Giải pháp tiết kiệm điện của các doanh nghiệp

08:04, 27/04/2011
Đại tu hệ thống máy cắt tại trạm 110Kv Phi Trường (TP Nam Định).  Ảnh: xuân thu
Đại tu hệ thống máy cắt tại trạm 110Kv Phi Trường (TP Nam Định).
Ảnh: Xuân Thu

Việc cung ứng điện cho các khu, CCN, làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn có đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước… đã được ngành Điện ưu tiên. Tuy nhiên, theo ước tính, nhu cầu sử dụng điện toàn tỉnh năm 2011 sẽ tăng khoảng 14% so với năm 2010, khả năng thiếu hụt nguồn điện vẫn xảy ra. Vì vậy, việc tiết giảm điện tại các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Để chủ động sản xuất, kinh doanh bảo đảm ổn định, hiệu quả, các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm điện như: sử dụng bóng đèn compact hoặc đèn huỳnh quang thay thế cho bóng đèn sợi đốt thông thường; tắt các thiết bị điện, đèn chiếu sáng khi không có nhu cầu sử dụng, hợp lý hóa các thiết bị cấp nguồn cho máy sản xuất nhằm giảm tối đa dòng không tải, cân đối phụ tải; loại bỏ dung lượng thừa ở các trạm biến áp trung gian bằng cách đấu nối lại lưới điện. Một số doanh nghiệp tại các khu, CCN đã chuyển sang đấu nối tuyến dây vào lưới điện công cộng thay thế việc sử dụng máy biến áp non tải. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các thiết bị mới tiết kiệm điện năng, bố trí lại dây chuyền, phân công sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn vào giờ cao điểm; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên. Các phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật về tiết kiệm điện cũng thu hút được đông đảo cán bộ, công nhân lao động tại nhiều doanh nghiệp tham gia, qua đó có nhiều sáng kiến có giá trị, được áp dụng trong thực tế, đem lại hiệu quả cao. Ngoài một số giải pháp chung, căn cứ vào đặc điểm tình hình sản xuất, kinh doanh, mỗi doanh nghiệp lại có những giải pháp tiết kiệm điện khác nhau. Tại Trung tâm thương mại Thiên Trường - Siêu thị Big C Nam Định, toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng đều sử dụng loại đèn huỳnh quang T5 thay thế đèn huỳnh quang T8 có khả năng tiết kiệm điện lên tới hơn 40% so với trước đây nhưng vẫn bảo đảm độ sáng theo tiêu chuẩn quy định. Hệ thống bồn trữ lạnh của siêu thị được vận hành vào ban đêm, kết nối với 2 máy lạnh tích trữ năng lượng dưới dạng đá lạnh, giải phóng năng lượng vào ban ngày, cung cấp khí lạnh cho hệ thống điều hòa. Các tủ quầy hàng đông lạnh có hiệu suất tiết kiệm điện cao hơn so với kệ lạnh thông thường nhờ các lá chắn giảm thất thoát khí lạnh, tiêu tốn ít điện năng nhưng vẫn bảo quản hàng hóa đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Big C Nam Định còn sử dụng nhiều vật liệu có tính cách nhiệt, cách âm tốt như tường 3D, mái có lớp cách nhiệt… giúp giảm thiểu trao đổi nhiệt. Nhờ vậy, bình quân mỗi tháng, Big C Nam Định tiết kiệm khoảng 200 triệu đồng tiền điện. Ở CCN Yên Xá (Ý Yên), gần 40 doanh nghiệp đã có phương án giảm thiểu số lần cắt giảm điện bằng cách xây dựng trạm điện riêng, mua máy phát điện, sử dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên bằng cách lắp cửa kính, tấm lợp trắng thông minh, lắp đặt các thiết bị máy móc tiêu hao ít điện… Cty TNHH cơ khí đúc Toàn Thắng là một trong những doanh nghiệp có những giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, hợp lý để việc tiết giảm điện không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Anh Hà Anh Tuấn, Phó Giám đốc Cty cho biết, hiện 98% số lượng đèn chiếu sáng tại Cty đã được thay thế bằng bóng đèn compact. Một số điểm trên mái xưởng sản xuất được lợp bằng tấm lợp thông minh, đón ánh sáng tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến nhiệt độ trong phòng, góp phần bảo đảm môi trường thoáng mát cho người lao động. Cty còn thường xuyên theo dõi lịch thông báo cắt điện để điều chỉnh thời gian sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do sự cố mất điện đột ngột gây ra. Nhờ đó, 3 tháng đầu năm 2011, số tiền điện của Cty phải trả chỉ tương đương với 3 tháng cuối năm 2010 nhưng khối lượng sản phẩm tăng lên khoảng 20%. Ở Cty cổ phần bia Na Da, các giải pháp tiết kiệm điện cũng giúp cho Cty giảm được 10-20% chi phí tiền điện (khoảng 50-70 triệu đồng/tháng). Các giải pháp tiết kiệm điện được thực hiện tại Cty là: hạn chế tối đa sử dụng điện trong giờ cao điểm; coi tiết kiệm điện là một trong những nội quy, ý thức trách nhiệm và nhiệm vụ lâu dài của mỗi cán bộ, công nhân viên; kiểm tra, thay thế các thiết bị cũ, tiêu  hao điện năng lớn bằng các thiết bị mới; sử dụng hợp lý phụ tải của 2 trạm biến áp… Ở Tổng Cty cổ phần dệt may Nam Định toàn bộ máy may công nghiệp tại các xí nghiệp may đều được trang bị thiết bị tiết kiệm điện chuyên dụng của Đức ở chế độ không tải, giúp tiết kiệm tối đa 70% lượng điện tiêu thụ của mô tơ. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công nhân viên như: lắp đặt hệ thống tủ điện biến tần cho máy sợi con để điều chỉnh động cơ quạt hút; lắp bộ biến tần điều chỉnh động cơ máy may công nghiệp… góp phần giảm điện năng tiêu thụ từ 10-30%.

Việc các doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện không chỉ góp phần cùng ngành Điện khắc phục khó khăn do thiếu hụt nguồn điện mà còn giúp các doanh nghiệp giảm bớt được chi phí. Tuy nhiên, ngoài các doanh nghiệp sản xuất tập trung trong các khu, CCN, làng nghề được cấp điện ưu tiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp nằm lẫn trong khu dân cư hoặc ở cuối nguồn đường dây trung thế phải chịu tiết giảm cùng với điện sinh hoạt. Mong muốn chung của các doanh nghiệp là việc cắt giảm điện phải được thực hiện luân phiên, không kéo dài đối với một khu vực hoặc một phụ tải điện; đóng và cắt điện theo đúng lịch, đúng giờ, có thông báo trước để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch bố trí sản xuất hợp lý, tránh những thiệt hại không đáng có do mất điện./.

Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com