỷ) không có nghề truyền thống, đồng đất bị nhiễm chua mặn, cốt đất cao thấp không đều… Trước thực trạng đó, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung tìm nhiều giải pháp khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Sau nhiều vụ tiến hành cấy khảo nghiệm, đến nay, Giao Hương đã chọn được nhiều giống lúa năng suất, chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao vào gieo cấy. Diện tích cấy lúa lai trong vụ xuân thường xuyên chiếm 60-65% tổng diện tích cấy lúa của xã. Giống lúa Thiên ưu 1025 được xã cấy khảo nghiệm tại vụ xuân năm 2010, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với những diện tích bị nhiễm chua mặn, năng suất đạt trên 70 tạ/ha. Do vậy vụ xuân năm nay, xã đã chỉ đạo HTX hướng dẫn nông dân cấy 30% diện tích cấy lúa lai. Trên diện tích khoảng 70ha diện tích mặt nước của hai vùng bãi ven sông Hồng, xã vận động các hộ dân phát triển nuôi các loại thủy sản tự nhiên. Các hộ có diện tích nuôi nhiều từ 3-4ha như hộ ông Nguyễn Văn Bích (xóm 6), Đỗ Văn Chính (xóm 8), Lại Văn Quang (xóm 9)… Nhiều hộ đã đưa vào nuôi một số loại con nuôi có giá trị cao như cá vược, cua rèm, tôm sú, bước đầu có hiệu quả. Trong chăn nuôi, xã khuyến khích các hộ đầu tư phát triển theo mô hình trang trại, gia trại. Toàn xã hiện có 11 hộ nuôi lợn quy mô từ 50-300 con; 26 hộ nuôi gia cầm quy mô 300-500 con; trong đó, nhiều hộ đã kết hợp chăn nuôi lợn, gà, vịt với đào ao, thả cá, trồng cây cảnh, cây ăn quả như hộ các ông Mai Văn Tuyến (xóm 6), Phạm Văn Vọng, Phạm Văn Hải (xóm 7), Đinh Văn Ngô (xóm 12)… Hộ ông Trần Văn Chỉnh (xóm 4), Đào Công Chính (xóm 8) thường xuyên nuôi 800-1.000 con vịt đẻ. Hộ ông Trần Đình Ngung (xóm 7) lựa chọn mô hình nuôi dê để tận dụng nguồn cỏ tự nhiên ở địa phương. Đàn dê của gia đình ông thường xuyên duy trì ổn định 40-45 con, trong đó có 20 con dê sinh sản; trừ chi phí, năm 2010 gia đình ông thu lãi gần 20 triệu đồng. Mặc dù không có nghề truyền thống nhưng đến nay, nhiều ngành nghề CN-TTCN cũng dần được phát triển, mở rộng, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động. Trên địa bàn xã hiện có 2 tổ hợp móc sợi xuất khẩu của gia đình anh Nguyễn Văn Được (xóm 2) và chị Đặng Thị Hoa (xóm 6), thu hút gần 700 lao động trong và ngoài xã. Xưởng may công nghiệp của gia đình anh Nguyễn Văn Toan (xóm 6) mặc dù mới được thành lập (cuối năm 2010) nhưng cũng đã có gần 20 lao động. Ngoài ra ở Giao Hương còn có một số hộ có xưởng sản xuất mộc dân dụng, mỗi hộ tạo việc làm cho 4-6 lao động. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND, trưởng Ban Nông nghiệp xã cho biết, hiện nay, số dư nợ của các hộ qua các kênh vay vốn để phát triển kinh tế ở xã đạt trên 22 tỷ đồng.

Những năm tới, xã Giao Hương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng và cải tạo đất; mỗi xóm dành quỹ đất cần thiết cho trồng lúa đặc sản, cây rau màu theo hướng thâm canh, tăng vụ. Phát triển mô hình nuôi xen canh lúa + cá với các giống nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, cá diêu hồng kết hợp khai thác các nguồn lợi tự nhiên trên bãi bồi ven sông Hồng. Giữ vững và phát triển các ngành nghề hiện có, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, cá nhân đưa nghề mới về xã, tạo việc làm cho nhiều lao động./.

Thanh Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com